NS Nguyễn Văn Tý rưng rưng lệ mừng sinh nhật 90 tuổi

Chiều 26/3, Ban tổ chức Quỹ Âm nhạc Cống hiến (báo Thể thao Văn hóa) cùng các nghệ sĩ đã đến thăm nhạc sĩ Nguyễn Văn Tí nhân dịp sinh nhật 90 tuổi.

NS Nguyễn Văn Tý rưng rưng lệ mừng sinh nhật 90 tuổi

Con hẻm 94 Trần Khắc Chân (phường Tân Định, Quận 1, TPHCM) vào nhà nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý rộng chừng 3m, sâu 50 - 60m. 

Nhà ông gần như ở cuối hẻm, căn nhà nhỏ được xây theo kiểu cách từ cuối thập niên 1970 nay đã cũ. Có lẽ từ khi ông đến ở chẳng sửa sang gì nhiều.

Bước sang tuổi 90 trong lặng lẽ, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tí cảm thấy buồn bởi không một lời chúc mừng, an ủi. Có lẽ vì bận việc riêng mà gần 6 tháng qua, con gái thứ hai của ông (pianist Thái Linh) không về thăm. 

Hai người vợ của ông đã qua đời, người đầu tiên mất sau khi sinh con gái đầu lòng, người thứ hai mất hơn 10 năm trước. Cô con gái đầu hiện sống ở Hà Nội, rất ít khi vào TPHCM để thăm bố vì thiếu điều kiện.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tí

Có lẽ vì thế mà khi nghe tin báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) cùng các ca sĩ Phạm Anh Khoa, Nguyễn Đình Thanh Tâm, Phù Vạn Nam Hương, guitarist Phạm Thanh Tuấn… muốn đến thăm, mắt ông ngấn lệ vì xúc động.

Ca sĩ Phạm Anh Khoa tâm sự, anh rất ngại xuất hiện công khai trong những tình huống như thế này, vì ngại mọi người đánh giá là tự đánh bóng hình ảnh. 

“Thế nhưng khi nghe đến thăm nhạc sĩ của Dư âm và những ca khúc mà tôi yêu thích, tôi đã rủ những thành viên cốt lõi của album Nghe cùng đi, vì thật sự chưa biết nhà ông ở đâu để tự đi” – Phạm Anh Khoa tâm sự.

Ca sĩ Phạm Anh đàn và hát các ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tí

Phạm Anh Khoa ôm đàn hát hai ca khúc nổi tiếng của Nguyễn Văn Tý là “Mẹ yêu con”, “Dư âm”. Tiếng hát sâu và dày của nữ ca sĩ Phù Vạn Nam Hương như hòa quyện với tình cảm trong bài “Mẹ yêu con” dù chưa hề tập trước. Trong lúc nghe, Nguyễn Văn Tý giơ tay đánh nhịp và hát theo, rồi rưng rưng lệ.

Nguyễn Văn Tý chia sẻ với Phù Vạn Nam Hương lý do vì sao ông phải rời bỏ âm hưởng nhạc tiền chiến để bước sang âm hưởng dân gian và âm hưởng nhạc cách mạng - nhạc đỏ. 

Thế nhưng: “Đời tôi đủ dài để thấy rằng dù bạn theo thể loại nhạc gì thì cuối cùng hãy nghĩ đến dư âm đẹp còn đọng lại trong lòng người nghe. Không có được dư âm đó thì danh vọng, tiền tài, quyền lực… cũng không ý nghĩa gì” - Nhac sĩ Nguyễn Văn Tý nói.

Ca sĩ Nguyễn Đình Thanh Tâm, guitarist Thanh Phương và ca sĩ Phù Vạn Nam Hương

Với nhiều nghệ sĩ trẻ, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cũng sâu xa nói rằng: “Cuộc đời dài lắm, có đó rồi mất đó, các danh hão rồi sẽ mất đi, chỉ mong các bạn hãy vững tâm mà theo đuổi đam mê, chọn lựa của mình. 

Cuộc đời không chỉ sinh ra từ thực tế đâu, mà còn được sinh ra từ tâm tưởng, ước mơ, sự bay bổng… của chính mình. Đời không như là mơ, nhưng đôi lúc đời chỉ là giấc mơ mới sướng”.

Khi mọi người ra về, ca sĩ trẻ Nguyễn Đình Thanh Tâm còn nán lại chừng 10 phút để gởi lời tâm tình riêng với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sinh ngày 5/3/1925. Ông nổi tiếng với các tác phẩm như “Dư âm”, “Mẹ yêu con”, “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”, “Dáng đứng Bến Tre”, “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa”, “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”… Ông cùng với các nhạc sĩ như Văn Cao, Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước… sáng lập nên Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000 với chùm tác phẩm: “Mẹ yêu con”, “Vượt trùng dương”, “Bài ca năm tấn”, “Tấm áo chiến sỹ mẹ vá năm xưa”, “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”, “Dáng đứng Bến Tre”.

Theo vov.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.