Những ngày cuối tháng Tư, căn nhà của ông Nguyễn Phú Cường (80 tuổi, trú quận Hải Châu, Đà Nẵng) dường như lặng lẽ hơn. Trên bàn thờ gia tộc, khói hương phảng phất lên di ảnh của những người thân trong đó có người chú ruột Nguyễn Sơn Trà - Nguyên Bí thư đầu tiên của Đà Nẵng và người em trai Nguyễn Phú Hảo - Tử trận tại Hoàng Sa ngày 19/1/1974.
Là nhà giáo về hưu, ông Cường vẫn giữ được phong độ và sự minh mẫn. Đưa ánh mắt nhìn thẳng người đối diện khi nghe gợi lại câu chuyện về những người thân của mình chiến đấu ở hai chiến tuyến, ông Cường bảo: "Anh em đánh nhau, nhắc lại có gì vui. Nhưng muốn hòa hợp dân tộc, thì trước hết phải hòa giải, tức là giải thích cho những người còn thắc mắc".
Trong trí nhớ của ông Cường, ngày nào cha của ông cũng bật hai chiếc radio ở sân trước và sau để nghe đài Hà Nội dù sống ở Đà Nẵng giữa chế độ Việt Nam Cộng hòa.
Người chú ruột Nguyễn Sơn Trà sớm hoạt động cách mạng cùng với các cụ Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp,... khi mở hiệu sách Việt Quảng và từng bị bắt giam ở Kon Tum, Lao Bảo... Nhưng lựa chọn lý tưởng của anh em ông Cường khi đã trưởng thành thì cả cha và chú đều không góp ý hay phê phán.
Ông Cường theo nghề giáo từ năm 1957, cuộc sống được cho là dư giả khi nhận lương 5.000 đồng mỗi tháng, trong khi mỗi lượng vàng có giá 2.500 đồng.
Người anh trai Nguyễn Phú Hữu tham gia quân đội Việt Nam Cộng hòa, hàm Thiếu tá. Người em trai Nguyễn Phú Hảo vào học Hải quân tại Khánh Hòa rồi khoác lên mình chiếc áo hải quân Việt Nam Cộng hòa, hàm Thượng sĩ ra Hoàng Sa giữ chủ quyền. Còn người em út Nguyễn Phú Hà hoạt động trong phong trào sinh viên ở miền Nam.
Ông giáo Cường trầm ngâm kể: "Ngày Tết hay mỗi khi gia đình có công chuyện, anh em đều tụ họp. Nhưng không ai nhắc gì đến công việc, nhiệm vụ của mình mà đều vui vẻ bên người thân. Thời đó đâu riêng gì nhà tôi sống cảnh anh em ở hai chiến tuyến. Mọi chuyện đã như vậy rồi, phải chấp nhận thôi".
Ngày 19/1/1974, Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa. Gia đình ông Cường sớm nhận được tin người em Nguyễn Phú Hảo tử trận trên chiến hạm HQ 5 Trần Bình Trọng. Thi thể ông Hảo được đưa về ít ngày sau.
"Em tôi mất ở tuổi 35, khi chiến đấu chống giặc ngoại xâm" - Ông Cường nói và cho biết tin dữ này là cú sốc lớn với cha mình. Hai tuần lễ sau, cụ qua đời.
Di ảnh của tử sĩ Hoàng Sa Nguyễn Phú Hảo (bìa phải) trên bàn thờ gia tộc. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Ngày 30/4/1975, đất nước thống nhất, anh em ông Cường được đoàn tụ. Theo ông, khi đó chòm xóm không ai kỳ thị khi người anh Nguyễn Phú Hữu phải đi cải tạo ở Tuy Hòa (Phú Yên). Tuy vậy, gia đình ông cũng gặp không ít rắc rối, nhiều tài sản, đất đai bị thu hồi.
Hết thời hạn cải tạo, ông Hữu về lại Đà Nẵng, đến năm 1990 thì cùng gia đình sang Mỹ định cư nhưng thường xuyên về thăm nhà. Người em trai cũng vào TPHCM lập nghiệp.
Trong những câu chuyện giữa thời bình khi anh em xum họp, mọi người chỉ mong sao có được cuộc sống bình yên, không bao giờ phải gặp cảnh chiến tranh, đổ máu nữa.
Ông giáo Cường tâm sự rằng, những chuyện của 40 năm trước không nên nhắc lại nhiều. Con cái ông được sống trong thời bình nên ông không bao giờ kể lại chuyện quá khứ.
"Muốn hòa giải dân tộc thì đừng nói tới nữa, hãy để mọi người chuyên tâm hơn vào việc xây dựng đất nước" - Ông Cường nêu quan điểm.