NSƯT, nhà viết kịch Bùi Vũ Minh: 'Người mắc nợ' sân khấu Việt

GD&TĐ - Trong một tổng kết có tính cá nhân, NSƯT, nhà viết kịch Bùi Vũ Minh kiểm đếm được gần 80 kịch bản sân khấu đã dựng thành vở diễn, ở nhiều thể loại.

Một cảnh trong vở 'Con đò của mẹ' (kịch bản: Bùi Vũ Minh, Nhà hát Kịch Công an nhân dân dàn dựng). Ảnh: NVCC
Một cảnh trong vở 'Con đò của mẹ' (kịch bản: Bùi Vũ Minh, Nhà hát Kịch Công an nhân dân dàn dựng). Ảnh: NVCC

Và dù viết về đề tài nào, ngòi bút ấy luôn đề cao những phẩm tính tốt đẹp của cá nhân và cộng đồng, qua dằng dặc thời gian, biến thiên dòng đời. Đó là sự vị tha, hy sinh, lòng nhân ái hướng thiện và cả những tự vấn dù chỉ để níu giữ chút thiện lương còn lại.

“Biết đủ là đủ”

“78 vở được dựng, còn ế mất 4 vở”, nhà viết kịch Bùi Vũ Mình cười hóm hỉnh, “Thế cũng là năng suất rồi. Đi chợ ế là chuyện bình thường”. Những vở “ế” này, theo ông khó có thể được dựng vì bối cảnh không còn phù hợp.

Riêng năm vừa rồi (2024) ông có 2 kịch bản chèo là những vở viết theo yêu cầu: “Người hát ả đào” (Nhà hát Chèo Hà Nội) và “Sáng ngời y đức” (Nhà hát Chèo Hưng Yên). “Biết đủ là đủ. Trước kia, năm nào tôi cũng có ít nhất ba vở được dựng, có năm hội diễn tôi có tới 5 vở được dựng. Giờ già rồi, nếu không viết được nữa tôi còn có tranh. Vẽ cũng là một cách để đối thoại với lòng mình”.

“Đối thoại với lòng mình” vốn là nhu cầu đầu tiên, lớn nhất của người làm nghệ thuật. Buổi ban đầu, ông làm quen với sân khấu ở vị trí trang trí, thiết kế mỹ thuật. Những cuộc tiếp xúc với các cây đa, cây đề của sân khấu như các NSND Đình Quang, Dương Ngọc Đức, Doãn Hoàng Giang… cùng tình bạn tuổi trẻ với nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã đưa ông đến gần trang kịch bản.

bui-vu-minh-1.jpg
NSƯT, nhà viết kịch Bùi Vũ Minh.

Sâu xa hơn, tình yêu với chữ nghĩa, văn chương nghệ thuật vốn được ủ ấp từ thời niên thiếu, qua những bản dịch Shakespeare và các bản dịch văn học từ tiếng Anh của hai dịch giả là chú và anh ruột: Bùi Ý, Bùi Phụng, nay có cơ hội được gieo thành mầm, thành cây, thành quả.

“Tuổi trẻ và tình yêu” là kịch bản đầu tiên được đoàn nghệ thuật Hà Sơn Bình dàn dựng (1980). Cảm giác phấn khởi, hạnh phúc, tự hào. Chàng trai trẻ Bùi Vũ Minh cùng nhóm bạn thân đi tàu điện vào Hà Đông xem duyệt vở.

Nhân vật chính trong vở diễn cũng là một chàng trai trẻ, một thi sĩ lãng mạn có phần “dở hơi” theo góc nhìn của xã hội ở thời điểm ấy, nhưng đã dũng cảm hy sinh tính mạng để bảo vệ cán bộ, bảo vệ cách mạng.

Để tôn vinh sự hy sinh ấy, đạo diễn Đoàn Anh Thắng cho thả một dải lụa đỏ từ trên trần nhà phủ xuống người chàng thi sĩ. Cảnh này bị yêu cầu cắt bỏ, nếu không vở diễn sẽ không được thông qua.

Với sự hăng hái tuổi trẻ, Bùi Vũ Minh “cãi” lại hội đồng duyệt: “Người ta đã không tiếc cả sinh mạng mình, vì sao các anh lại tiếc một mảnh lụa đỏ. Mảnh lụa ấy lại không có ngôi sao vàng, không có búa liềm”.

“Cãi” xong, Bùi Vũ Minh cùng mấy người bạn bỏ về. Tối muộn, không còn tàu điện, khéo mà phải cuốc bộ từ Hà Đông về Hà Nội. Trưởng đoàn vội vàng đạp xe đuổi theo: “Các em không đồng ý thì các em mất đi một vở diễn. Còn ở đoàn anh là cả câu chuyện lớn, ảnh hưởng đến rất nhiều người. Thôi về đoàn nghỉ rồi mai tính tiếp”. Thế là các chàng trai phố đành quay trở lại, ngủ đêm nơi cánh gà sân khấu, và sáng mai đồng ý với yêu cầu kiểm duyệt kia.

Những rắc rối ở vở diễn đầu tiên này là bài học nhập môn sâu sắc: Một cuốn sách, một tác phẩm văn học khi xuất bản thì dấu ấn cá nhân rất rõ. Nhưng với vở diễn sân khấu, đó là cả một tập thể.

bui-vu-minh-4.jpg
Một trang bản thảo kịch bản của nhà viết kịch Bùi Vũ Minh. Ảnh: Anh Thư

Dấu ấn riêng cần phải hòa trong đó, không thể lạc lõng, không thể lệch với cái chung. Ông dặn lòng không viết nữa, chuyên tâm với công việc của một họa sĩ trang trí mỹ thuật ở Nhà hát Chèo Hà Nội.

Nhưng rồi, cái duyên với nghề viết lại đến, dẫn dụ, thử sức ông. Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội tiếp nhận đề cương kịch bản “Đồng tiền Vạn Lịch” từ nhà báo Trung Đông. Cần phải phát triển kịch bản này thì mới có thể đưa vào dàn dựng. Nhận nhiệm vụ từ lãnh đạo nhà hát, Bùi Vũ Minh chậc lưỡi: “Đành vậy, để xem thế nào”.

Kịch bản “Đồng tiền Vạn Lịch” được đắp thêm da thịt. Nhà hát Chèo dàn dựng, với dấu ấn của đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang. Sau khi vở diễn gây được tiếng vang lớn, đưa vào Thanh Hóa, đạo diễn Lê Hùng dàn dựng.

“Vở diễn đã cứu cả đoàn chèo Thanh Hóa trước nguy cơ tan rã, nhiều diễn viên đã phải đi tìm việc khác”, nhà viết kịch Bùi Vũ Minh nhớ lại, đuôi mắt nheo nheo vì vệt nắng ngoài khung cửa.

“Đồng tiền Vạn Lịch” đánh dấu sự trở lại của ông sau một thời gian dễ đến 10 năm tạm dừng viết kịch bản sân khấu. Trở lại, để thấy mình sung sức hơn, có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm làm nghề. Trở lại, để đắm mình vào những ý tưởng vốn đã được ủ ấp qua thời gian.

Đóng góp bằng trang viết đầy chiêm nghiệm

Chiến tranh và hậu chiến là đề tài lớn, trở đi trở lại trong trang viết của NSƯT Bùi Vũ Minh, gắn với một tâm sự chân thành: “Khi đất nước có chiến tranh, mình đã không đóng góp bằng xương máu thì đóng góp bằng tình cảm, bằng chính khả năng qua trang viết; trở về những ngày tháng ấy, tìm lại những câu chuyện, chiêm nghiệm sâu hơn về những nhân vật”.

Và ông đã viết: “Người không cô đơn”, “Con đò của mẹ”, Những người cùng phố”, “Tóc mây Lèn Hà”, “Hố đen”… Nhân vật dù là những gương mặt có tính đại diện cho tập thể hay những số phận riêng thì đều chứa đựng chiều sâu nội tâm và cả niềm đau đến quặn thắt, nghẹn ngào.

Một binh nhì bị thương, lạc đơn vị, hòa bình đã lâu vẫn không được trở về nhà, bởi anh mất đi trí nhớ, kí ức chỉ còn lại những câu hiệu lệnh như “xung phong”, “nằm xuống”, gương mặt năm xưa cũng đã bị biến dạng, xa lạ cả với người thân yêu nhất. Một người phụ nữ dành cả đời đợi chồng đợi con bên bến sông, bên con đò rách nát, đợi mãi mà chẳng thấy ai trở về, hàng ngày đối diện với di ảnh và những tấm bằng Tổ quốc ghi công.

bui-vu-minh-3.jpg
Một bức vẽ về biển của NSƯT, nhà viết kịch Bùi Vũ Minh.

Một trí thức khi đã có danh vị, thành đạt lại thường trực ám ảnh, bất an bởi bi kịch do chính mình gây ra cho người bạn cùng phố, vô tình đẩy cả gia đình bạn vào hoàn cảnh mất nhà cửa, mất chốn nương thân… Bi kịch riêng của các nhân vật nằm trong bối cảnh chung thời chiến tranh và hậu chiến, với biết bao khó khăn thử thách, đòi hỏi sự chung lòng chung sức, sự hy sinh chịu đựng của cả một dân tộc.

Song một phần nguyên nhân của những bi kịch ấy thuộc về nhận thức có tính thời đại mà cho đến bây giờ dù nhận ra nhưng chúng ta vẫn chưa thẳng thắn tỏ bày cùng nhau. Văn học nghệ thuật cần phải cất lên tiếng nói ấy, trong đó có những kịch bản sân khấu của NSƯT Bùi Vũ Minh.

“Chúng ta còn nợ. Tôi cũng thế, luôn cảm thấy mình mang một món nợ lớn. Và phải chịu ơn. Chịu ơn cả những người dân thường. Đề tài về lịch sử, về chiến tranh và hậu chiến chưa bao giờ mòn cũ, có viết bao nhiêu cũng chưa đủ. Tôi chỉ thấy mình chưa đủ tài năng”.

Đó là những tâm tư của người nghệ sĩ đã ở tuổi cổ lai hy, vẫn đau đáu băn khoăn về lao động sáng tạo, về trách nhiệm công dân. Kịch bản của ông chú trọng các chi tiết đời thường, khai thác tâm lý thông qua hành động, xung đột kịch.

Ở đó có nỗi đau dai dẳng không thể lấp đầy trong tâm hồn những người lính, những người vợ, người mẹ. Dẫu vậy, họ vẫn luôn mở lòng để thương yêu, tha thứ, chờ đợi và hy vọng. Ngay cả khi xây dựng những nhân vật có tính phản diện thì ông vẫn dành cho họ khoảng lặng nội tâm để trở về.

“Trong kịch của tôi, cái ác không đẩy đến tận cùng. Có lẽ là tôi yếu đuối. Tôi luôn tin tưởng vào sự hướng thiện của các nhân vật”. NSƯT Bùi Vũ Minh cười hóm hỉnh. Ở ông, chất nho nhã ẩn trong dáng điệu, cách nói chuyện từ tốn khẽ khàng. Từ buổi đầu như thể một nơi để làm quen, để kết giao, đến nay, sân khấu đã trở thành người bạn lớn, một phần không thể thiếu trong cuộc đời.

Ông thuộc số ít tác giả vừa viết cho sân khấu kịch nói vừa viết cho sân khấu chèo. “Tự học” là điều mà ông đã miệt mài theo đuổi qua hơn nửa thế kỷ. Không có sự tự học ấy có lẽ không có nhà viết kịch Bùi Vũ Minh hôm nay.

“Làm nghệ thuật phải có phông văn hóa tốt. Tôi từng làm việc với những tên tuổi kỳ cựu của sân khấu hoặc những diễn viên gạo cội ở các địa phương. Học vấn của họ có thể không cao, nhưng phông văn hóa rất cao. Tôi cũng đi lang bạt kì hồ khắp đất nước để dựng vở, thấy phông văn hóa bị mai một đi rất nhiều.

Sân khấu chỉ tồn tại khi có khán giả. Nhưng hiện nay, dường như sân khấu chỉ để phục vụ các hội diễn, từ đó lấy huy chương danh hiệu. Đây là một nỗi buồn lớn”. Nhà viết kịch Bùi Vũ Minh nâng chén nhấp một ngụm trà, những ngón tay già nua run nhẹ. Dường như ông đang nén một tiếng thở dài.

Những vệt nắng trải dài ngoài khung cửa, báo hiệu chiều đang đến.

NSƯT, nhà viết kịch Bùi Vũ Minh sinh năm 1951 tại Hà Nội. Tốt nghiệp Khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, thay vì trở thành thầy giáo, ông lại bén duyên với sân khấu. Hơn 40 năm làm nghề, ông đã có nhiều tác phẩm được dàn dựng, gây tiếng vang tại các kỳ liên hoan, hội diễn, để lại dấu ấn sâu sắc với khán giả và bạn nghề, như: “Đồng tiền Vạn Lịch”, “Người không cô đơn”, “Con đò của mẹ”, “Những người cùng phố”, “Hố đen”, “Người tù trao áo”…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ