Ông Mike phụ nữ

GD&TĐ - Đó là biệt danh thường gọi của những người dân Quảng Ngãi đối với ông Roy Mike Boehm- một cựu binh Mỹ từng tham chiến ở chiến trường miền Nam, Việt Nam. 

Ông Mike phụ nữ

Tên gọi trìu mến như thầm nói lời cám ơn. Cảm ơn vì trong bao nhiều năm qua, ông đã lặng thầm xây tặng nhà tình thương, xây dựng ngôi trường và đồng hành hỗ trợ, cấp vốn, giúp đỡ nhiều phụ nữ làng quê Sơn Mỹ(tỉnh Quảng Ngãi) vươn lên thoát nghèo.

Hành trình thầm lặng

Trở về cuộc sống đời thường nhưng trong tâm trí ông Mike Boehm lúc nào cũng bị ám ảnh về vụ thảm sát kinh hoàng ở Mỹ Lai - làng quê Sơn Mỹ, xã Tịnh Khê (Quảng Ngãi) vào ngày 16/3/1968 của quân đội Mỹ.

Năm 1993, ông Roy Mike Boehm quyết định về Mỹ Lai, thầm nguyện với lòng mình có trách nhiệm với mảnh đất đau thương này.

Và trong suốt 25 năm qua, tháng 3 năm nào ông Mike Boehm cũng về Quảng Ngãi kéo vĩ cầm bên chân tượng đài tưởng niệm chứng tích Sơn Mỹ cầu siêu cho nạn nhân vụ thảm sát và gửi thông điệp tình yêu hòa bình.

Mong muốn khép lại quá khứ đau thương để cùng hướng về tương lai tốt đẹp hơn, ông Mike Boehm đã không quản ngại khó khăn, gian khó đi đến các miền quê tỉnh Quảng Ngãi thăm hỏi, hỗ trợ vốn giúp phụ nữ xóa đói, giảm nghèo.

Từ số tiền dành dụm của cá nhân và từ sự vấn động, quyên góp, ông Mike Boehm đã hỗ trợ nguồn vốn làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, xây nhà tình thương cho hàng trăm phụ nữ nghèo ở Quảng Ngãi.

Không chỉ hỗ trợ vốn, tặng nhà tình thương cho phụ nữ, ông Mike Boehm còn kêu gọi các tổ chức, cá nhân nước ngoài hàng tỷ đồng giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, trao học bổng cho học sinh nghèo, hỗ trợ công trình nước sạch cho các trường học Quảng Ngãi.

Nói về những việc làm thầm lặng của ông Mike Boehm trong thời gian qua, bà Phạm Thị Hồng Hải - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Quảng Ngãi, chia sẻ: Chúng tôi thật sự cảm động trước nghĩa cử tốt đẹp, tình cảm chân thành của ông Mike Boehm đối với người dân, những gia đìnhcó hoàn cảnh khó khăn trong suốt nhiều năm qua.

Từ sự hỗ trợ của ông các địa phương đã xây dựng được 3 trường tiểu học, 57 nhà tình thương, hơn 3.000 các khoản vay vi mô cho phụ nữ ở Sơn Mỹ cũng như 14 ngôi làng ở các khu vực khác tại tỉnh Quảng Ngãi. Đó là những gì Mike và những người cựu binh đã làm được để hàn gắn vết thương chiến tranh.

Nhờ sự giúp đỡ tận tình của ông mà nhiều người dân nghèo Quảng Ngãi vươn lên phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, chăm lo sự học cho con em mình. Bởi vậy, bản thân tôi cũng như bao cán bộ lãnh đạo Quảng Ngãi không cảm thấy ngạc nhiên khi nghe người dân địa phương trìu mến gọi người cựu binh Mỹ này là "Ông Mike phụ nữ".

Hàn gắn vết thương, hướng đến tương lai

“Ghi nhận những đóng góp, hỗ trợ tích cực của ông Roy Mike Boehm trong thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi đã kết nạp ông Mike Boehm vào hội viên danh dự. Nhân dịp diễn ra Lễ tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát 504 thương dân tại làng Sơn Mỹ, Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam quyết định trao tặng kỷ niệm chương"Vì sự phát triển của phụ nữ Việt Nam" để ghi nhận cống hiến của ông Mike vì sự phát triển, tiến bộ phụ nữ Quảng Ngãi”- Bà Phạm Thị Hồng Hải cho hay.

Năm nay, Roy Mike Boehm đã bước qua tuổi bảy mươi, nhưng những người cựu binh này tự nhủ khi nào mình còn sống thì đều đặn sẽ trở lại Quảng Ngãi, tình nguyện làm cầu nối bạn bè quốc tế chung tay xoa dịu đau thương ở mảnh đất này.

Bởi dẫu chiến tranh đã lùi xa nhưng bao nhiêu năm qua, trong ông vẫn không nguôi về những ký ức chiến tranh, nó cứ ám ảnh cuộc đời ông, phá hủy sự bình yên trong sâu thẳm trái tim. Tâm trạng ông cũng như nhiều cựu binh Mỹ khác từng tham chiến tại chiến trường Việt Nam bao giờ cũng luôn thấy có lỗi với những gì đã làm ở Việt Nam...

Chính điều đó như thôi thúc ông làm điều gì đó để giúp các bạn trẻ, người dân, cộng đồng Việt Nam có thêm điều kiện để phát triển. Đúng như điều mà ông đã tâm sự, sẻ chia dưới khi gặp chúng tôi dưới chân tượng đài Chứng tích Sơn Mỹ.

Ông xúc động, tự hào khi được ghi nhận cống hiến, tình cảm đặc biệt của mình dành trọn cho phụ nữ Quảng Ngãi. Và ông mong muốn có đủ sức khỏe để tiếp tục đồng hành, giúp đỡ phụ nữ nghèo Quảng Ngãi trong thời gian tới.

Chúng tôi tin những điều ông nói, như tin vào những hành động việc làm tốt đẹp của ông trong suốt hơn 25 năm qua cho người dân Quảng Ngãi, và cả hình ảnh người cựu binh Mỹ cứ đến ngày tưởng niệm vụ thảm sát lại ngồi kéo vĩ cầm dưới chân tượng đài Chứng tích Sơn Mỹ.

Trong khói hương nghi ngút, tiếng vĩ cầm vang lên như lời nguyện cầu cho những người dân vô tội và gửi đi thông điệp hòa bình xoa dịu vết thương chiến tranh.

    Cựu binh Mỹ Roy Mike Boehm được công chúng Việt Nam biết đến cùng bộ phim tài liệu “Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai”. Bộ phim nói về vụ thảm sát xảy ra tại Sơn Mỹ, chỉ trong vài giờ buổi sáng 16/3/1968, quân đội Mỹ giết chết 504 dân thường vô tội. Bộ phim đã gửi đi thông điệp về sự hy vọng chuộc lỗi và thông điệp hãy khép lại quá khứ mà nhìn về tương lai. Người kéo vĩ cầm chính là cựu binh Mỹ Mike Boehm. Năm 1998, đạo diễn Trần Văn Thủy sản xuất bộ phim này và sau đó đã đoạt giải thưởng Phim ngắn hay nhất (Best Short Film Award) tại Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 43 tổ chức ở Thái Lan năm 1999. Bộ phim đạt giải Bông Sen bạc của Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 12 – năm 1999.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.