(GD&TĐ)-Người phụ nữ vóc dáng nhỏ nhắn, phong cách giản dị, cởi mở và thân thiện, không ai có thể nghĩ, một tay chị có thể dựng nên cơ đồ với nhà máy sản xuất dược phẩm quy mô hàng chục ngàn mét vuông đạt tiêu chuẩn quốc tế, một phòng khám đa khoa hiện đại tọa lạc trên con phố chính Kim Mã, người phụ nữ duy nhất của ngành Dược 3 lần được vinh danh trên bục giải thưởng Bông Hồng Vàng…
Dược sĩ Lê Thị Bình cùng các đồng nghiệp nghiên cứu bào chế thuốc. Ảnh: gdtd.vn |
Thành công, chỉ tài không đủ…
Trước khi gặp, tôi đã được nghe nhiều về chị và cảm phục người phụ nữ đầy trí tuệ này. Chị chính là cháu ngoại của bà lang Giằng ở Thanh Hóa, cũng là người đưa thương hiệu thuốc gia truyền của gia đình mang tên Bà Giằng nổi tiếng khắp cả nước. Không có gì thành công mà dễ dàng. Câu chuyện thành công của chị với thương hiệu Bà Giằng cũng vậy, đó là cả một hành trình với biết bao tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận gian truân.
Khát khao phát huy tối đa các giá trị cổ truyền, ngay từ khi mới tốt nghiệp trường Đại học Dược, cô dược sỹ trẻ Lê Thị Bình đã nung nấu ý định áp dụng các công nghệ hiện đại vào phát triển sản xuất thuốc. Cùng với việc tự mày mò nghiên cứu thực tế, học hỏi các chuyên gia hàng đầu về Y dược học Việt Nam nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả điều trị của bài thuốc phong tê thấp Bà Giằng, chị còn mạnh dạn bắt tay vào nghiên cứu sản xuất các sản phẩm thuốc chữa trị được nhiều căn bệnh phổ biến khác như sản phẩm Đại Tràng Tâm Bình; Viên Tiêu Hoá Tâm Bình; Viên Khớp Tâm Bình; Viên Gout Tâm Bình; Thanh Nhiệt Tâm Bình.
Trụ vững và thành danh trên thị trường dược khốc liệt, không thể không nói chị là một doanh nhân tài năng. Nhưng những người tiếp xúc với chị và ngay cả chị cũng khẳng định, chỉ có tài, trí tuệ là không thể đủ để làm nên một thương hiệu thuốc trở thành tên gọi thân quen đối với mọi gia đình.
Chị tâm sự, là người làm nghề thuốc, cái tâm phải đứng làm đầu. Đây chính là tiêu chí chị đặt lên thứ nhất trong công việc cũng như trong đối nhân xử thế. Và, đây cũng chính là lý do chi mạnh dạn thay đổi thương hiêu Bà Giằng đã nổi tiếng nhiều thập kỷ thành thương hiệu Tâm Bình - gắn tên chị với chữ Tâm, chữ Đức và lòng tâm huyết của chị với nghề thuốc gia truyền.
Chữ tâm của chị trước hết thể hiện ở sự khắt khe đối với mỗi sản phẩm mình làm ra. Để tìm mua nguồn dược liệu quý, đích thân nữ tổng giám đốc đã cùng các cán bộ công ty không quản đường xá xa xôi hay khó khăn vất vả, lặn lội đến tận những vùng cao, núi rừng hiểm trở của Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La.... Mà không phải đi một lần là xong, phải đi liên tục cho đến khi tìm ra đúng loại dược liệu mình cần thì thôi.
Trong toàn bộ quy trình sản xuất, chị cũng là người trực tiếp hướng dẫn công nhân cách sao tẩm, pha chế sao cho chất lượng sản phẩm luôn được đảm bảo và ổn định. Trước khi đưa ra thị trường, các sản phẩm của công ty đều được kiểm tra bằng máy móc hiện đại và được kiểm nghiệm bởi các cơ quan y tế. Không chỉ thế, các sản phẩm của công ty chị không thông qua công ty phân phối mà chỉ bán sản phẩm trực tiếp qua các đại lý, cửa hàng dược để hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng không có cơ hội trà trộn.
Chính nhờ sự sự lao tâm khổ tứ, chuyên sâu với nghề, sự tỷ mẩn, kỹ càng mà sản phẩm Tâm Bình đã trở thành nhãn hiệu Đông Y quen thuộc, len lỏi vào tận những huyện, xã ở vùng sâu, vùng xa trên khắp 63 tỉnh thành cả nước.
Ngày đêm trăn trở để tạo ra sản phẩm tốt chữa bệnh cứu người, chị Bình còn dành không ít thời gian quý báu vượt qua bao chặng đường dài gian nan vất vả để tới thăm và chữa bệnh miễn phí cho các bệnh nhân nghèo khắp mọi miền tổ quốc. Chị cũng thường xuyên cùng với các nhân viên của mình tổ chức nhiều đợt khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng quà cho các gia đình chính sách, dân tộc miền núi; trao học bổng cho các em học sinh nghèo học giỏi; tích cực ủng hộ phong trào đền ơn đáp nghĩa, hiến máu nhân đạo; ủng hộ quỹ vì người nghèo…Chưa thỏa, mới đây, chị đã quyết định xây dựng một phòng khám đa khoa tiên tiến, bề thế. Đây sẽ là nơi thường xuyên tổ chức các đợt khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, người cao tuổi.
Trao đổi với các nhà khoa học về dược liệu làm thuốc. Ảnh: gdtd.vn |
Thành công là gia đình
Dường như cuộc sống thực sự ưu ái chị khi đằng sau thành công trên thương trường, chị có một mái ấm toàn vẹn. Con chị, cả hai đều rất ngoan ngoãn và học giỏi. Con lớn Minh Hoàng vốn là học sinh chuyên Toán của trường Chu Văn An đỗ học bổng du học ngành Dược ở Anh và là học sinh xuất sắc nhất trường, từng đạt huy chương Vàng môn Toán toàn nước Anh. Con gái thứ hai Bảo Châu cũng là gương mặt nổi bật của trường THCS Giảng Võ, không chỉ với thành tích học tập mà còn là một lãnh đạo lớp năng nổ.
Chị tâm sự mình học được cách dạy con từ mẹ. Khi còn nhỏ, chị và các anh, em đã được mẹ thấm nhuần tư tưởng phải học để có tri thức, phải biết quý trọng sức lao động, quý trọng đồng tiền. Nhờ có mẹ, cả 7 anh em chị đều đỗ đạt, ít nhất cũng có bằng đại học. Các con chị dù sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh có điều kiện nhưng cũng luôn ý thức phải đi lên bằng chính đôi chân của mình, không dựa vào cái bóng của mẹ.
“Mình không dạy con cách sống trên tiền mà là cách kiếm và sử dụng tiền hợp lý. Từ bé, ngoài việc học, hai đứa đều phải tham gia phụ cha mẹ việc nhà như quét nhà, giặt quần áo, rửa bát…Mình có thể làm từ thiện hàng tỷ đồng nhưng không bao giờ quên tắt điện khi ra khỏi phòng. Một cái ghim nhân viên làm rơi xuống đất mình cũng cúi xuống nhặt. Đó cũng chính là cách mình dạy con cái phải biết quý trọng sức lao động, quý trọng đồng tiền. Tuy nhiên, dạy con, chỉ nghiêm không đủ. Muốn dạy con, trước hết mình phải yêu thương, phải hy sinh cho con, sau đó mình nghiêm con mới sợ. Dạy con cũng cần không ít nghị lực và bản lĩnh” – chị chia sẻ.
Bận rộn tất tả trên thương trường, đau đầu với những nghiên cứu mới nhưng nữ chủ nhân của ba giải Bông Hồng Vàng vẫn dành thời gian nấu bữa đoàn tụ gia đình hay tự dạy các con học bài mỗi tối. Chị cũng thường xuyên phải né tránh những cuộc liên hoan, vui chơi buổi tối để dành trọn vẹn cho mái ấm của mình.
Dược sĩ Lê Thị Bình tặng quà cho học sinh nghèo vùng núi. Ảnh: gdtd.vn |
Riêng với nghề giáo, chị Bình luôn cảm thấy có một mối nhân duyên. Thầy giáo và thầy thuốc vốn gần gũi. Không thể trở thành một cô giáo dạy chữ, dạy người nhưng chị luôn trân trọng và mong mỏi được chia sẻ, giúp đỡ những thầy cô giáo, những học sinh miền vùng núi xa xôi, nơi mà con chữ đến được cũng đầy gian khó. Chính vì vậy, những đợt làm từ thiện, giúp đỡ các trường vùng khó của chị ngày càng dày hơn. Hiện tại, chị đang ấp ủ ý tưởng sẽ tặng thuốc chữa bệnh khớp miễn phí cho các giáo viên nghèo.
Và còn nhiều, rất nhiều những câu chuyện đời, chuyện nghề mà nữ dược sĩ đảm việc nhà, giỏi việc nghề chưa có dịp sẻ chia, nhưng từng đó cũng đủ để khâm phục người phụ nữ - dược sĩ - doanh nhân biết kế thừa truyền thống, phát huy trí tuệ, năng động, sáng tạo ghi dấu thành công trên lĩnh vực mình theo đuổi. Chắc chắn rằng, Dược sĩ Lê Thị Bình sẽ còn tiếp tục đạt nhiều thành tựu trên hành trình mình đã và đang chinh phục.
Hiếu Nguyễn