Ông Đinh La Thăng tự bào chữa, phủ nhận cáo trạng của Viện kiểm sát

GD&TĐ - Bào chữa trước tòa sáng nay, 22/3, bị cáo Đinh La Thăng phủ nhận cáo trạng của Viện kiểm sát về việc bị cáo này đã có hành vi che giấu sai phạm trong việc PVN góp vốn vào OceanBank.

Bị cáo Đinh La Thăng trong phần tự bào chữa sáng 22/3.
Bị cáo Đinh La Thăng trong phần tự bào chữa sáng 22/3.

Sáng 22/3, phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng và 6 đồng phạm liên quan đến vụ án góp 800 tỷ đồng vào Ngân hàng CPTM Đại Dương (Oceanbank) tiếp tục diễn ra, đại diện VKS ND TP Hà Nội đọc bản luận tội và có đề xuất mức  án đối với 7 bị cáo.

Ông Đinh La Thăng tự bào chữa: Đây là sự thật, bị cáo không né tránh chối tội

Trước đó, giữ quyền công tố tại toà, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đề nghị truy tố bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), từ 18-19 năm tù.

Theo đại diện Viện Kiểm sát, sau khi bị kiểm tra, bị cáo Thăng biết hành vi của mình là sai phạm, cần che giấu nên yêu cầu các thành viên Hội đồng quản trị ký xác nhận có bàn bạc và biết trước chủ trương. Do đó, lời khai của bị cáo Đinh La Thăng tại phiên tòa rằng mình "làm đúng pháp luật" là không có cơ sở.

Bào chữa trước toà, bị cáo Thăng cho rằng, việc đầu tư góp vốn của PVN vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) là để giải quyết hệ luỵ dừng đầu tư ra ngoài ngành, dừng việc thành lập Ngân hàng Hồng Việt, chứ không phải chủ trương từ ban đầu.

Một lần nữa, bị cáo Thăng khẳng định, chỉ có khi Thủ tướng đồng ý rồi thì PVN mới thực hiện đầu tư. Do đó, việc đầu tư vào OceanBank là đúng chủ trương, đúng thủ tục, quy trình và thủ tục của pháp luật.

“Bị cáo không né tránh chối tội, mong Hội đồng xét xử và Viện kiểm sát xem xét, vì đây là sự thật”, bị cáo Thăng nói.

Thủ tướng đồng ý cho thoái vốn đã không có chuyện mất 800 tỷ đồng

Tại phiên tòa, ông Đinh La Thăng tiếp tục giữ quan điểm như những phiên xét xử trước và khẳng định việc PVN mất vốn là thuộc trách nhiệm của người ký văn bản không cho thoái vốn.

"Như bị cáo đã khai nhận, việc thoái vốn của PVN tại Oceanbank cần có lộ trình và được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Việc thoái vốn tôi đã có đề xuất từ năm 2012, nếu Thủ tướng đồng ý cho thoái vốn sẽ không có chuyện bị mất 800 tỷ đồng. Việc Chính phủ không cho phép thoái vốn là nguyên nhân quan trọng mất 800 tỷ đồng", bị cáo Thăng nói.

Theo ông Thăng, lúc chuẩn bị thoái vốn, dù đã được Chính phủ đồng ý thì Ngân hàng Nhà nước lại đề nghị giữ lại. Rồi sau đó cũng chính cơ quan này mua Oceanbank với giá 0 đồng, vì thế tiền góp vốn 800 tỷ của PVN mất trắng. Điều này không đúng pháp luật và hoàn toàn gây thiệt cho cổ đông trong đó có PVN là 20%.

Theo đó, lộ trình thoái vốn của PVN theo ông Thăng được Chính phủ phê duyệt thực hiện trong giai đoạn 2013-2015. Việc PVN đầu tư vào OceanBank và rút vốn ra đã được thực hiện theo đúng lộ trình thoái vốn.

Ông Thăng lập luận, việc thoái vốn này đã không thực hiện được, trách nhiệm thuộc về người ký văn bản không cho thoái vốn, việc mất vốn không thuộc PVN vì các văn bản nêu trên cho thấy việc thoái vốn đã có chỉ đạo từ tháng 3/2011.

Về hành vi ký các nghị quyết để góp vốn, theo bị cáo Thăng, việc đầu tư vào OceanBank phải có 2 điều kiện cần và đủ, là được sự đồng ý của Thủ tướng và Nghị quyết của Hội đồng quản trị.

Bị cáo Thăng cho rằng, đầu tư vốn của PVN vào OceanBank đáp ứng đủ cả 2 điều kiện này. Thực tế ở PVN không có nghị quyết nào không đủ 100 % ý kiến đồng ý của Hội đồng thành viên, chỉ cần 1 người không đồng ý, bị cáo sẽ cho dừng lại. Bị cáo nghĩ làm gì phải có sự đồng thuận 100 % mới làm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ