Vì sao chị quyết định đi học võ?
- Gần đây tôi cảm thấy phản xạ không còn được nhanh nhẹn như thời trẻ. Học võ giúp tôi luyện phản xạ nhanh. Điều này rất có lợi cho diễn viên, đặc biệt sau này có thể hữu ích nếu tôi vào vai một nữ cảnh sát cần đến cảnh quay hành động.
Ngoài ra, học võ giúp tôi nhuần tính. Có người muốn tập yoga. Tôi chọn đi học võ bởi tôi hiểu điều quan trọng nhất, gốc của võ là đạo. Học võ không phải để đánh nhau mà để rèn luyện sức khỏe và để tâm tính mình nhuần lại.
Chị luôn muốn tâm tính nhuần lại trong khi lại thành công với những vai cá tính, chua ngoa. Điều này có gì mâu thuẫn?
- Ông trời công bằng, cho tôi được khán giả yêu thích nhưng lại bị định kiến: "Con đấy mặt ghê gớm thế hiện nguyên hình là đúng rồi". Tôi cũng phải chịu thiệt khi có rất nhiều bà mẹ nhìn thẳng vào mặt nói: "Tao mà có con trai không đời nào tao gả cho mày". K
Km Oanh chấp nhận tất cả định kiến đó, không trách ai. Bởi tôi cho rằng phá bỏ những suy nghĩ đó rất khó, còn những ai thực sự yêu thương sẽ không bao giờ có định kiến với mình.
Người Việt mình cứ có quan niệm "trông mặt mà bắt hình dong". Trong truyện cổ tích Tấm Cám, Tấm hiền lành, chăm chỉ, Cám lười, mải chơi, thích làm đẹp.
Nhưng vì cô ấy mải chơi nên không đủ nhận thức mà lại có hiếu nên nghe lời mẹ xui, vô tình hại đến Tấm. Cô ấy có ma lanh chút, kêu chị Tấm ngụp xuống ao.
Cô ấy có tham lam chút, trút hết cá của Tấm vào giỏ của mình, đẩy Tấm đến đường cùng. Và trong bước đường cùng, cô Tấm vốn rất hiền lành, chăm chỉ cuối cùng đã làm mắm em, ác hơn nữa là mang về cho dì ghẻ ăn.
Vậy thì theo tôi, con người ta sẽ bộc lộ bản chất khi ở bước đường cùng chứ không phải ở vẻ bên ngoài. Cám có tham sân si đấy, nhưng đó là điều có trong mỗi người, chỉ cần được rèn luyện, giáo dục tốt thì sẽ biết kiểm soát những điều đó.
Chị tự đánh giá mình là con người như thế nào?
- Mẫu số chung của tôi là hài hước, vui vẻ, sâu sắc. Tuy nhiên, trong cuộc sống, mỗi người có một chìa khóa và hiểu tôi đến đâu là việc của mọi người.
Có lúc tôi cố tình để người ta hiểu mình đến mức độ nào đó, có lúc tôi khép lại để không ai hiểu được. Mình cho phép người nào làm tổn thương thì người đó mới có quyền làm điều ấy.
Mà một khi đã mở cánh cửa cho ai đó làm tổn thương thì đau đến đâu tôi cũng chịu. Số lượng những người có đặc quyền đó cũng chỉ có một, hai người thôi.
Người ta nói tôi ghê gớm hay không, tôi không bao giờ chạy theo để giải thích. Điều quan trọng là tôi sống biết điều, biết phải biết trái. Không phải ai cũng biết điều đấy.
Tôi lấy ví dụ, người đàn bà với người đàn ông mang quan hệ vợ chồng, khi đàn ông có người thứ ba, nếu là Kim Oanh sẽ không bao giờ xử lý bằng cách đánh ghen, chửi bới.
Người thứ ba phải hay trái tôi không quan tâm. Nhưng người vợ biết phải sẽ không xử lý người thứ ba. Việc đầu tiên là xử lý chồng, không xử lý được thì tìm ra lẽ phải cho mình để dừng lại.
Chồng tốt với mình buộc phải giữ nhưng giữ thế nào phụ thuộc nhiều vào văn hóa ứng xử. Người biết phải trái sẽ hiểu thái độ quyết định tất cả.
Tôi làm chủ cuộc sống của mình, còn khen chê của người đời với tôi là lẽ bình thường. Có ai đó bảo Kim Oanh "diễn như con điên" tôi cũng thấy đúng, bởi đã có rất nhiều người khen, phải có người chê như thế để mình cân bằng chứ, không mình tưởng mình là bố đời (cười lớn).
Nỗi buồn lớn nhất mà chị từng trải qua là gì?
- Bạn bè đánh giá tôi là người rất tích cực, luôn nhìn cuộc sống lạc quan. Chuyện hết sức căng thẳng tôi cũng đưa về nhẹ nhàng, còn không thể thì tôi vui vẻ chấp nhận, bởi cuộc sống cần có đủ hỷ nộ ái ố cho nó cân bằng.
Nỗi buồn lớn nhất thì tôi đã chuyển hóa vào trong các vai diễn. Tôi luôn khao khát nhân vật đầy đủ trạng thái tâm hồn. Tôi rất thích những nhân vật bi kịch bởi họ có thể tẩy rửa tâm hồn cho khán giả, chính nhân vật và cả diễn viên. Bi kịch không phải là tận cùng của nỗi buồn mà tận cùng của bi kịch là được khai sáng.
Chị cho rằng mình là con người của gia đình hay công việc?
- Tôi là người mà trong công việc sẽ thuộc về công việc, còn trong gia đình sẽ thuộc về gia đình. Khi làm phim tôi sẽ không nghĩ đến việc phải về nhà nấu món gì, ăn cái gì. Khi về nhà rất hiếm khi tôi mang theo công việc.
Tôi cũng chưa có may mắn được làm mẹ nên khó có thể nói mình là người của gia đình. Tôi nghĩ thành công ở đâu thì dành thời gian nhiều ở đó.
Ở lứa tuổi của tôi không phải ai cũng có được tên tuổi, danh hiệu như vậy. Có người bảo tôi sướng, cứ đi diễn là được huy chương vàng. Tôi bảo chị sướng hơn em, chị có mấy cục vàng ở nhà. Con người nó có duyên, con cái cũng vậy.
Công việc hiện tại của chị thế nào?
- Năm 2007, tôi chuyển từ Nhà hát Tuổi trẻ sang Phòng sân khấu, Ban Văn nghệ Đài truyền hình Việt Nam. Công việc thường ngày của tôi hiện là biên tập kịch bản, thi thoảng dựng vở diễn.
Tôi quan niệm ở đâu cũng được, miễn là mình đam mê và đón nhận cơ hội đến với mình. Công việc mới vẫn mang đến cho tôi nhiều giải thưởng trong lĩnh vực sân khấu như giải A Tài năng trẻ năm 2008, giải đặc biệt của Hội sân khấu về diễn kịch thể nghiệm cùng năm, giải vàng Liên hoan sân khấu toàn quốc năm 2012... Ngoài ra, những năm gần đây tôi cũng đạt nhiều giải cao trong lĩnh vực đạo diễn truyền hình.
Với phim ảnh, từ khi ra trường tới giờ tôi vẫn duy trì mật độ hai năm một bộ phim. Nếu tôi không đầu tư vào vai diễn, diễn hời hợt tức là tự chết trong lòng khán giả, tôi không muốn thế. Khi đã chọn vai, tôi chọn làm cho thật tốt, mà muốn như vậy phải có thời gian.
Thời gian còn lại, tôi dành để tìm những nguồn cảm hứng, năng lượng sống tích cực, để nó tràn vào cơ thể mình. Như học võ vậy. Mình cố gắng để có được chất lượng cuộc sống tốt nhất.