Ôm vô lăng thầm lặng chống Covid-19

GD&TĐ - Bất kể ngày đêm, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ lái xe thuộc Quân khu 9 luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ đặc biệt. Đó là chở đồng bào từ nước ngoài về sân bay Cần Thơ đi các khu cách ly khắp các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long.

Các chiến sĩ lái xe Quân khu 9 triển khai kế hoạch đón công dân Việt Nam từ nước ngoài tại sân bay Cần Thơ.
Các chiến sĩ lái xe Quân khu 9 triển khai kế hoạch đón công dân Việt Nam từ nước ngoài tại sân bay Cần Thơ.

Những chiến sĩ thầm lặng

Từ những ngày đầu tiên tiếp nhận và hỗ trợ công dân Việt Nam về từ vùng có dịch đến nay, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Quân khu 9 đã điều động hơn 500 lượt phương tiện hỗ trợ, đưa rước hơn 10.000 công dân Việt Nam từ sân bay Cần Thơ về các khu cách ly tập trung tại các trường quân sự các tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. 

Nhiệm vụ quan trọng này, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều ngành và các lực lượng chức năng từ cảng vụ sân bay, lực lượng y tế, các chiến sĩ bộ đội… Trong đó, các chiến sĩ lái xe có trách nhiệm không hề nhỏ, không chỉ đảm bảo an toàn giao thông trên đường đi, mà còn phải thực hiện các biện pháp phòng tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong lúc di chuyển.

Là một trong những người đầu tiên tiếp xúc với công dân về từ vùng dịch, lo lắng là tâm lý chung của nhiều nhân viên lái xe. Bất kể ngày hay đêm, khi thông tin có chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước hạ cánh tại sân bay quốc tế Cần Thơ thì đội ngũ lái xe lập tức lên đường.

“Chúng tôi phải đến địa điểm trước khi máy bay hạ cánh, mang đầy đủ trang phục bảo hộ mới tiếp xúc với các công dân. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, tôi đã năm lần thực nhiệm vụ chở công dân về các khu cách ly tập trung. Có những chuyến về đến đơn vị đã 12 giờ khuya, thậm chí 2 giờ sáng hôm sau. Tuy khá mệt mỏi nhưng tôi cảm thấy ấm lòng khi mình đưa bà con về khu cách ly an toàn”, Thượng úy Trần Thanh Hùng - lái xe, Phòng Hậu cần, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Vĩnh Long, kể lại.

Các chiến sĩ lái xe Quân khu 9 nhớ mãi chuyến xe đầu tiên chở công dân Việt Nam từ vùng dịch trở về. Đó là thời điểm cuối tháng 2, từng đoàn xe nối đuôi nhau chạy vào khu cách ly Trường Quân sự TP Cần Thơ đưa 117 hành khách trở về từ Hàn Quốc.

Trong đó, đa số là công dân đi lao động, cô dâu Việt, con của họ và cha mẹ được con gái bảo lãnh sang. Sau khi kiểm tra sức khỏe và khai báo y tế, toàn bộ hành khách đến từ tâm dịch Daegu và Gyeongsang (Hàn Quốc) được đưa về cách ly tập trung 14 ngày theo quy định tại Trường Quân sự TP Cần Thơ.

Đây là những “vị khách” đầu tiên trong đại dịch Covid-19 được đoàn xe của Quân khu 9 tiếp nhận đưa đón ngay sau khi có chỉ thị của Bộ Quốc phòng về việc mở rộng khu cách ly trong các đơn vị quân đội thuộc Quân khu 9 quản lý.

Đối với đội ngũ lái xe, trước, trong và sau mỗi lần thực hiện nhiệm vụ đòi hỏi phải chuẩn bị thật tốt các công tác phòng trách dịch bệnh như: Trang bị bảo hộ, sát khuẩn…  không chỉ bảo đảm an toàn cho bản thân mà cả những người xung quanh. 

“Chuyến công tác đầu tiên tôi cũng hồi hộp vì không biết mình phục vụ đưa đón có ảnh hưởng gì đến sức khỏe hay không, có hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao hay không. Nhưng xác định đây là nhiệm vụ hỗ trợ đồng bào về từ vùng dịch, với lại tôi được hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh nên cũng không lo lắng nhiều.

Khi thấy cảnh bà con từ nước ngoài về đến Việt Nam rất vui mừng và hạnh phúc thì mình cũng vui theo. Nhờ đó mà dù có khó khăn, vất vả nhưng cán bộ, chiến sĩ lái xe luôn vững tay lái”, Trung úy Bao Công Đỉnh, nhân viên lái xe, Phòng Hậu cần, Bộ Tham mưu Quân khu 9, chia sẻ.

Bữa cơm sau ca trực của chiến sĩ lái xe.
Bữa cơm sau ca trực của chiến sĩ lái xe.

Sẵn sàng nhận nhiệm vụ

Chia sẻ về nhiệm vụ lái xe chở đồng bào từ vùng dịch trở về các khu cách ly, Đại úy Phạm Văn Bốn, nhân viên lái xe, Trung đoàn 659, Cục Hậu cần Quân khu 9, tâm sự: “Khi biết tôi tham gia thực hiện nhiệm vụ này, vợ con cũng băn khoăn cho sức khỏe.

Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu cũng dần hiểu được công việc của chồng, gia đình cũng thông cảm và thường xuyên động viên, nhắc nhở tôi làm tốt nhiệm vụ và thực hiện các công tác phòng tránh dịch Covid-19. Đó là liều thuốc tinh thần lớn để tôi luôn ở tâm thế sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh”.

Thời gian vừa qua, xuất hiện một vài trường hợp công dân Việt Nam về nước có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, nhưng tất cả đều được cách ly an toàn và không để lây lan ra cộng đồng. Dù chính bản thân các chiến sĩ lái xe đối diện với các nguy cơ lây nhiễm cao trong công tác hỗ trợ đưa đón công dân nhưng tất cả luôn luôn sẵn sàng cho những chuyến đi mới.

“Đó không chỉ vì nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm với nhân dân, với sự bình yên xã hội. Từ khi Quân khu tổ chức tiếp nhận đến nay, đội ngũ lái xe thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, chưa đồng chí nào tỏ thái độ thoái thác nhiệm vụ mặc dù có những thời điểm di chuyển liên tục. Tất cả đảm bảo an toàn tuyệt đối về vận chuyển cũng như không để xảy ra lây nhiễm cho đội ngũ lái xe”, Đại tá Phan Văn Chương - Phó Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu 9, cho biết.

Dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020. Sự hỗ trợ từ ngành Y tế và phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đã góp phần giúp các chiến sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng chống dịch. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ mỗi chuyến đưa rước công dân Việt Nam từ sân bay Cần Thơ về các khu cách ly tập trung.

Các chiến sĩ lái xe đều phải thực hiện cách ly tập trung 14 ngày theo quy định. Đồng thời ngành Y tế tiến hành lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc dịch Covid-19 hai lần, để bảo đảm cho nhiệm vụ kế tiếp.

Trước mắt, cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 vẫn còn nhiều phức tạp. Nhưng những chiến sĩ lái xe quân đội sau chiếc vô lăng vẫn luôn tiếp tục đồng hành cùng các lực lượng. Tất cả đều trong tâm thế sẵn sàng, cho mỗi chuyến xe đưa đón công dân Việt Nam về từ vùng có dịch luôn luôn về đích thật an toàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cán bộ y tế đỡ đẻ ngay trên biển.

Đỡ đẻ cho sản phụ ngay trên biển

GD&TĐ - Một sản phụ ở xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) được các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn đỡ đẻ thành công ngay trên biển.