Ô nhiễm nghiêm trọng vẫn tái diễn
Ô nhiễm không khí là vấn đề nghiêm trọng của Việt Nam từ nhiều năm qua, đặc biệt trong thời gian gần đây. Năm 2019, xu hướng ô nhiễm không khí gia tăng với tần suất ô nhiễm tăng đáng kể.
Ô nhiễm không khí diễn ra liên tục ở Hà Nội suốt từ cuối tháng 8 đến nay với nhiều đợt ô nhiễm dài ngày, có thời điểm lên ngưỡng nguy hại - ngưỡng nguy hiểm nhất trong ô nhiễm với khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà.
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội được xác định bởi nhiều nhóm nguyên nhân như giao thông, xây dựng, công nghiệp và hoạt động dân sinh như đốt than tổ ong, đốt rơm rạ. Tuy nhiên, đến nay thành phố chưa thực hiện kiểm kê khí thải để xác định chính xác vai trò của từng nguồn ô nhiễm.
Từ ngày 13/1 đến nay, ô nhiễm không khí Hà Nội lại lên ngưỡng xấu (có hại cho sức khỏe tất cả mọi người). Có điểm lên ngưỡng rất xấu (rất có hại cho sức khỏe mọi người). Trước đó, Bộ Y tế có khuyến cáo, khi chất lượng không khí từ ngưỡng xấu trở lên (Chỉ số AQI từ 150), người dân nên hạn chế ra khỏi nhà, đi tập thể dục, làm việc ngoài trời.
Vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý, nhất là sau khi ra đường. Tra, rửa mắt bằng nước muối sinh lý trước khi đi ngủ. Người hút thuốc nên hạn chế hút thuốc lá, người không hút thuốc nên tránh xa khỏi thuốc lá.
Ô nhiễm không khí tại Hà Nội được Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới. Một phần nguyên nhân là dân số tăng, phương tiện giao thông ngày càng nhiều, các hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển. Do đặc điểm của yếu tố khí tượng, ô nhiễm tại Hà Nội tập trung nhiều trong mùa đông, khi hiện tượng nghịch nhiệt diễn ra thường xuyên.
Thiệt hại 10 tỷ USD mỗi năm
Tọa đàm đối thoại chính sách với chủ đề Tổn thất kinh tế của ô nhiễm không khí và các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm do Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức đã diễn ra sáng 14/1 tại Hà Nội.
Các chuyên gia chỉ ra rằng, ô nhiễm không khí đã và đang là mối quan ngại lớn với người dân khi các chỉ số chất lượng không khí liên tục trong nhiều ngày tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố lớn, các khu công nghiệp ở ngưỡng cao của thang cảnh báo.
Trong 10 bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất tại Việt Nam thì có 6 bệnh liên quan đến đường hô hấp và nguyên nhân đến từ ô nhiễm không khí và chất lượng không khí. Ô nhiễm không khí còn gây thiệt hại về kinh tế khoảng 10 tỷ USD mỗi năm tại Việt Nam (chiếm từ 5 - 7% GDP).
Theo Báo cáo Chỉ số năng lực môi trường năm 2018 (EPI), Việt Nam xếp thứ 132 trong số 180 nền kinh tế về thành tích môi trường nói chung, chất lượng không khí đứng thứ 159, cường độ phát thải xếp hạng 141, sức khỏe môi trường đứng thứ 129 và thành tích về môi trường năm 2018 thua rất nhiều nước trong khu vực.
Bên cạnh đó, các chất gây ô nhiễm không khí chính là thủ phạm gây ra hiện tượng lắng đọng và mưa axit, hủy hoại hệ sinh thái, làm giảm tính bền vững của các công trình xây dựng và các dạng vật liệu.
PGS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, hệ thống thể chế về môi trường không khí hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu khi thiếu các quy định đặc thù, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; tính hiệu quả, hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật chưa cao và thiếu tính gắn kết.
Mặc dù nhận thức được sự nghiêm trọng và đề xuất một số giải pháp để kiểm soát ô nhiễm không khí nhưng nhìn chung công tác quản lý ô nhiễm vẫn còn bất cập và chưa được giải quyết triệt để.
4 nguồn thu giải quyết ô nhiễm không khí
PGS. TS Đinh Đức Trường, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, Việt Nam cũng giống như các nước đang trong quá trình công nghiệp hóa, thường có sự chậm trễ tương đối trong các tiêu chuẩn môi trường.
Để cuộc chiến chống ô nhiễm không khí đạt được hiệu quả về kinh tế và xã hội, cần thực thi ngay một hệ thống các giải pháp đồng bộ và toàn diện, bao gồm các biện pháp cảnh báo, dự báo, khuyến cáo và thực thi các chính sách cắt giảm các hoạt động gây ô nhiễm không khí.
PGS.TS Đinh Đức Trường chỉ ra 4 nguồn thu chính có thể sử dụng để giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, đó là: Thuế carbon; phí ô nhiễm môi trường; trái phiếu môi trường và hợp tác công tư (PPP) - trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường.
Các khoản thu này cần được sử dụng để chi cho giám sát và hệ thống xử lý vi phạm; đầu tư cho năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; hỗ trợ đầu tư hạ tầng và tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh.
Còn PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường nhận định, chính sách phát triển kinh tế tổng thể cần xác định mục tiêu kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là những cách tiếp cận đột phá để giải quyết vấn đề môi trường. Cần đổi mới tư duy, cách tiếp cận trong kiểm soát vấn đề không khí dựa trên quan điểm của kinh tế - môi trường.
Ngoài ra, Việt Nam cần loại bỏ tư duy độc lập, đơn ngành trong quá trình hoạch định các chiến lược, chính sách phát triển ở tất cả các cấp, các ngành. Đổi mới công nghệ trong sản xuất và tiêu dùng năng lượng sạch. Tăng cường nghiên cứu khoa học, đánh giá, dự báo các tác động của ô nhiễm không khí và đẩy mạnh hợp tác quốc tế.