Mở cửa phiên giao dịch sáng nay 11/8, giá vàng tiếp tục giảm 1,5 triệu đồng một lượng về mức 55 triệu đồng một lượng. Như vậy vàng đã giảm hơn 5 triệu đồng một lượng kể từ đỉnh 62 triệu đồng/lượng từ tuần trước. Thời điểm này chủ yếu là người đi bán để chốt lãi còn lượng người mua rất thấp. Đáng chú ý, so với những ngày trước thì cao điểm buổi trưa tại các cửa hàng vàng ở Hà Nội vắng bóng người giao dịch, lượng khách đến chỉ còn tập trung vào đầu giờ sáng.
Khung cảnh vắng vẻ không chỉ diễn ra ở những cửa hàng lớn, các cửa hàng bán vàng nhỏ lẻ cũng rơi vàng tình trạng tương tự khi giá vàng lao dốc, người đầu tư lướt sóng gần như đã chốt lời hết.
Nhiều nhân viên tại các cửa hàng ngồi chơi đợi khách.
Thời điểm này giới đầu cơ đã bán tháo hết và đang chờ đợi để bắt đáy nên lượng khách mua vào cũng không đáng kể. Khách đến chủ yếu để tham khảo giá vàng. Trong khi đó lượng người đến bán chốt lãi cũng đã giảm nhiều so với những ngày trước. "Tôi cũng đã bán đi 5 lượng vàng vào đầu giờ sáng hôm qua và giờ tiếp tục nghe ngóng xem giá xuống bao nhiêu để mua vào lướt sóng", chị Huyền một nhà đầu tư vàng chia sẻ.
Sau thời gian "nhảy múa" liên tục và vọt lên mốc cao chưa từng có 62 triệu đồng/lượng, giá vàng trong nước đột ngột đảo chiều trong 3 phiên giao dịch gần đây. Chỉ trong ít ngày ngắn ngủi, mỗi lượng vàng đã bị thổi bay gần 5 triệu đồng. Hiện, giá vàng SJC cao nhất đang giao dịch ở mức 55,68 - 57,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Đầu phiên giao dịch sáng nay giá vàng SJC tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn được niêm yết với giá 55,18 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào (giảm 1,47 triệu đồng so với hôm qua) và 57,02 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra (giảm 1,28 triệu đồng). Tuy nhiên đến thời điểm 14h giá vàng SJC tiếp tục giảm còn 53,63 triệu đồng một lượng ở chiều mua vào và 55,53 triệu đồng một lượng bán ra.
Chênh lệch giá vàng trong nước lớn, nhà đầu tư vàng vào thế rủi ro
Cụ thể, giá vàng tại Tập đoàn DOJI đang có mức chênh lệch giá mua - bán lên tới 1,8 triệu đồng/lượng. Tương tự, giá vàng tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mức chênh lệch mua - bán lên tới 1,9 triệu đồng/lượng.
Việc kéo rộng chênh lệch giá mua - bán là biện pháp điều chỉnh thường được các doanh nghiệp trong nước thực hiện khi giá vàng trên thị trường thế giới liên tục xuất hiện các biến động mạnh.
Song với người dân và nhà đầu tư đang có nhu cầu mua vàng, việc mua vàng trong bối cảnh chênh lệch giá tăng cao tới gần 2 triệu đồng mỗi lượng khiến khả năng bán ra kiếm lời cũng như thu hồi vốn khi có nhu cầu gặp nhiều khó khăn hơn.
Thông thường khi thị trường ít có biến động, chênh lệch giá vàng trong nước thường chỉ được duy trì trong khoảng phổ biến 200.000 - 300.000 đồng mỗi lượng.
Nhà đầu tư theo đó cần thận trọng khi quyết định mua bán vàng trong lúc chênh lệch giá trên thị trường đặc biệt tăng cao như hiện nay.