NSƯT Hoàng Yến: Từ “bà cô Thị Nở” đến người mẹ đôn hậu của điện ảnh Việt

NSƯT Hoàng Yến: Từ “bà cô Thị Nở” đến người mẹ đôn hậu của điện ảnh Việt

Gia đình của nghệ sĩ Hoàng Yến cho biết, người đóng vai bà mẹ trong rất nhiều bộ phim điện ảnh và truyền hình đã qua đời chiều 4/7, hưởng thọ 88 tuổi. 

Theo nghệ sĩ Thùy Hương, con gái của nghệ sĩ Hoàng Yến, trước khi mất bà có dấu hiệu mệt và nằm liệt giường nhưng hôm 4/7, cơ thể và tinh thần của bà bỗng dưng tỉnh táo. 

Bà nói chuyện rất vui vẻ, xuống nhà ăn cơm cùng gia đình, giúp con cháu dọn dẹp đồ đạc rồi mới lên phòng ngủ trưa. Khoảng gần 3 giờ chiều, bà gọi con trai lên chỉnh nhiệt độ điều hòa. Đến khoảng 5 giờ chiều, gia đình phát hiện bà đã ra đi.

Từ người phố thành bà cô Thị Nở

Nghệ sĩ Hoàng Yến là người gốc Hà Nội. Bà sinh sống cùng gia đình trong căn nhà số 27 phố Hàng Bạc. Có lẽ vì thế, cô gái phố cổ Hoàng Yến luôn mang trong mình cốt cách thanh lịch, phong thái nhẹ nhàng, ăn nói nhỏ nhẹ đúng như câu ca "Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An". 

Say mê diễn xuất từ nhỏ nên sau khi học xong trung học, cô gái phố cổ đã đăng ký và thi đậu, trở thành diễn viên khóa đầu tiên của Trường Điện ảnh, nay là Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.

Sau thời gian dài học diễn xuất trên giảng đường, bà về công tác tại Đoàn kịch - điện ảnh của Xí nghiệp Phim truyện Việt Nam (sau này là Hãng phim truyện Việt Nam) tại số 4 đường Thuỵ Khuê. Mặc dù là cô gái thành phố nhưng khi vào vai, các đạo diễn thường giao cho nghệ sĩ Hoàng Yến đóng các vai liên quan đến đời sống nông thôn.

Những bộ phim điện ảnh nổi tiếng như: Cây bạch đàn vô danh, Vườn cam, Mẹ Kim Đồng, Bao giờ cho đến tháng 10, Số đỏ, Ngày ấy bên bờ sông Lam, Làng Vũ Đại ngày ấy, Của để dành… đã khiến cho khán giả không thể quên một diễn viên với gương mặt biểu đạt vô cùng thành công trong mọi hoàn cảnh diễn xuất.

Đặc biệt, nhiều người còn nhớ bộ phim "Làng Vũ Đại ngày ấy" với sự tham gia của những diễn viên và trí thức nổi tiếng như: Kim Lân trong vai Lão Hạc, Hữu Mười vai giáo Thứ, Hữu Cường vai Chí Phèo và Đức Lưu vai Thị Nở. Bộ phim sau này được đánh giá vào hàng những tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt Nam thế kỷ 20.

Trong vai bà cô của Thị Nở, nghệ sĩ Hoàng Yến thể hiện thành công hình tượng một phụ nữ nông thôn thời với tính cách đáo để, đanh đá và chua ngoa. Khi biết mối tình vườn chuối của Thị Nở với Chí Phèo, bà cô lên tiếng chửi rủa và đánh đuổi Thị Nở ra khỏi nhà.

Sự xuất hiện với đoạn hội thoại của bà cô Thị Nở tuy ngắn ngủi nhưng với gương mặt cau có với giọng nói chua ngoa khi cấm đoán Thị Nở đến với thằng "cào mặt ăn vạ" Chí Phèo. Thị Nở "vui tình" nói với bà cô: "Thế cô định để con ế chồng chết già như cô à?" – bà cô nổi xung diếc móc: "Cha mớ đời con Nở kia, mày lại dám rỉa rói cô mày cơ à. Mày đi đi, bà truyền đời báo danh cho mày biết, mày đi sông đắm sông, đi đò đắm đò. Con Nở chết tiệt kia!".

Đây là một trong số vai diễn rất khác biệt, rất hiếm hoi của nghệ sĩ Hoàng Yến trong vai một phụ nữ đanh đá. Bởi sau này, nghệ sĩ Hoàng Yến đều thủ vai vào người mẹ hồn hậu, hiền lành và thật thà. Thậm chí, nhiều khán giả còn xem những người mẹ do bà thủ vai là hình tượng của người mẹ Việt Nam.

NSƯT Hoàng Yến: Từ “bà cô Thị Nở” đến người mẹ đôn hậu của điện ảnh Việt ảnh 1
Nghệ sĩ Hoàng Yến (ảnh phải) trong vai bà cô Thị Nở trong phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”.

Ra đường vẫn là "bà Vy"

Đặc biệt trong bộ phim "Của để dành", nghệ sĩ Hoàng Yến hóa thân thành bà Vy, một người mẹ luôn nuốt ngược nước mắt vào trong lòng, cả cuộc đời chỉ hi sinh cho con cái. Bộ phim đã lấy đi bao nước mắt của khán giả, kể từ ấy bà Vy trở thành một người mẹ mà khi nhắc đến nhiều người không chỉ quý mến và còn thương cảm.

Sản xuất năm 1998, "Của để dành" kể về bà Vy là mẹ của ba người con: Thanh (do cố NSND Anh Tú đảm nhận), Tiến (Hồng Tuấn) và Thư (Thu Hường). Bà là người luôn lo lắng cho các con. Thế nhưng, sau một tai nạn bà phải nằm liệt giường, không thể tự chủ cũng như không thể làm gì ra của cải.

Ba người con vốn trước đó chỉ quen được mẹ chăm sóc, nay lại không thể chăm sóc được mẹ nên họ quyết định tìm người giúp việc. Ba người giúp việc đến rồi lại đi, bà Vy cảm thấy lạc lõng, xa cách với các con trong chính ngôi nhà của mình. Mâu thuẫn gia đình lên đến đỉnh điểm khi bà Vy bỏ đi, ba người con mới nhận ra mẹ quan trọng đến dường nào. 

Nghệ sĩ Hoàng Yến từng nói về vai diễn này như sau: "Có lẽ đó là vai diễn tôi không bao giờ quên trong cuộc đời này. Những phân cảnh tôi ngã, tôi khóc đều đến từ cảm xúc chân thật nhất".

Thậm chí khi ra đường, nhiều người hâm mộ dù không biết tên của nghệ sĩ Hoàng Yến nhưng nhận ra bà Vy. Họ gọi với "bà Vy, bà Vy ơi", nghệ sĩ Hoàng Yến quay lại chuyện trò. Và bao giờ cũng vậy, món quà bà nhận được từ người hâm mộ là những cái bắt tay thắm thiết, có lần còn nhận được quả xoài, túi mận…

Lối diễn xuất đầy bi kịch và giàu cảm xúc của nghệ sĩ Hoàng Yến đã lấy đi nhiều nước mắt của khán giả màn ảnh nhỏ. Cũng từ đó, hình ảnh người mẹ gắn chặt lấy bà, ghi đậm dấu ấn vào tiềm thức công chúng. 

Nhiều người cho rằng, trong hàng trăm bộ phim, kể cả phim nhựa lẫn phim truyền hình, Hoàng Yến toàn đóng những vai khắc khổ, chưa có một vai nào thể hiện sự sung sướng. Có lẽ vì gương mặt biểu cảm của bà rất hợp với những vai diễn như thế.

“Bộ phim “Của để dành” được sản xuất và phát năm 1998, để lại nhiều ấn tượng với khán giả. Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Yến đảm nhiệm vai người mẹ - bà Vy, vai diễn trung tâm xuyên xuất của bộ phim. Những ai từng làm việc với bác Yến đều khẳng định đó là con người rất yêu nghề. Đó là một nghệ sĩ rất đáng kính trọng”  - Đạo diễn Đỗ Thanh Hải.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.