NSND Trần Hiếu xác lập kỷ lục Việt Nam

Ông Lê Trần Trường An, Giám đốc Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cho biết, NSND Trần Hiếu vừa được tổ chức này xác lập kỷ lục: “NSND cao tuổi nhất còn tham gia biểu diễn trên sân khấu”.Kỷ lục này vừa được trao cho NSND Trần Hiếu hôm 7/5 vừa qua trong sự kiện “Hội ngộ những kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 3” tại TPHCM.

NSND Trần Hiếu xác lập kỷ lục Việt Nam

Theo ông Lê Trần Trường An thì NSND Trần Hiếu là NSND đầu tiên trong lĩnh vực âm nhạc được lựa chọn để trao tặng kỷ lục này bởi hai tiêu chí. Thứ nhất, ông là NSND lớn tuổi nhất tính đến thời điểm hiện tại còn tham gia ca hát. Thứ hai, việc tham gia biểu diễn trên sân khấu của ông diễn ra đều đặn, thường xuyên chứ không phải mức độ thỉnh thoảng.

Bằng xác lập kỷ lục dành cho NSND Trần Hiếu.
Bằng xác lập kỷ lục dành cho NSND Trần Hiếu.

“Nếu là NSND mà ở tuổi đó thì có nhiều, nhất là trong lĩnh vực sân khấu như: tuồng, chèo, cải lương… nhưng tham gia biểu diễn thường xuyên trên sân khấu thì cả Việt Nam chỉ có mỗi NSND Trần Hiếu. Còn nếu ở lĩnh vực biểu diễn ca nhạc thì ở tuổi như NSND Trần Hiếu cũng có một vài trường hợp nhưng lại không phải là NSND. Vì lẽ đó việc trao kỷ lục Việt Nam: “Nghệ sĩ Nhân dân cao tuổi nhất còn tham gia biểu diễn trên sân khấu” cho NSND Trần Hiếu là hoàn toàn xứng đáng. Việc này chúng tôi xem xét kỹ lưỡng dựa trên đơn đề nghị của Hội đồng tư vấn với 126 thành viên”, ông Lê Trần Trường An cho biết thêm.

Chia sẻ với Dân trí, NSND Trần Hiếu vui vẻ cho biết: “Tôi không ngờ là mình được trao bằng kỷ lục “Nghệ sĩ nhân dân cao tuổi nhất còn tham gia biểu diễn trên sân khấu” vì chuyện này tôi có làm đơn xin đâu. Trung tâm kỷ lục Việt Nam, họ thấy mình như thế thì họ tôn vinh mình thôi. Kể ra thì họ trao cho tôi kỷ lục này cũng đúng vì tính ra hiện nay tôi là NSND cao tuổi nhất vẫn thường xuyên tham gia các hoạt động biểu diễn âm nhạc trên sân khấu”.

NSND Trần Hiếu trong lễ nhận bằng xác lập kỷ lục hôm 7/5 vừa qua.
NSND Trần Hiếu trong lễ nhận bằng xác lập kỷ lục hôm 7/5 vừa qua.

Đề cập đến nguyên nhân khiến bản thân có thể hoạt động âm nhạc một cách bền bỉ, NSND Trần Hiếu cho biết, đó là một câu chuyện dài mà kể ngày một, ngày hai không hết. Tuy nhiên, trên cơ bản vẫn là vì ông quá say nghệ thuật và cuộc đời thúc đẩy mình phải hát.

“Mình vẫn hát được, hát xong người ta vẫn vỗ tay và vẫn muốn nghe ông Hiếu hát tiếp thì tôi cứ hát, hát đến lúc nào không hát được nữa thì thôi. Hát là vì say mê nghề chứ không phải để kiếm tiền. Tôi có nghề dạy thanh nhạc đã kiếm đủ tiền rồi, nghề hát này là để thỏa đam mê thôi. Gọi là thỏa đam mê nhưng đi diễn cũng nhiều lắm đấy. Có điều, việc đi diễn của tôi không giống các bạn trẻ bây giờ, cát-sê diễn là hàng mấy chục triệu, tôi thì cứ hát xong ai đưa thế nào tôi nhận thế đấy, không đòi hỏi thêm. Tôi xem “phần tiền” ấy là phần phụ, phần chính là mình già rồi vẫn được người ta mời đi hát. Mong người ta lờ mình đi để mình không phải đi hát nữa nhưng người ta lại không chịu lờ”, NSND Trần Hiếu hồ hởi chia sẻ.

NSND Trần Hiếu cũng tiết lộ rằng, cao điểm nhất của một tháng ông đi diễn tới 16 buổi, bình quân 2 ngày một buổi nhưng cũng có lúc 1 ngày 2 buổi. Và dù ở tuổi “bát tuần” nhưng không tháng nào là ông không đi diễn. Theo ông, đối với một nghệ sĩ già thì tần suất đi diễn như thế là cũng nhiều và tương đối khỏe.

Ngoài đi hát, NSND Trần Hiếu còn có công việc thường xuyên hơn đó là dạy học sinh - sinh viên trong trường Nhạc viện TPHCM, một vài trường Đại học có khoa Thanh nhạc và tại nhà riêng. Việc dạy cũng ngốn của ông khá nhiều thời gian và tâm sức.

NSND Trần Hiếu cho rằng, nhờ trời cho nên đến tận bây giờ ông vẫn đều đặn đi hát, chưa tháng nào phải ngồi không ở nhà.
NSND Trần Hiếu cho rằng, nhờ trời cho nên đến tận bây giờ ông vẫn đều đặn đi hát, chưa tháng nào phải ngồi không ở nhà.

“Công việc dạy học ngốn nhiều thời gian và tâm sức hơn vì nhiều việc lắm. Một tháng 30 ngày thì ngày nào tôi cũng phải dạy học cho học sinh - sinh viên. Tôi gọi đó là “lương tươi” vì dạy xong giờ nào người ta trả tiền giờ ấy, còn lương Nhà nước cấp cho theo chế độ hưu trí là “lương khô”. Cũng may là trời còn phú cho chút sức khỏe để có thể vừa dạy học, vừa đi hát chứ kể ra ở cái tuổi như của tôi giờ chẳng còn ai đi hát nữa cả. Tất nhiên có sự phấn đấu của mình nhưng căn bản vẫn là trời cho. Có khi có những người phấn đấu để hát nhưng không ai mời, còn mình thì lại được trời cho nên đi diễn liên tục. Ngày hôm qua, tôi vừa làm chương trình kỷ niệm Trần Hiếu tuổi 80 do Đài Truyền hình TPHCM thực hiện ghi hình 10 tiết mục do tôi biểu diễn. Từ sáng đến chiều quay liên tục 10 tiết mục mà tôi cũng không thấy mệt mỏi gì cả…”, NSND Trần Hiếu chia sẻ thêm.

NSND Trần Hiếu cho biết, ông sinh ngày 23/4/1936, nếu tính theo tuổi âm ông đã 81, còn tính tuổi dương là 80 tuổi tròn. Ông vốn quê gốc ở Tam Hiệp, Quốc Oai, Hà Tây (nay là Phúc Thọ, Hà Nội). Ông là cha đẻ của nữ ca sĩ Hà Trần và là anh trai của nhạc sĩ Trần Tiến.

NSND Trần Hiếu bắt đầu đi hát từ năm 11 tuổi. Năm 1954 , ông tốt nghiệp khoa thanh nhạc Trường âm nhạc Việt Nam (nay là Nhạc viện Hà Nội ) sau đó ông về làm ca sĩ đơn ca tại Nhà hát Ca múa nhạc Trung ương . Ông đã từng đi học ở Nhạc viện Sofia ở Bulgaria trong ba năm. Từ năm 1986 đến 1991, ông là diễn viên đơn ca ở Nhà hát Tuổi trẻ .

NSND Trần Hiếu chia sẻ, ông sẽ đi hát cho tới lúc nào không hát được nữa thì thôi.
NSND Trần Hiếu chia sẻ, ông sẽ đi hát cho tới lúc nào không hát được nữa thì thôi.

NSND Trần Hiếu sở hữu một giọng nam trầm ít ỏi ở Việt Nam. Ông thể hiện nhiều ca khúc trữ tình, cách mạng với sự hài hước, duyên dáng và sâu lắng. Những ca khúc thành công có thể kể đến như: Con voi (Nguyễn Xuân Khoát), Hò kéo pháo (Hoàng Vân), Lãnh tụ ca (Lưu Hữu Phước), Tôi là Lê Anh Nuôi, Anh quân bưu vui tính (Đàm Thanh)... Ông còn đóng vai chính trong nhiều vở nhạc kịch của Việt Nam và nước ngoài như: Người tạc tượng, Eugene Oneguine, Ruồi Trâu... Ông cũng đã đi lưu diễn ở nhiều nước trên thế giới.

Từ năm 1991 đến năm 1998 , ông về làm công tác giảng dạy thanh nhạc tại Nhạc viện Hà Nội. Ông là một giảng viên kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Nhiều học trò của ông đã thành danh, đạt được nhiều giải thưởng tại các cuộc thi hát thính phòng trong nước và khu vực như: Trọng Tấn , NSƯT Tấn Minh ... Ông cũng đã cho ra đời công trình nghiên cứu “Sức mạnh của ngôn ngữ trong tiếng hát Việt Nam” (1981) và nhiều công trình khác về dân ca Việt Nam, về hát cho trẻ em và nhiều giáo trình về nhạc cổ điển và nhạc nhẹ. Năm 1997 , ông được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân .

Từ năm 2000 , ông cùng gia đình chuyển về TPHCM. Tuy đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn xuất hiện trong các chương trình phát thanh, truyền hình, các sân khấu ca nhạc và tiếp tục làm công tác giảng dạy. Ông đã từng làm MC trong chương trình “Lăng kính thông minh” và giám khảo trong chương trình “Ngôi sao tiếng hát truyền hình. Ông đã cùng hát với con gái ca khúc Bình yên rất được công chúng yêu thích trong album vol.3 Bình yên của nhạc sĩ Quốc Bảo .

Ảnh: KLVN.

Theo dantri.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ