(GD&TĐ) - Qui luật tạo hóa “Sinh - Lão - Bệnh - Tử” vốn chẳng chừa một ai. Biết thế, nhưng khi đến mái ấm Camillo (697/485/60 đường Cao Lỗ, quận 8, TP.HCM), ta dễ dàng cảm nhận nỗi khổ của đời người khi bước vào mức 2 và 3 của cái quy luật ấy.
Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…
Gần đây, đã có quá nhiều câu chuyện thể hiện rõ sự vô cảm khiến người ta có cảm tưởng rằng, tình yêu thương, sự đùm bọc, sẻ chia đã trở thành điều “xa xỉ”. Thế nhưng, ở đâu đó vẫn còn có những tấm lòng vì cộng đồng.
Theo chân những người bạn làm công tác thiện nguyện, người viết khá bất ngờ khi đến Camillo, một mái ấm tự phát nhận nuôi những người già neo đơn. Người lập mái ấm và trực tiếp chăm lo đời sống vật chất lẫn tinh thần cho các cụ là cô Lê Thị Kính. Khi được hỏi ý nghĩa tên của mái ấm, cô Kính giải thích: “Saint Camillo De Lellis là vị thánh chuyên giúp những người bệnh tật với lòng nhiệt thành, yêu thương những người đau khổ”.
Trước đây, cô từng là giáo viên dạy Toán của trường THPT Hồng Bàng. Và bây giờ, ở cái tuổi 62, đáng lý ra cô đã an nhàn nghỉ hưu, vậy mà ngày nào cũng như ngày nào, cô như một con thoi tất bật. Cảm thương hoàn cảnh các cụ già neo đơn không nơi nương tựa, cô đã đưa các cụ về sống cùng và chăm sóc.
Mái ấm Camillo được thành lập đã 15 năm, cũng ngần ấy thời gian, cô Kính phải tất bật với những khoản chi phí để duy trì hoạt động. Mỗi ngày, có tiện tặn gói ghém lắm thì cũng phải chi khoảng 150.000 đồng tiền chợ trong khi lương hưu của cô chỉ chừng 2 triệu/ tháng. Thật may, có rất nhiều nhà hảo tâm đã tìm đến mái ấm, chia sẻ với cô, cũng như với các cụ ở đây cả về vật chất lẫn tinh thần.
Những ngày đầu, mái ấm Camillo không có dáng vẻ khang trang như bây giờ. Cô Kính kể, để có mái ấm Camillo như ngày hôm nay, cô đã bán chung cư của mình ở quận 5 và mua đất ở quận 8. Hồi đó, cô mua mảnh đất với giá rẻ vì đó vốn là một cái ao trồng rau muống. Để có thể xây cất, cô đã phải bồi đắp từ từ. Lúc mới hình thành, mái ấm chỉ có mỗi một phòng cho các cụ, sau đó, cô gom góp vận động và cơi nới thêm để có được mái ấm như bây giờ. Người viết chợt nhớ tới con đường nhỏ lót đan ngoằn ngoèo dẫn vào mái ấm, xe ba gác đi lại còn khó khăn huống gì xe chở cát. Vậy mới biết, cô Kính đã khó khăn như thế nào khi biến ao rau muống thành mảnh đất cao ráo như bây giờ.
Mái ấm Camillo gồm một dãy nhà trệt, ngoài gian nhà vách ván lợp tôn dành cho gia đình cô Kính, còn lại là 4 phòng xây liền kề, trong đó 1 phòng dùng để sinh hoạt chung, 3 phòng kia là nơi cư ngụ của các cụ. Mỗi phòng, bố trí từ 6-8 cụ, người khỏe ở chung với người ốm yếu để thuận tiện trong việc chăm sóc lẫn nhau. Chen chúc trong một gian phòng nhỏ nhưng các cụ rất vừa lòng, vì như các cụ nói thì “ở đây vui và muốn sống ở đây cho tới cuối đời”.
Các cụ già nương tựa ở mái ấm |
Ngôi nhà nhỏ và những phận buồn
Hiện tại ở mái ấm của cô có hơn 20 cụ, độ tuổi từ 50-80 tuổi. Đa phần các cụ có sức khỏe kém, có người còn phải duy trì sự sống bằng bình thở oxy như cô Tùng (50 tuổi). Cụ Nhường năm nay đã 80 tuổi, quê ở Trà Vinh, không con cháu, hai chân dần teo và bị liệt, phải ngồi xe lăn. Cách đây 10 năm, vì cuộc sống nhọc nhằn quá, cụ định đi tu nhưng rồi cơ duyên run rủi, cụ được giới thiệu tới đây. Cụ nói ở đây rất vui, cụ muốn sống ở đây cho đến hết đời. Còn cô Minh (67 tuổi) vào đây được 3 năm. Cô bị ung thư tử cung giai đoạn cuối nhưng so với các cụ ở đây thì cô Minh khỏe nhất. Vì thế, cô thường phụ giúp cô Kính và những người khác chăm sóc cho các cụ còn lại. “Cô không mong muốn gì hơn là sự bình yên, vui vẻ. Làm hết mình để chăm cho các cụ già yếu khác. Mỗi ngày cô đều phụ làm bếp, nấu ăn cho các cụ. Dường như đó cũng là cách để cô quên đi bệnh tật trong người mình”, cô chia sẻ.
Phụ trách chuyện bếp núc cho mái ấm Camillo là một người phụ nữ đặc biệt: người đàn bà có một chân co quắp, bước đi xiêu vẹo và cái lưng gù. Người trong mái ấm vẫn thường gọi là cô Bảy. Cô Bảy hay cười và rất ít nói. Dù đi đứng khó khăn và công việc bếp núc cho mấy chục người chẳng nhẹ nhàng gì, nhưng cô vẫn rất cần mẫn và tận tâm.
Các cụ trong mái ấm sống rất hòa đồng, yêu thương nhau. Sáng sớm các cụ khỏe sẽ dậy từ lúc 5h, giặt giũ và vệ sinh cá nhân cho các cụ bị liệt hoặc phụ việc nhà như lau nhà, quét sân hay phụ cô Bảy làm bếp…
Suốt 15 năm qua, dưới mái ấm này, đã có nhiều cụ sống đến cái mức thứ 4 của đời người: tử. Lúc ấy, cô Kính và người trong mái ấm Camillo lại chu toàn tiễn đưa một người thân về với nước Trời.
Những người đến mái ấm này, ai cũng có hoàn cảnh, nỗi khổ cả… nhưng quan trọng là họ đã biết nương tựa nhau, tìm hạnh phúc và niềm vui trong sự đùm bọc và sẻ chia với nhau.
Đừng để người già cô đơn
Mỗi lần có cá nhân hay đoàn thể nào đến thăm, các cụ ở mái ấm Camillo lại vui như có hội. Các cụ vui không phải vì được những phần quà, mà vui vì có người hỏi han, chia sẻ, quan tâm. Có lẽ người già thường hay lẩn thẩn, nhưng mỗi khi nghe câu hỏi: “Con có ở gần đây không, nói cho ngoại mừng”, người nghe không khỏi chạnh lòng. Các cụ mong có con cháu quan tâm, sẻ chia… cái ước ao như bao người già khác, nhưng đối với các cụ ở đây, chuyện đó thật quá khó khăn.
Người già thường sợ bị bỏ rơi, bị cô độc, cái tâm lý ”khát người” cũng là điều dễ hiểu. Giáo sư Robert Wilson và cộng sự tại trường đại học Rush đã nghiên cứu trên 800 bệnh nhân cao tuổi trong suốt 4 năm và đi đến kết luận: “Những ai sống cô độc sẽ có khả năng phát triển căn bệnh Alzheimer gây mất trí nhớ ở tuổi già cao gấp 2 lần bình thường”. Sự cô lập với xã hội có liên quan mật thiết đến sự mất trí nhớ của người già. Cũng theo giáo sư Robert Wilson, có thể sự lẻ loi ảnh hưởng lên các hệ thống trong não liên quan tới sự nhận thức và ghi nhớ, khiến người cô đơn dễ bị tác động của sự suy giảm thần kinh do tuổi già, từ đó mà ảnh hưởng tới thể chất.
Từ những cụ già neo đơn ở mái ấm Camillo, chúng ta nhìn lại thái độ cũng như đánh giá lại sự quan tâm của mình dành cho người cao tuổi trong gia đình, đừng để họ cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình.
Hi Kỳ