Nước Mỹ lại đau đầu lựa chọn: Kiểm soát súng đạn hay không?

GD&TĐ - Ngày 20/6/2016, Thượng viện Mỹ bác bỏ cả 4 đề xuất hạn chế súng đạn do hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đưa ra. Đúng 1 năm sau, cuộc tranh luận hạn chế súng đạn hay không có thể lại được nghị trường Mỹ đưa trở lại vạch xuất phát!  

Nước Mỹ lại đau đầu lựa chọn:  Kiểm soát súng đạn hay không?

Loạn sát nhằm vào nghị sĩ Quốc hội

Khoảng 6 giờ 30 sáng 14/6 (theo giờ Mỹ, tức 17 giờ 30 chiều 14/6 giờ Hà Nội), đối tượng sau đó được xác định là James Hodgkinson, 66 tuổi, đã bắn khoảng 50 - 100 phát súng trong buổi luyện tập bóng chày có sự tham gia của một số nghị sĩ ở thành phố Alexandria, bang Virginia khiến 4 người bị thương.

Loạn sát bằng súng không hiếm tại Mỹ nhưng vụ việc lần này gây chấn động dư luận bởi thủ phạm hướng mũi súng vào các nghị sĩ Quốc hội. Đây là vụ xả súng đầu tiên nhằm vào nghị sĩ Quốc hội kể từ tháng 1/2011, khi 6 người thiệt mạng và nghị sĩ của đảng Dân chủ Gabby Giffords bị thương nặng trong một vụ ám sát nhằm vào một cuộc họp cử tri ở Tucson, bang Arizona.

Theo điều tra ban đầu thì Hodgkinson phạm tội với động cơ chính trị. Hodgkison đã thể hiện những tư tưởng phản đối Tổng thống Trump trên mạng xã hội và là thành viên của các tổ chức chống đảng Cộng hòa trên Facebook. Đối tượng này là một người ủng hộ mạnh mẽ Thượng nghị sĩ Bernie Sanders.

Cho dù động cơ phạm tội chính xác là gì thì việc Hodgkison dễ dàng thực hiện hành vi loạn sát bằng loại súng trường tấn công M4 có tốc độ bắn nhanh xả ra hàng trăm viên đạn - một lần nữa cho thấy “tác dụng phụ” của chính sách tự do sở hữu vũ khí tại Mỹ. Điều trớ trêu là nghị sĩ Scalise, người bị thương nặng trong vụ xả súng lại là người phản đối mạnh mẽ các biện pháp kiểm soát súng đạn.

Vụ xả súng mới nhất này đã khơi lại cuộc tranh cãi về quyền sở hữu súng đạn tại Mỹ. Thống đốc bang Virginia Terry McAuliffe kêu gọi cần có các biện pháp kiểm soát súng đạn. Những tiếng nói có sức nặng đòi kiểm soát súng đạn sẽ buộc Tổng thống Trump đương đầu vấn đề này trong nhiệm kỳ của ông. Cần nhắc lại rằng, cựu Tổng thống Barack Obama từng phải bất lực thừa nhận rằng thất bại trong việc thông qua Luật An toàn súng đạn là thất vọng lớn nhất của những năm tháng ông cầm quyền.

Còn đó con “ngoáo ộp” súng đạn

Nói súng đạn là con “ngoáo ộp” với người Mỹ bởi nó gây ra quá nhiều thảm kịch nhưng nước Mỹ lại không thể “xoá sổ” và vẫn phải nơm nớp sống chung cùng nó.

Việc tự do sở hữu súng đạn khiến cho không chỉ nhiều người trở thành nạn nhân thảm sát mà còn mất mạng vì tai nạn do súng đạn. Thống kê cho thấy, mỗi năm nước Mỹ có hơn 10.000 người chết vì súng đạn.

Súng đạn đầy rẫy khiến người ta sống trong lo âu nơm nớp. Mới đây, ngày 5/6, 6 người thiệt mạng trong một vụ xả súng tại một công ty ở thành phố Orlando, bang Florida; hung thủ là nhân viên của công ty bị sa thải quay lại giết đồng nghiệp để trút giận…

Nỗi đau mà súng đạn mang lại rõ ràng là quá lớn nhưng súng đạn vẫn “trơ trơ” tồn tại trong xã hội Mỹ bởi với nhiều người Mỹ thì đây là một vấn đề mang tính lịch sử.

Đối với nhiều người Mỹ, súng đại diện cho trái tim của sự kiến lập và bản sắc dân tộc, một biểu tượng của tự do. “Quyền được sở hữu súng” quy định trong Tu chính án thứ hai Hiến pháp Mỹ là lập luận thường được nêu ra để bảo vệ luật súng đạn hiện hành.

Trong thực tế những lợi ích đặc biệt cùng với tầm ảnh hưởng cực lớn của nền công nghiệp súng đạn Mỹ đã cản trở các nhà lập pháp Mỹ đi đến một sự đồng thuận trong việc kiểm soát súng đạn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.