Tuy nhiên, ý kiến khác lại cho rằng thời tiết xấu cộng ô nhiễm khói bụi giao thông và sản xuất mới là nguyên nhân chính.
Ô nhiễm do cháy rừng?
Theo PGS.TS Hồ Quốc Bằng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu, Viện Môi trường và Tài nguyên, ĐH Quốc gia TPHCM, ô nhiễm không khí tại TPHCM và các tỉnh phía Nam từ ngày 18 - 22/9 ở mức rất cao, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân do ba nguyên nhân chính. Thứ nhất là cháy rừng từ Indonesia, chất ô nhiễm bị gió thổi sang TPHCM và phía Nam Việt Nam. Thứ hai là độ ẩm trong không khí cao (hiện nay mưa nhẹ nên độ ẩm rất cao, 95 - 100%) và trong khí quyển có các hạt nhân ngưng kết để hơi nước bám vào nên xuất hiện sương mù.
Ngoài ra, do trời không nắng nên không có đủ bức xạ làm nóng mặt đất, tạo ra lớp nghịch nhiệt, làm các khí ô nhiễm nằm lớp sát mặt đất không phát tán lên cao được. Thứ ba là do phát thải từ hoạt động giao thông, công nghiệp và sinh hoạt của người dân.
PGS Hồ Quốc Bằng cho rằng, nguyên nhân chính là khói bụi ô nhiễm từ cháy rừng Indonesia bay sang. Theo đó, bình thường vào cuối tuần, trước đây cho dù có xuất hiện sương mù thì chất lượng không khí cũng không ô nhiễm nặng đến vậy.
Hơn nữa vào cuối tuần, giao thông và công nghiệp hoạt động thấp hơn ngày thường, nên nguyên nhân phát thải là không cao.
PGS Bằng cho biết, đã mô phỏng, chạy mô hình truy tìm nguồn gốc ô nhiễm không khí tại TPHCM.
Theo đó, ngày 18/9 có những đám cháy rừng lớn, trên diện rộng tại Indonesia. Theo hướng gió và tốc độ gió sau 2 - 3 ngày thì các chất ô nhiễm này bay tới TPHCM và các tỉnh phía Nam. Vì vậy, ô nhiễm không khí ngày 20/9 tại TPHCM tăng cao đột biến.
PGS Bằng cũng cho biết, đã chạy mô hình chạy ngược lại, kết quả cũng cho thấy ô nhiễm không khí tại TPHCM ngày 22/9 cũng do cháy rừng ở Indonesia.
PGS Bằng khuyến cáo, nồng độ chất ô nhiễm không khí trong nhà và bên ngoài hiện nay tại TPHCM rất cao, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, vì vậy người dân không nên tập trung, thể dục ngoài trời.
Nếu cần ra đường thì phải đeo khẩu trang chuyên dụng chống ô nhiễm không khí như N95; nếu có điều kiện thì đi xe hơi hoặc có
Âm u do khói bụi giao thông?
SV TP.HCM đi đường phải đeo khẩu trang để tránh ô nhiễm không khí. Ảnh: TG. |
Bà Kiều Thị Thúy - Phòng Dự báo - Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, giải thích về hiện tượng thời tiết âm u, nhiều mây mù, xuất hiện liên tục gây ảnh hưởng đến tầm nhìn, những ngày vừa qua tại TPHCM, cũng như các tỉnh thành Nam Bộ là do thời tiết xấu xuất hiện ở khu vực Nam Bộ, làm cho các khối mây phát triển.
Bên cạnh những khối mây đối lưu phát triển mạnh gây mưa, thì trong ngày liên tục tồn tại những lớp mây tầng thấp bao trùm lên khu vực. Từ đó tạo nên bầu trời âm u, tầm nhìn xa bị giảm xuống.
Tiếp đến, là do không khí lạnh tăng cường với cường độ ở mức độ trung bình, dẫn đến hơi lạnh khuếch tán nhẹ, làm gia tăng mức độ ẩm ướt, tạo điều kiện gây lên hiện tượng mù ướt trong không khí.
Về quan điểm cho rằng, không khí khu vực TP.HCM bị ảnh hưởng bởi các vụ cháy rừng từ Indonesia, bà Thúy nhận định không có cơ sở vì các trạm quan trắc không ghi nhận được khói do các đám cháy nào đưa tới.
Bà Thúy cho biết, TP.HCM cũng cảnh báo tình trạng ô nhiễm trong không khí nhưng chủ yếu nguyên nhân do khói bụi giao thông, khu công nghiệp...
Khi gặp thời tiết có độ ẩm cao dẫn đến hàm lượng chất ô nhiễm sẽ lưu trú lại bề mặt đất lâu hơn. Khi người dân đi trong vùng thời tiết mây mù sẽ có nguy cơ hấp thụ lượng khí ô nhiễm.
Đây không phải là hiện tượng lần đầu xuất hiện mà liên tục lặp lại trong các năm gần đây vào thời điểm tương tự.