Bên trong một xưởng đóng tàu, giọng nói khỏe khoắn của một người phụ nữ vang lên: “Trời sắp mưa rồi, mấy chú nhanh tay để chị kịp trả tàu cho khách”.
Miệng nói, tay chị Sửu liên tục lăn cây cọ đã cũ, sơn lại phần thân tàu đã mốc. Thấy chúng tôi đến, chị Sửu đi vội vào nhà để thay bộ đồ nhem nhuốc màu sơn.
Ước mơ của ba, hiện thực của con
Chị Hoàng Thị Sửu (SN 1974) sinh ra và lớn lên trong gia đình nhiều đời đi biển. Từ nhỏ, chị đã quen với hình ảnh đoàn tàu lớn nhỏ nối đuôi nhau ra khơi.
Ba của chị Sửu là một ngư dân cự phách của làng biển Bảo Ninh. Mỗi lần tàu thuyền hư hỏng, ba chị lại ao ước tự tay mở một cơ sở sửa chữa tàu thuyền vì khi ấy Quảng Bình còn khan hiếm. Ước mơ của ba lớn dần lên trong chị Sửu.
Xưởng đóng tàu của chị Sửu tạo công ăn việc làm cho hơn 30 công nhân mỗi ngày. |
Trong tiếng gò, tiếng khoan, tiếng đục phát ra từ xưởng tàu, chị Sửu nói: “Ngày trước Quảng Bình rất hiếm những xưởng tàu đầy đủ máy móc thế này. Cứ khi dăm bữa nửa tháng, ba chị lại lặn lội vào tận Đà Nẵng để sửa tàu, phận con cái thương ba nhưng chả giúp được gì”.
Hiểu nỗi vất vả của ba và ngư dân trong làng, nhưng khi ấy chị Sửu còn quá trẻ, kinh nghiệm thì chưa có, cộng với việc vốn liếng chưa nhiều. Chị quyết định ra nước ngoài làm việc.
7 năm liền chắt chiu ở nước bạn, chị trở về nước và bắt đầu lại với ước mơ ngày nhỏ.
Năm 2011, xưởng đóng tàu đầu tiên mang tên Công ty TNHH tàu biển Hà Trung do chị Sửu làm chủ ra đời. Phấn khởi không lâu, xưởng tàu đứng trước nguy cơ đổ vỡ vì suốt 2 năm liền xưởng thưa khách. Người ta chưa có niềm tin với một người phụ nữ làm nghề đóng tàu tay ngang, lại ít kinh nghiệm.
Nhưng tới nay, xưởng tàu của chị Hoàng Thị Sửu là một trong những cơ sở uy tín, quy mô trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Ước tính hàng năm, xưởng tàu này đóng mới và sửa chữa cho hơn 400 lượt tàu thuyền lớn nhỏ các loại.
Hái “trái ngọt” nhờ sự nỗ lực
Có được những thành quả hiện tại, chị Sửu phải trải qua không ít những biến cố, thậm chí có những lời bàn tán không hay. Người ta cho rằng, phụ nữ không nên gắn bó với tàu đi biển vì nó mang lại điều xui rủi cho chủ tàu.
Thời gian trôi, bằng sự cố gắng không ngừng nghỉ, chị Sửu đã thay đổi quan niệm đó. Niềm tin của khách hàng nhanh chóng được tạo dựng từ sự chân thành, từ tình yêu nghề của người phụ nữ có nụ cười phúc hậu này.
Nhiều năm liền, chị Sửu được khen thưởng nhờ những đóng góp cho địa phương. |
Là “nữ tướng” của hơn 30 thợ cơ khí, thợ máy, thợ mộc… chị Sửu biết cách dung hòa tính cách mọi người để tạo nên một tập thể mạnh. Ngược lại, nhờ chị và xưởng tàu, công nhân có công việc lâu dài, thu nhập ổn định.
Gắn bó với xưởng đóng tàu từ những ngày đầu tiên thành lập, anh Lê Văn Thống chia sẻ: “Nhờ chị Sửu, nhờ công việc này nên tôi mới có đủ tiền để nuôi một đứa con đang học đại học y và một đứa con đang học kinh tế ở TPHCM”.
Ngồi đợi chị Sửu tân trang lại con tàu của mình, ngư dân Nguyễn Văn Cường thán phục: “Đấy, ai dám chê đàn bà đóng tàu. Cả vùng này có ai giỏi như chị Sửu mô. Vì rứa nên tàu hỏng hóc thì tôi chỉ biết đem lên đây nhờ vả”.
Sống và đối xử với mọi người bằng sự tử tế, chị Sửu được lòng thợ thầy trong xưởng đóng tàu. Cũng nhờ đó, tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều chủ tàu tìm đến xưởng của chị Sửu nhờ đóng mới hay sửa tàu hư hỏng. Để thấy rằng, thành công đến từ sự cố gắng, khát khao theo đuổi ước mơ là những gì chị Sửu xứng đáng được nhận.
Ông Đào Xuân Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới, Quảng Bình) cho biết: “Xưởng tàu của chị Sửu đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật trong kinh doanh dịch vụ. Qua các đợt kiểm tra, chúng tôi không phát hiện vi phạm trong xây dựng hay tác động tiêu cực đến môi trường từ hoạt động của xưởng tàu”.