Nơi phát tích chuyện tình “Đồi thông hai mộ”: Biểu tượng tình yêu vĩnh cửu xứ Mường

GD&TĐ - Bấy lâu nay, chúng tôi cứ tưởng nơi phát tích truyện thơ “Đồi thông hai mộ” là ở Đà Lạt, giờ mới được biết rõ nguồn gốc thực sự của câu chuyện tình bi thương là ở xứ Mường, tỉnh Hòa Bình.

Hai ngôi mộ của Đinh Lăng và Quách Mỵ Dung đã được xây đá chắc chắn.
Hai ngôi mộ của Đinh Lăng và Quách Mỵ Dung đã được xây đá chắc chắn.

Đến thăm tỉnh Hòa Bình vào một ngày cuối xuân 2021, khi lá xanh nõn hoa nở thắm núi đồi, đoàn văn sĩ chúng tôi được nhà thơ Lê Va (Chủ tịch Hội VHNT Hòa Bình) dẫn tới thăm khu phát tích chuyện tình xứ Mường “Đồi thông hai mộ” – một truyện thơ tuyệt tác của cụ Tùng Giang – Vũ Đình Trung.

Hóa ra, bấy lâu nay, chúng tôi cứ tưởng nơi phát tích truyện thơ “Đồi thông hai mộ” là ở Đà Lạt, giờ mới được biết rõ về tác giả của truyện thơ được lưu truyền rộng rãi, được nhiều người dân các thế hệ yêu mến vô bờ này, cũng như nguồn gốc thực sự của câu chuyện tình bi thương là ở xứ Mường, tỉnh Hòa Bình.

Nhưng trong khuôn khổ bài viết này, tôi không định nhắc lại điều đã được một số bài báo của các nhà khoa học, nhà báo uy tín, và cả một hội thảo khoa học về nơi phát tích tác phẩm “Đồi thông hai mộ” khẳng định, mà chỉ đề cập tới một di tích thú vị, liên quan tới một tác phẩm văn học giá trị với người dân, với tâm hồn người Việt mà thôi.

Xe của đoàn chúng tôi bám theo xe của nhà thơ Lê Va trên con đường 12B dẫn tới huyện Kim Bôi. Chúng tôi lặng đi khi được êm ru trôi trên con đường nhựa nhỏ như dải lụa xám uốn lượn giữa hai dãy núi xanh cây lá, điểm những mảng hoa vàng, hoa trắng cuối xuân.

Thỉnh thoảng, những đoạn suối xâm xấp nước, lộ bao đá cuội trằn mình trôi chảy ôm chân núi, cùng những lối mòn của người Mường, người Dao đi rừng kéo ngược lên đỉnh núi níu ánh mắt các văn sĩ. Tôi thầm nghĩ, chỉ riêng những núi, những rừng và con đường tuyệt đẹp này đã đủ quyến rũ chân người tới đây thưởng thức rồi.

Di tích của truyện thơ “Đồi thông hai mộ” ở vùng này cũng là đắc địa, chắc chắn sẽ hút khách du lịch tới thăm khi được quảng bá rộng rãi hơn. Chúng tôi cần tới thăm nơi này khi còn ít khách biết đến, để tận hưởng thú vui ở một nơi thâm sơn cùng cốc, vẹn nguyên vẻ thanh tịnh vắng heo.

Xe dừng giữa con đường uốn cong duyên dáng, hai bên là dãy đồi, núi cao phủ xanh cây cối huyền bí. Ngoài hai xe của chúng tôi, thì tuyệt nhiên không thấy xe khác chạy qua, chỉ một không gian yên tĩnh thanh sạch, thoảng tiếng chim rừng chí chóe vẳng lại từ ngọn cây trên núi.

Chỉ tay vào hai chồng đá thô lát đường xếp ven con suối cạn, Phan Mai Hương, một nhà văn xứ Mường giải thích, đó là đá dùng để lát con đường dẫn lên hai ngôi mộ của chàng Đinh Lăng và nàng Quách Mỵ Dung ở trên lưng chừng đồi thuộc địa phận xã Hùng Sơn, Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình.

Để xe lại ven đường, theo bước chân nhà thơ Lê Va, chúng tôi vượt qua con suối cạn, từng bước nhẹ lên dốc. Bên trên, con đường đã được xây bậc, lát đá, thuận tiện cho du khách đặt chân.

Xung quanh hai mộ là nứa, vầu mọc xen vách đá.

Xung quanh hai mộ là nứa, vầu mọc xen vách đá.

Được biết, con đường dẫn lên hai ngôi mộ của chàng Đinh Lăng và nàng Quách Mỵ Dung là do gia đình luật sư – kỹ sư Vũ Đình Thảo, cháu nội tác giả Tùng Giang – Vũ Đình Trung đầu tư xây dựng với sự cho phép và giúp đỡ của chính quyền xã Bắc Sơn (nay là xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi, Hòa Bình) và sự ủng hộ của bà con nhân dân sở tại.

Một cháu trai nhỏ, áng chừng 12 tuổi, dáng gày guộc, cúi đầu chào chúng tôi lễ phép, rồi sau đó nhanh nhẹn dẫn đường cho chúng tôi lên mộ. Nhà thơ Lê Va vui vẻ cho biết, đây là cháu của chị Bùi Thị Bảy, người được gia đình luật sư Vũ Đình Thảo ủy thác trông nom khu mộ và đón khách khi cần. Lối đi bậc đá dài gần 1 km dẫn chúng tôi đến nơi có hai ngôi mộ của chàng Đinh Lăng và nàng Quách Mỵ Dung nằm lưng chừng đồi.

Hai ngôi mộ đã được xây đá bền vững với bia đá đề tên họ của hai người yêu nhau. Chúng tôi đứng lặng người trước biểu tượng của tình yêu vĩnh cửu. Xung quanh hai ngôi mộ, không phải là thông reo vi vút, mà là rất nhiều những thân nứa, vầu thẳng tắp và nhiều thứ cây rừng khác xen vào vách đá. Khung cảnh thơ mộng, tĩnh mịch và thiêng liêng.

Chếch bên phải phía hai ngôi mộ là một tấm bia đá ghi “Lời cây rừng đá núi” chỉ rõ xuất xứ hai ngôi mộ và tóm tắt câu chuyện tình của người nằm dưới mộ qua trích đoạn tác phẩm thơ “Đồi thông hai mộ”. Bỗng đâu, trong đầu chúng tôi văng vẳng những dòng thơ huyền thoại:

“Anh Đinh Lăng giờ đây đâu nhỉ?

Anh của em yêu quý nhất đời.

Anh đi, mù mịt xa khơi,

Phượng hoàng tung cánh phương trời mải bay…”

(Những câu mở đầu truyện thơ “Đồi thông hai mộ” – tác giả Tùng Giang – Vũ Đình Trung).

Nơi phát tích chuyện tình “Đồi thông hai mộ”: Biểu tượng tình yêu vĩnh cửu xứ Mường ảnh 2

Chia sẻ với đoàn nhà văn ngay trước hai mộ trên đồi, nhà thơ Lê Va cho biết, người dân quanh vùng núi Kim Bôi có nhiều người thuộc tác phẩm thơ “Đồi thông hai mộ” của tác giả Tùng Giang – Vũ Đình Trung.

Có cụ bà thuộc làu cả hơn 1.000 câu thơ trong truyện thơ đó, có cụ đọc cùng lúc 600 câu thơ, đọc mệt thì nghỉ mà vẫn chưa hết. Tích truyện về tình yêu của đôi trai gái nằm dưới hai ngôi mộ trên đồi tại Hòa Bình là tích có trước tích ở Đà Lạt.

Vào năm 2017, ông Vũ Đình Thảo, sinh năm 1958, cháu nội của cụ Vũ Đình Trung, về hưu và dành thời gian để đi tìm ngôi mộ mà ông nội mình từng tìm thấy ở vùng Kim Bôi, Hòa Bình khi xưa. Ông Thảo nhớ rằng, theo ông nội của ông kể lại, hai ngôi mộ nằm trên con đường tắt mà người dân trong vùng hay đi lại từ Kim Bôi sang Chợ Đồn ở Lương Sơn.

Khi người dân đi qua ngôi mộ, thường đặt viên đá, hoa trái, hoặc miếng trầu lên mộ để tưởng nhớ đôi trai gái và cầu may. Khi họ tới Chợ Đồn, người ở nơi khác thường dạt cả ra nhường cho họ mua bán, vì biết rằng họ vừa đi qua đôi mộ thiêng.

Thật may mắn, khi cụ Vũ Đình Trung tản cư về nơi đây năm 1946, được các cụ già địa phương kể cho nghe tích truyện về hai người nằm dưới mộ, đó là đôi trai gái người Mường, họ nhà Lang, yêu nhau mà không lấy được nhau do gia đình ngăn cấm, cô gái đã quyên sinh khi bị ép hôn lần thứ ba.

Chàng trai vì không cưới được người yêu, đã quyết tâm đi du học tại Nhật, với mong muốn thành tài để trở về quê hương, khẳng định chính mình, phục vụ bà con. Nhưng khi trở về quê hương, biết rằng người yêu đã mất, chàng lại một lần nữa ra đi, tham gia chiến trận và khi chàng qua đời, thể theo nguyện vọng của chàng, cũng được đưa về chôn bên cạnh người yêu.

Sau đó, cảm động về mối tình của hai người, cụ Vũ Đình Trung đã sáng tác tuyệt phẩm thơ hơn 1.000 câu “Đồi thông hai mộ”. Bìa tác phẩm này cũng được minh họa bằng tranh cô gái Mường bên ngôi nhà sàn. Điều này một lần nữa khẳng định, tích truyện thơ “Đồi thông hai mộ” là từ câu chuyện đôi trai gái người Mường.

Ngay khi tác phẩm ra đời, vua Bảo Đại (vị vua cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn) đã khen thưởng cho tác giả 5.000 đồng tiền Đông Dương (hồi đó giá trị giải thưởng này rất lớn, có thể mua được cả dãy phố ở Hà Nội). Ngoài ra, Việt Nam Văn hóa Hiệp hội thời đó cũng đã trao thưởng cho tác giả.

Ông Vũ Đình Thảo đã dựa vào câu chuyện ông nội mình kể, trở về Kim Bôi, đi tìm hai ngôi mộ của đôi trai gái Mường đó. Sau 5 lần tìm kiếm thất bại, cho đến lần thứ 6 (năm 2018) thì ông Thảo đã tìm được hai ngôi mộ theo chỉ dẫn của một người dân địa phương là chị Bùi Thị Bảy. Sau đó, Hội VHNT tỉnh Hòa Bình cũng phối hợp với các nhà văn, các sử gia, nhà khoa học tổ chức hội thảo về tác phẩm và nơi phát tích truyện thơ “Đồi thông hai mộ” năm 2019.

Hy vọng nơi đây sẽ trở thành điểm du lịch văn hóa, tâm linh xứ Mường, thu hút du khách các nơi. Sau này, khi được quy hoạch thành khu du lịch, một con đường sẽ mở ra để du khách có thể đi bộ từ Lương Sơn tới đây, theo con đường tắt qua rừng mà người dân khi xưa từng đi để đến Chợ Đồn.

Hiện nay, việc trông coi hai ngôi mộ được tạm giao cho chị Bùi Thị Bảy, người địa phương. Chị Bảy cho biết, hàng ngày, đã có những đoàn du khách các nơi đến thăm ngôi mộ, vừa vãn cảnh, thư giãn, vừa nguyện cầu cho tình yêu của họ được trường tồn.

Những đôi trai gái ngày nay đã đến đây nguyện cầu, cũng giống như xưa kia, các đôi trai gái Mường thường đến thăm hai ngôi mộ của chàng Đinh Lăng và nàng Quách Mỵ Dung khi họ chính thức yêu nhau, để thề thốt và nguyện cầu cho tình yêu của họ cũng khăng khít, đẹp đẽ như tình yêu của người nằm dưới mộ.

Việc tìm ra và tôn tạo hai ngôi mộ của chàng Đinh Lăng và nàng Quách Mỵ Dung tại Kim Bôi, Hòa Bình không chỉ là sự khẳng định về một địa danh, một di sản văn hóa, chứng tích hiện hữu trong lịch sử, là nơi phát tích của một tác phẩm văn học giá trị, mà còn mang lại cho người đời nay một danh thắng ý nghĩa để thưởng ngoạn và chiêm nghiệm.

Rất mong các nhà chức trách địa phương, cơ quan văn hóa, các nhà đầu tư cùng chung tay để xây dựng nơi này thành một điểm du lịch văn hóa, gìn giữ và phát triển lớn mạnh khu di sản văn hóa này, dựa trên tiếng vang của tác phẩm “Đồi thông hai mộ” cũng như lòng mến mộ của công chúng với tác phẩm kể từ khi ra đời cho tới nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.