Về xứ Mường gặp lại hậu duệ của những mỹ nữ một thời

Vượt những cung đường ngoằn ngoèo trên vùng núi Hòa Bình, cuối cùng, chúng tôi cũng tìm tới dinh thự của vị quan lang nổi tiếng xứ Chiềng Vang (thuộc xã Tân Lập, Lạc Sơn, Hòa Bình). Đến nay, cuộc sống vương giả của nhà lang và hoa hậu đầu tiên xứ Mường chỉ còn là dấu tích.

Hoa hậu Quách Thị Tẻo bên xe hơi.
Hoa hậu Quách Thị Tẻo bên xe hơi.
Nhắc lại câu chuyện, các bậc cao niên ở địa phương và chính những người trong gia đình quyền thế bậc nhất một thời này đều cho rằng, đó chỉ còn là hoài niệm.

Về lại Mường Vang

Đón chúng tôi ở bậc cầu thang ngôi nhà sàn dân tộc Mường - ngôi nhà bình dị như chính cuộc sống của người dân nơi đây, bà Hà Thị Thắm (50 tuổi) - Vợ của ông Quách Công Phiến (52 tuổi) là cháu đích tôn của vị quan lang nổi tiếng một thời Quách Hàm - rót nước mời khách. 

Dường như đã quá quen với việc đón những vị khách lạ, bà vừa nói chuyện vừa thoăn thoắt thêu trang phục truyền thống của người Mường.

Nhẩm tính, bà về làm dâu nhà này đã hơn ba chục mùa nương, hai vợ chồng cũng chỉ có hai đứa con, một trai, một gái. Cô con gái lấy chồng trong bản, bận làm ăn nên ít khi đến thăm mẹ, trừ khi nhà có công, có việc. 

Cậu con trai lớn học điện tử, ra trường không xin được việc làm nên phải ra tận Quảng Ninh kiếm sống. Cô con dâu mới cưới, học kế toán xong cũng không tìm được việc, nên ở nhà cùng mẹ chăm lo việc ruộng nương, việc nhà.

Ông Quách Công Phiếm cũng phải phiêu bạt vào tận miền Nam trồng càphê, chỉ dịp lễ tết mới về. Cuộc sống mưu sinh của gia đình quan lang quyền quý một thời giờ cũng như bao gia đình khác ở xứ Mường Vang: Không đi đâu được thì ở nhà làm nương rẫy, thanh niên tuổi trẻ thì ra ngoài kiếm tiền về chăm lo cuộc sống gia đình.

Chúng tôi hỏi bà về thời hoàng kim của gia đình chồng trước kia, bà Thắm chỉ lên phía trái nhà sàn, nơi duy nhất còn lưu giữ những bức ảnh về một thời vàng son của gia đình. 

Theo lời bà kể, khi về làm dâu, ngôi nhà đã chuyển về khu vực này rồi, khu vực dinh thự trước đây của quan lang họ Quách hiện đang là khu vực hành chính của xã.

Dù là dâu trưởng trong nhà nhưng chuyện về cụ Quách Vị, Quách Hàm và nhất là Hoa hậu Quách Thị Tẻo một thời làm nghiên ngả núi rừng vùng Mường Vang này vẫn là niềm tự hào với người con dâu của dòng họ Quách danh tiếng một thời.

Hoa hậu xứ Mường

Hoa hậu xứ Mường Hà Thị Tẻo sinh năm 1917 tại vùng đất Tân Lạc (Hòa Bình). Khi bố mẹ Tẻo chạy nợ từ Hà thành lên, họ xin làm đầu bếp cho dinh phủ của quan đầu tỉnh Hòa Bình Quách Vị. 

Hà Thị Tẻo mới 6 tháng tuổi được bán cho nhà chánh quan lang. Sau khi trở thành con nuôi của Quách Vị, Hà Thị Tẻo đã đổi họ thành Quách. 

Dù có hơn 10 người vợ và hàng chục đứa con nhưng quan chánh quan lang Quách Vị lại có một tình cảm “đặc biệt” với cô con gái nuôi ngay từ lúc còn nhỏ.

Năm 1932, 16 tuổi, cô bé Tẻo đẹp rực rỡ như đóa hoa rừng, da trắng, mặt mũi thanh tú, dáng dong dỏng cao, tâm hồn nhạy cảm đặc biệt. 

Với ý định từ trước, nhân chuyến vào Huế yết kiến Vua Bảo Đại, quan chánh lang Quách Vị đã xênh xang ngựa xe, võng lọng. Đi cùng đoàn tùy tùng còn có một nhân vật quan trọng, đó là cô con gái nuôi xinh đẹp.

Một năm sau, cuộc thi hoa hậu xứ Mường đầu tiên được tổ chức ở Phương Lâm (tỉnh Mường Hòa Bình bấy giờ). Được cha nuôi cho phép, Quách Thị Tẻo dễ dàng vượt qua hàng chục thí sinh đến từ khắp các vùng để đăng quang hoa hậu lần đầu tiên năm 1933. 

Vẻ đẹp của Quách Thị Tẻo làm cho các chức sắc cao nhất tỉnh Mường cùng quan công sứ ngây ngất. Ngay cả các bà đầm vợ quan công sứ, quan chánh đoan là phụ nữ... cũng ngỡ ngàng trước nhan sắc của cô.

Thế nhưng sự đời không ai đoán trước, hoa hậu xứ Mường lại lấy chính con trai cả của Quách Vị là tri châu Quách Hàm - hơn cô đến 14 tuổi và có tới 3 bà vợ - làm chồng. Năm 1936, ở tuổi 19, Hoa hậu sứ Mường Quách Thị Tẻo chính thức trở thành vợ thứ tư của quan tri châu Lạc Sơn - Quách Hàm.

Bà Hà Thị Thắm - Con dâu của dòng họ Quách.
Bà Hà Thị Thắm - Con dâu của dòng họ Quách.

Chỉ còn là hoài niệm

Từ ngày con gái nuôi lấy con trai cả và giữa anh em nảy sinh bất hòa, người cha Quách Vị đâm ra buồn chán, cãi lộn với cả viên công sứ Moólơva, rồi từ quan bỏ về đồi Thung sống một mình, không tiếp xúc với bất kỳ ai cho đến cuối đời.

Dù là quan tri châu Lạc Sơn nhưng Quách Hàm sống sung sướng hơn cả quan đầu tỉnh. Và dù là vợ thứ tư, nhưng Tẻo luôn được Quách Hàm coi là đệ nhất phu nhân. 

Trong các dịp công cán, tiếp khách Tây hay du ngoạn, ông đều cho Tẻo đi cùng. Có một câu chuyện kể rằng: Nửa đêm, hoa hậu Tẻo đòi ăn bíttết, đầu bếp bảo hết thịt bò, quan tri châu ra lệnh: “Hãy ra vườn, khoét ngay miếng mông con bò béo nhất của đàn bò đang ngủ, mang về nấu cho phu nhân ta ăn”.

Để phục vụ phu nhân đi thăm thú khắp nơi, Quách Hàm đã ra lệnh cho người dân cả xứ Mường Vang góp lợn, góp trâu để lấy tiền cho quan mua xe hơi. Mỗi buổi tối, thú vui của hai vợ chồng Quách Hàm - hoa hậu Tẻo là lấy thuốc phiện ra hút và nghe ả đào hát.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông Quách Hàm được Ban cán sự tỉnh Hòa Bình cử làm cố vấn vì đã có công vận động các nhà quan lang cùng tầng lớp thống trị cũ ở khắp xứ Mường tham gia cách mạng. 

Năm 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông Quách Hàm được cử làm Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh Hòa Bình. Hòa bình lập lại, năm 1954, ông Hàm về nghỉ hưu, rồi mất tại quê nhà vào năm 1956. 

Ông Hàm mất để lại bà Tẻo cùng 3 người con (2 gái, 1 trai). Hoa hậu Tẻo vô cùng vất vả nuôi đàn con, nhất là vào thời điểm đó, hòa bình đã lập lại (sau năm 1954) và bao nhiêu xa hoa của dòng dõi quan lang đã tan biến hoàn toàn.

Từ sự quyền quý lạ lùng, xa hoa, cuộc đời bà Quách Thị Tẻo rơi xuống sự khốn khó, túng quẫn, do nghiện ngập và thời thế đã thay đổi. Cụ Quách Công Thu (75 tuổi) - một cao niên trong làng - kể lại: 

“Từ khi sinh ra người con gái đầu tiên, bà Tẻo đã nghiện thuốc phiện. Lúc đầu, bà Tẻo chỉ hút thuốc phiện bằng bàn đèn như ông Hàm. 

Sau rồi, khi nghiện nặng, bà Tẻo không bao giờ dùng bàn đèn nữa. Bà cho từng viên thuốc phiện vào miệng như người ta nhai bánh dẻo”.

Một đám tang buồn bã, lèo tèo diễn ra năm 1984, hoa hậu xứ Mường nằm trong đất lạnh hưởng thọ 68 tuổi, khép lại cuộc đời một mỹ nhân có số phận chìm nổi đến khó tin. 

Dinh thự của gia đình họ Quách cũng đã bị phá hủy do lệnh tiêu thổ kháng chiến của cách mạng. Mọi câu chuyện về cô “hoa hậu xứ Mường” đầu tiên, về gia đình danh giá họ Quách nay chỉ còn là hoài niệm. 

Ông Đinh Công Lạc (75 tuổi) cho biết: “Cô ruột tôi là vợ cả của Quách Hàm, không chịu được nỗi khổ ở nhà quan tri châu nên đã bỏ về. Cuộc đời hoa hậu Quách Thị Tẻo thực sự là một tấn bi kịch”.

Chia tay Mường Vang khi mặt trời đã xuống núi, câu chuyện của hoa hậu xứ Mường một thời cũng khép lại. Bà con lên nương cũng lần lượt trở về trên những con đường mòn quen thuộc. 

Cuộc sống của người dân nơi đây vẫn vậy, ấy thế mà cách đây cả thế kỷ trên con đường này từng xuất hiện chiếc xe hơi bên trong chở người đẹp xứ Mường Vang lướt đi.

Theo laodong.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ