Vượt 500km về thành phố học tập
Vì Thị Hải Yến, người dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên tại xã Tân lập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Hiện, Yến đang là sinh viên lớp BK12 Khoa Quốc tế - Đại Học Thái Nguyên.
Chia sẻ về bản thân, Yến cho biết: tại quê hương em việc đi học cao đẳng hay đại học là một điều rất xa xỉ đối với tất cả mọi người, bởi nhiều người dân tộc thiểu số, công việc chỉ quanh quẩn với núi rừng, đồng áng, lên nương, lên rẫy kiếm củi, kiếm măng… Chứng kiến nhiều bạn bè cùng trang lứa không được đến trường mà phải ở nhà phụ giúp gia đình, nhiều bạn còn tảo hôn sớm.
"Điều đó càng thôi thúc bản thân em phải nỗ lực học tập, cố gắng thật nhiều để thay đổi cuộc sống, thay đổi những định kiến và suy nghĩ của những người dân đang sinh sống tại các bản làng quê hương", Hải Yến chia sẻ.
Mặc dù gia đình em không khá giả, nhưng em cảm thấy vô cùng may mắn, khi nhận được sự quan tâm, động viên và ủng hộ từ gia đình trong việc học tập. Sau khi tốt nghiệp THPT, em đã đăng ký vào khoa Quốc tế, Đại học Thái Nguyên.
Ngày nhận giấy báo trúng tuyển, em vừa mừng vừa lo bởi từ Sơn La xuống Thái Nguyên là cả một quãng đường rất xa, em sẽ phải tạm xa gia đình, bố mẹ, những người thân yêu, bên cạnh đó cuộc sống nơi phố thị phồn hoa cũng khiến cho em cảm thấy khá mặc cảm, tự ti bởi bản thân là một người dân tộc thiểu số, điều kiện gia đình không khá giả, em sẽ phải khắc phục những khó khăn để nhanh chóng hòa nhập và bắt nhịp với môi trường mới.
Tuy nhiên, với quyết tâm cao cũng nỗ lực lớn em đã quyết định bước ra khỏi vùng an toàn để tiếp tục phấn đấu với những ước mơ, hoài bão của bản thân.
Từ một cô sinh viên người dân tộc thiểu số, chân ướt chân ráo rời xa vòng tay của bố mẹ, vượt 500km về thành phố Thái Nguyên học tập, em đã tự hứa với bản thân phải cố gắng, nỗ lực thật nhiều.
Vì Thị Hải Yến hiện đang là sinh viên khoa Quốc tế, Đại học Thái Nguyên. |
Quá trình học tập, có những thuận lợi và không ít khó khăn, đến với Khoa Quốc tế, Đại học Thái Nguyên, em đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, hướng dẫn rất tận tình của thầy cô, bạn bè. Bên cạnh đó, em còn được hưởng đầy đủ các chính sách, chế độ dành cho sinh viên người dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, đối với một sinh viên người dân tộc thiểu số thì việc học ngoại ngữ còn nhiều khó khăn và bỡ ngỡ. "Em đã học được một điều rằng “thiên tài chỉ có 1% thông minh còn 99% là do khổ luyện". Điều đó đã trở thành phương châm sống và động lực để em cố gắng khắc phục điểm yếu, nỗ lực học tập thật tốt.", Hải Yến nói.
Đến lớp, Yến thường chăm chỉ nghe giảng tích cực góp ý xây dựng bài. Ngoài giờ học Yến còn hay đến thư viện để tìm đọc thêm các tài liệu để nâng cao kiến thức, giá trị bản thân. Nhờ đó, kết quả học tập của em luôn đạt loại giỏi với điểm trung bình 3.5/4.
Tích cực trong rèn luyện
Không chỉ cố gắng học tập tốt, nữ sinh viên người dân tộc Thái còn tích cực tham gia các hoạt động ngoại khoá của Khoa, CLB của trường tổ chức. Trong đó có một số chương trình nổi bật như: Góp phần tham gia vào chương trình Xuân Quý Mão 2023 và Halloween 2022; là tình nguyện viên tích cực tham gia hỗ trợ các hoạt động của đội tình nguyện như chương trình Trung thu cho em 2022, gây quỹ cho chương trình Đông ấm yêu thương 2022; tham gia hiến máu và hỗ trợ các hoạt động cho các chương trình hiến máu do khoa và đội tình nguyện tổ chức…
Yến cho rằng, khi tham gia các hoạt động ngoại khóa, bản thân em đã học hỏi được rất nhiều điều, đầu tiên em sẽ được thư giãn sau những giờ học căng thẳng, có thêm nhiều người bạn mới, mở rộng mối quan hệ với các bạn trong khoa, trường.
Đồng thời, nhờ tích cực tham gia hoạt động Đoàn, Hội em đã học thêm được các kỹ năng mềm như kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình và nâng cao năng lực quản lý, lãnh đạo, nghiêm túc và có trách nhiệm hơn trong công việc.