Ông Putin thay đổi nghĩa vụ của Nga về lệnh cấm thử hạt nhân

GD&TĐ - Ngày 2/11, Tổng thống Vladimir Putin ký thông qua dự luật thu hồi phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT).

Nga phóng thử tên lửa Yars có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga/Sputnik)
Nga phóng thử tên lửa Yars có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga/Sputnik)

Dự luật được cả 2 viện quốc hội Nga thông qua vào tháng trước. Cụ thể, luật mới đã thay đổi luật năm 2000 của Nga bằng cách loại bỏ bất kỳ đề cập nào đến việc phê chuẩn CTBT, trong khi vẫn giữ nguyên phần còn lại của văn kiện.

Điện Kremlin nhấn mạnh rằng động thái này được thực hiện nhằm đáp trả các chính sách của Mỹ liên quan đến lệnh cấm, đồng thời không báo hiệu ý định gia hạn các vụ thử bom hạt nhân dưới lòng đất.

Theo phát ngôn viên Điện Kremlin, bằng cách hủy phê chuẩn CTBT, Nga đang khôi phục lại sự bình đẳng với Mỹ.

CTBT chưa có hiệu lực vì các điều khoản của nó cần tất cả 44 quốc gia vận hành các lò phản ứng hạt nhân vào năm 1996 phê chuẩn. Với việc Nga rút lui, hiệp ước sẽ còn 9 quốc gia nữa mới có hiệu lực. Bảy nước còn lại vắng mặt là Trung Quốc, Triều Tiên, Ai Cập, Ấn Độ, Iran, Israel và Pakistan.

Tổng thống Putin gợi ý rằng Mỹ có thể quyết định phá bỏ lệnh cấm thực hiện các vụ thử hạt nhân trực tiếp trong quá trình hiện đại hóa kho vũ khí của mình. Tuy nhiên, ông cam kết nếu điều này xảy ra, Nga sẽ làm theo.

Tháng trước, Cơ quan An ninh Hạt nhân Quốc gia (NNSA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ đã tiến hành hoạt động họ gọi là thí nghiệm nổ hóa chất dưới lòng đất tại Địa điểm An ninh Quốc gia Nevada (NNSS), một khu thử nghiệm hạt nhân quan trọng.

Nó được mô tả là nhằm củng cố khả năng phát hiện các vụ nổ hạt nhân của Washington.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ