Huyện Quỳ Hợp (tỉnh Nghệ An) được xem là “thủ phủ” cam Vinh. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, tình trạng quả cam bị rụng, đầu ra không ổn định đã khiến người nông dân không còn mặn mà với cây trồng này, nhiều diện tích cam đã bị chặt bỏ.
Gia đình bà Nguyễn Thị Dung (trú tại xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp) thuê hơn 1,5 ha đất nông trường để trồng cam, đây cũng là nguồn thu nhập chính nuôi sống cả gia đình.
Bắt đầu bước vào vụ bán cam mát (loại cam quả nhỏ, chín sớm), nhưng bà Dung đang hết sức lo lắng vì giá cam rớt thê thảm mà vẫn không có thương lái vào mua.
Trước đây, quả cam mát có giá dao động từ 12.000-15.000 đồng/kg, tuy nhiên năm nay rớt giá chỉ còn 5.000 đồng/kg. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các đại lý tiêu thụ ở thành phố Vinh, Hà Nội, Đà Nẵng... không đặt hàng.
Bên cạnh nỗi lo về đầu ra, bà Dung và nhiều người dân trồng cam ở Quỳ Hợp còn đang đối mặt với hiện tượng quả cam rụng bất thường.
“Tình trạng này bắt đầu xuất hiện từ vài năm trở lại đây, rất nhiều quả còn xanh bỗng dưng chuyển sang màu vàng rồi rụng xuống. Cam rụng từ vườn này lan sang vườn khác, nhiều gia đình đã phải chặt bỏ để trồng hoa màu.” bà Dung chia sẻ.
Theo thống kê, năm 2018, xã Minh Hợp có 1.700ha cam nhưng đến nay người dân đã chặt bỏ chỉ còn 700ha.
Là một trong những đơn vị cho thuê đất trồng cam lớn của huyện Quỳ Hợp, cuối năm 2020, Công ty TNHH MTV nông nghiệp Xuân Thành đã có văn bản yêu cầu người dân tạm dừng việc trồng mới cây cam, quýt trên diện tích đất do công ty quản lý. Đồng thời, khuyến cáo người dân chuyển sang trồng mía, ngô, ổi, lạc, đậu… trong vòng 3-5 năm để cải tạo lại đất.
Ông Nguyễn Duy Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳ Hợp cho biết, toàn huyện đang có hơn 1.500ha cây cam. Tình trạng cam rụng nhiều nguyên nhân chủ yếu là do thoái hóa giống và đặc biệt là loại nấm bệnh Greening hiện vẫn chưa có thuốc chữa.
Để giúp đỡ người dân, huyện Quỳ Hợp đã mời các chuyên gia, nhà khoa học từ Viện Bảo vệ thực vật Trung ương, cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh lên tập huấn cách phòng trừ sâu bệnh, quy trình chăm sóc đúng khoa học.
Theo ông Hưng, sắp tới Quỳ Hợp sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp từ quy hoạch đến hỗ trợ tiêu thụ, quảng bá sản phẩm cho bà con. Phấn đấu đến năm 2025 sẽ có hơn 2.500ha cam, biến cây cam thành cây trồng chủ lực của địa phương.