Ông Nguyễn Hữu Tín xin phúc thẩm vắng mặt

Ông Nguyễn Hữu Tín xin phúc thẩm vắng mặt

Tòa án nhân dân cấp cao tại TPHCM mở phiên phúc thẩm vụ ông Nguyễn Hữu Tín (nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM) cùng các đồng phạm trong vụ giao đất số 15 Thi Sách (Q.1, TPHCM) cho Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 (do Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm”, làm Chủ tịch HĐQT). Ông Nguyễn Hữu Tín có đơn xin vắng mặt.

Không ảnh hưởng đến phiên xét xử

Trao đổi với PV Báo Giáo dục và Thời đại, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang (Đoàn Luật sư TPHCM) – người tham gia bào chữa cho ông Nguyễn Hữu Tín cho hay, ông Tín đã có đơn xin vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm do sức khỏe không bảo đảm, đồng thời ông Tín cũng đã chấp hành bản án 7 năm tù của phiên tòa sơ thẩm và không có kháng cáo. Được biết, TAND cấp cao tại TPHCM đã có văn bản thông báo dừng trích xuất đối với ông Tín.

Ngoài ra, LS Nguyễn Thị Huyền Trang cũng chia sẻ việc ông Tín không có mặt tại phiên phúc thẩm không ảnh hưởng đến phiên tòa do ông Tín đã chấp hành bản án của phiên tòa sơ thẩm, không có kháng cáo và có đơn xin thi hành án sớm. Đồng thời, cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM cũng có ủy quyền cho LS Huyền Trang là đại diện pháp lý cho ông tại phiên tòa phúc thẩm.

Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm là thẩm phán Hoàng Thanh Dũng. Hai thẩm phán Quảng Đức Tuyên và Mai Thị Tú Oanh là thành viên trong hội đồng xét xử (HĐXX). Đại diện Viện KSND cấp cao tại TPHCM tham dự phiên tòa là hai kiểm sát cao cấp Nguyễn Mậu Hưng và Hồ Sỹ Hoàn.

Theo đó, ngày 31/12/2019, tại phiên xét xử sơ thẩm, TAND TPHCM nhận định đủ cơ sở xác định ông Nguyễn Hữu Tín đã sai trong quá trình bút phê giao cấp dưới tham mưu rồi ký duyệt giao nhà, đất số 15 Thi Sách cho Công ty Bắc Nam 79 thuê. Ông Tín ký quyết định trên cơ sở các bị cáo thuộc cấp tham mưu, các sở, ngành có liên quan và cán bộ, công chức tại đơn vị trên đã tiến hành các thủ tục cho Công ty Bắc Nam 79 hưởng các chính sách thuê đất và khấu trừ tiền đất, gây thiệt hại cho Nhà nước 6,7 tỷ đồng. Hành vi các bị cáo phạm vào tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí như truy tố là chính xác.

Từ đó, HĐXX sơ thẩm đã tuyên án bị cáo Tín 7 năm tù và tuyên phạt Đào Anh Kiệt (cựu Giám đốc Sở TN&MT TPHCM) 6 năm 6 tháng tù. Các bị cáo còn lại mức án 3 - 5 năm tù cùng về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Phía ông Tín chấp nhận án tù không kháng cáo và cho rằng nỗi đau đang gánh chịu bây giờ không phải là 7 năm tù, mà là quyết định sai lầm đã hủy hoại tất cả tâm huyết, hơn 40 năm cống hiến cho TPHCM. Ông Tín cũng cho rằng không thể ngờ lại bị người khác lợi dụng khiến hậu quả xảy ra, một quyết định sai lầm dẫn đến hủy hoại tất cả. Do đó, ông Tín không hy vọng kháng cáo để được xem xét giảm án, vì có xem xét thì chỉ được 1 - 2 năm, thời gian đó không bù đắp lại được nỗi đau mà ông đang gánh chịu...

Khó thay đổi bản án sơ thẩm

“Trong quá trình thụ lý vụ án mới thấy rằng, trong các quy định pháp luật có độ chênh, có những nội dung xung đột lẫn nhau giữa quy định pháp luật này với các chủ thể khác. Trong vai trò, vị trí của ông Nguyễn Hữu Tín không nhận thức rõ thì sẽ vi phạm pháp luật. Và sai phạm của ông Nguyễn Hữu Tín là một trong các vấn đề bị xung đột pháp luật. Để giúp cho cơ quan lực lượng tình báo lập công ty bình phong thực hiện nhiệm vụ theo Nghị định của Chính phủ thì bị sai về Luật Đất đai”. Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang

Sau khi HĐXX sơ thẩm tuyên án, bị cáo Đào Anh Kiệt có kháng cáo xin xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Ông Trương Văn Út (cựu Phó Trưởng phòng Quản lý đất thuộc Sở TN&MT TPHCM) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Hai bị cáo còn lại xin áp dụng tình tiết “người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể”... để tuyên miễn hình phạt.

Cụ thể, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, bị cáo Đào Anh Kiệt cho rằng: “Bị cáo có oan sai vì bị cáo không phải là đơn vị quản lý tài sản công, không thể xử lý giá trị tài sản được. Đây là nhiệm vụ của Công ty Quản lý nhà và Sở Tài chính tham mưu cho ủy ban. Xuyên suốt quá trình tham mưu cho ủy ban, bị cáo chỉ biết một mục đích duy nhất là giao nhà đất 15 Thi Sách vì nghiệp vụ an ninh, không phải vì mục đích thương mại”.

Đồng thời, bị cáo Đào Anh Kiệt cho rằng, nếu mục đích cho thuê làm thương mại dịch vụ giao sử dụng thương mại - dịch vụ thì phải đem ra đấu giá, hoặc chỉ định theo đúng quy định pháp luật. Nhưng riêng trường hợp này (đây là công ty bình phong của Bộ Công an), khi bị cáo nhận được văn bản của UBND TPHCM kèm văn bản của Bộ Công an và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bị cáo nhận thức đây là nhiệm vụ an ninh, không thuộc thẩm quyền của mình, nên trình UBND TPHCM quyết định.

Liên quan đến Quyết định 2781 chấp thuận chủ trương giao nhà đất 15 Thi Sách theo hình thức chỉ định cho Công ty CPXD Bắc Nam 79, bị cáo Kiệt trình bày “Quyết định 2781 do Sở TN&MT tham mưu, bị cáo là giám đốc, bị cáo phải chịu trách nhiệm về tham mưu đó”.

Theo LS Huyền Trang, phiên tòa sơ thẩm đã xét xử rất kỹ nên khó có diễn biến bất ngờ như thay đổi bản án ở phiên xử phúc thẩm này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ