Pakistan: Những nữ sinh quân đội nuôi ước mơ bình quyền

GD&TĐ - Tại một ngôi trường “ngoại lệ” ở Pakistan, Durkhanay Banuri mơ ước trở thành một sĩ quan quân đội, từng là điều “bất khả thi” với các cô gái tại quốc gia nữ giới chịu bất bình đẳng sâu sắc, đặc biệt trong lực lượng quân đội đầy quyền uy…

Trường tại Mardan là trường quân sự duy nhất tại Pakistan nhận học viên nữ
Trường tại Mardan là trường quân sự duy nhất tại Pakistan nhận học viên nữ

Ngôi trường đặc biệt

Cô gái 13 tuổi Durkhanay là học sinh trường quân sự đầu tiên dành cho nữ tại Pakistan. Ngôi trường, nằm ở khu vực Đông Bắc nặng tư tưởng bảo thủ, mới đi vào hoạt động đầu năm nay.
“Cháu muốn trở thành một chỉ huy quân đội” - cô bé chia sẻ đầy tự tin - “Tại sao không?

Khi một phụ nữ có thể là Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Giám đốc Ngân hàng Quốc gia - thì cũng có thể là chỉ huy quân đội… Cháu sẽ biến điều đó thành có thể”.
Giấc mơ của nhiều phụ nữ tại khu vực này từng chỉ giản đơn là được ra khỏi nhà tuỳ ý.

Durkhanay và 70 bạn học khác tại Mardan, một thị trấn nhỏ tại tỉnh Khyber Pakthunkhwa - nơi thường xảy ra giao tranh với phiến quân - nằm cách thủ đô Islamabad 110 km, đang hướng tới giấc mơ cao xa hơn nhiều.

Các trường quân sự tại Pakistan, nằm dưới sự quản lí của chính phủ với nhân sự thuộc bộ phận giáo dục của quân đội, vốn chỉ đào tạo nam sinh cho lực lượng quân đội và cơ quan dân sự. Các trường này được hưởng nguồn lực tốt nhất cho hoạt động giáo dục đào tạo.

“Thay đổi cuộc chơi”

Theo một nghiên cứu của chính phủ Pakistan năm 2016, có tới 24 triệu trẻ em không được tới trường, trong đó trẻ em gái chiếm tỉ lệ lớn hơn với 12,8 triệu em so với 11,2 triệu em trai.

Hàng trăm nam sinh học tại các trường quân sự trên cả nước nhưng nữ sinh không được phép vào học những trường này - trường dành cho nữ sinh tại Mardan là ngoại lệ duy nhất.

“Những trường như vậy có thể giúp nữ sinh trở thành một phần của quân đội, cơ quan ngoại giao, cơ quan dân sự hoặc trở thành kĩ sư và bác sĩ” - sĩ quan nghỉ hưu Naureen Satti nhấn mạnh tầm quan trọng của ngôi trường trong cuộc chiến lâu dài cho nữ quyền tại Pakistan.

Trong bộ đồng phục kaki màu lá mạ và mũ nồi đỏ, Durkhanay và các bạn tập diễu binh, thể lực và võ thuật.

Trước đây phụ nữ chỉ được phép làm việc trong các cơ quan hành chính nhưng từ năm 2003, cánh cửa vào hải, lục, không quân đã mở ra với họ.

Quân đội không công bố có bao nhiêu quân nhân nữ trong tổng số quân thường trực 700.000 (số liệu năm 2015). Tuy nhiên, một sĩ quan cao cấp tiết lộ ít nhất 4.000 phụ nữ đang phục vụ trong quân đội. Điển hình như Ayesha Frarooq đã trở thành nữ phi công lái máy bay chiến đấu đầu tiên của Pakistan vào năm 2013.

Javid Sarwar, Hiệu trưởng trường nữ sinh quân sự, một sĩ quan nghỉ hưu, cho biết trường có kế hoạch tuyển sinh đợt hai 80 nữ sinh từ khắp cả nước vào tháng 3.

Với mức học phí 57.000 rupee (540 USD) mỗi học kỳ, học viên được ở phòng nội trú có máy tính truy cập Internet, sự xa xỉ so với nhiều trường học ở Pakistan.

Sự hiện diện của ngôi trường là dấu hiệu “thay đổi cuộc chơi” tại một khu vực nặng tư tưởng bảo thủ tôn giáo mặc định vai trò phụ nữ chỉ quanh quẩn trong nhà - Shama Javed nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.