8h10
Chia sẻ cảm xúc với PV, ông Phạm Viết Diệm (68 tuổi, là bố đẻ của Phạm Viết Nam và con dâu Đặng Thị Hồng Ngọc) thốt lên: "Ôi anh chị ơi, vợ chồng tôi như sống lại. Từng nay tuổi rồi, hôm nay tôi mới có cảm giác sung sướng vỡ òa thế này. Mấy ngày qua gia đình tôi khổ lắm, tôi không ăn không ngủ được".
Ông Diệm cho biết, chiều nay đang túc trực bên điện thoại và tiếp một số bà con hàng xóm thì nhận được điện thoại của người con trai thứ 6 - Phạm Viết Thành đang ở hiện trường báo về. Hai ông bà ôm chầm lấy nhau, hàng xóm cũng vỡ òa chung vui.
"Qua báo chí, tôi đã thấy được hình ảnh của Ngọc. Chỉ muốn qua đây gừi lời tới các con nhanh chóng bình phục sức khỏe, sớm trở về quê thăm bố mẹ", ông Diệm nói.
17h35
Binh nhất Hoàng Văn Thảo người đầu tiên thông hầm cho biết, lúc đào gần đến đường hầm anh thấy một tia sáng phản lại nên anh em đồng loạt quyết tâm đào liên tục và rất nhanh. Khi đào được vào trong hầm các nạn nhân hết sức sung sướng. "Lúc đó những mọi người đang có dấu hiệu bị lạnh cóng. Đây là niềm vui lớn nhất đời tôi từ xưa đến giờ", binh nhất này cho biết.
17h30
Tại hiện trường, Bí thư Tỉnh Ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến đã ôm chầm lực lượng cứu hộ và cho biết "không có niềm vui nào hơn vào lúc này khi được thấy 12 nạn nhân được giải thoát an toàn".
Đại tá Phạm Văn Tỵ cho biết, Chánh văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết việc đào 2 đường hầm cùng lúc thể hiện quyết tâm cao của lính cứu hộ. Với điều kiện địa chất thuận lợi nên ngách bên tay trái đã tạo điều kiện bất ngờ cho việc giải cứu các nạn nhân.
17h10
Hiện một nạn nhân do sức khỏe yếu đã được chuyển đến bệnh viện. 11 người còn lại sức khỏe đều bình thường nên vẫn đang được cấp cứu tại chỗ.
17h05
Lực lượng cứu hộ cho biết, khi đào ngách bên tay trái được 14m (dự kiến 30 m) bất ngờ thấy một lỗ thủng nên đánh tạt bên tay trái phát hiện mọi người đang ngồi trong hầm chưa sập hết và nhanh chóng đưa ra.
Trao đổi với VnExpress, đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó tham mưu trưởng Bộ tư lệnh công binh vui mừng cho biết khi được giao nhiệm vụ đơn vị cũng rất lo lắng. "Việc giải cứu được 12 nạn nhân rất sớm, nhanh và an toàn cho cả nạn nhân và cả lực lượng cứu hộ là một niềm vui rất lớn của đơn vị chúng tôi và đây cũng là một vinh dự rất lớn đối với tổ quốc", đại tá Hùng nói.
Ngay trước đó, dù đã 15 phút từ khi các nạn nhân được đưa ra khỏi hầm, cả hiện trường hàng nghìn mét vuông vẫn nháo nhào. Đoàn xe cứu thương liên tục ra vào ra, hú còi, người người gọi nhau.
Bỏ dở nồi cháo đang chuẩn bị đưa vào tiếp tế cho các nạn nhân, anh Vũ Văn Dũng và nhóm công nhân quăng cả bình, muỗng chạy túa ra ngoài. Nhiều người ôm chầm lấy nhau. "Không thể diễn tả được niềm vui của chúng tôi lúc này khi đồng nghiệp của chúng tôi được cứu ra ngoài. Chắc cả công ty chúng tôi sẽ đến bệnh viện với anh em ngay bây giờ", anh Hùng nói.
16h55
Xe cấp cứu đầu tiên đưa các nạn nhân đi. Có thêm rất nhiều xe cấp cứu khác được huy động đến chứ không phải 6 xe như kế hoạch ban đầu.
6 xe cấp cứu được điều tới. Lực lượng đang đưa các máy bơm. Công việc đã hoàn tất.
16h40
Gần 20 người thân lao đến tìm mọi cách để tiếp cận nhưng lực lượng chức năng cản ra vì sợ nạn nhân bị "sốc" tình cảm. Tuy nhiên, mọi người ai cũng hồ hởi, vỡ òa trong hạnh phúc.
16h34
Công nhân đầu tiên được đưa ra bởi 2 nhân viên cứu hộ. Hiện trường bỗng náo loạn bởi nhiều tiếng la hét thất thanh, người thân các nạn nhân nhào tới, nhưng lực lượng cứu hộ cản lại. 11 người sau đó lần lượt bước đi phía sau. Mọi người đều khỏe mạnh, không cần dùng cáng.
Video: Giây phút các nạn nhân được giải thoát ra ngoài:
16h20
Hiện, trong hầm có nhiều tốp đang cật lực làm việc. Lực lượng công binh cấp tập đào, nhóm khác vét đất để chuyển ra ngoài. Trong khi đó các chiến sĩ cứu hộ - cứu nạn của TP HCM có trách nhiệm chèn, chống, gia cố những đoạn hầm mới đào được.
Các bóng đèn cũng được mắc, song khá hạn chế nên ánh sáng hơi yếu. Một đường ống dẫn oxy chạy dọc theo hầm đề phòng sự cố xảy ra với lực lượng cứu hộ. Mọi hoạt động, trao đổi của họ rất nhịp nhàng, dứt khoát.
"Sáng giờ may mắn là chúng tôi không gặp đá nên đào khá thuận lợi. Đường hầm men bên phải đã đi được 20 mét", một chiến sĩ cho biết.
16h00
Bác sĩ Nguyễn Đức Thuận, Phó giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng (Trưởng ban chỉ đạo y tế tại hiện trường) cho biết đã huy động 8 xe cấp cứu cùng 32 y, bác sĩ túc trực bên các lán trại dã chiến, sẵn sàng ứng cứu các nạn nhân khi thông hầm.
Tình huống được đặt ra là, sau chuỗi ngày dài bị kẹt trong hầm, khi các nạn nhân ra ngoài cơ thể chưa đáp ứng kịp thay đổi của nhiệt độ, môi trường ánh sáng.
"Các nạn nhân có thể mắc các bệnh lý về mắt, tim mạch và huyết áp. Do vậy, phương án tối ưu nhất là cấp cứu tại chỗ. Chúng tôi đã chuẩn bị các bếp lửa để giữ ấm cơ thể cho các nạn nhân", bác sĩ Thuận nói.