Văn phòng Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế (Sở Y tế TP HCM) rộng chừng 20 m2, chỉ có một bàn làm việc, nằm ở khu vực hành khách vừa bước xuống máy bay. Quy trình kiểm dịch tại đây được bật chế độ "báo động đỏ" từ ngày 23/1 (28 Tết Nguyên đán) - lúc nCoV bùng phát ở Vũ Hán. Sau đó là chuỗi ngày lãnh đạo trung tâm chia nhau trực 100%, nhân viên không được rời thành phố.
Nhiệm vụ của trung tâm là kiểm soát hành khách nhập cảnh vào các cửa khẩu của TP HCM gồm Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng hàng hải TP HCM. Khi hành khách xuống máy bay sẽ được sàng lọc để cách ly những người có yếu tố từ vùng dịch, hoặc nghi ngờ nhiễm một bệnh dịch nào đó. Cùng với kiểm dịch Covid-19, trung tâm vẫn tầm soát các bệnh khác như Ebola, Mers-CoV, Lassa... Nếu hành khách bảo đảm hết các yếu tố an toàn mới được hướng dẫn đến khu vực công an cửa khẩu để làm thủ tục nhập cảnh.
Những ngày cao điểm sân bay đón 7.000 người nhập cảnh. Mỗi khi có 2-3 chuyến bay cùng hạ cánh, 500 người cùng đổ về một lúc khiến việc kiểm dịch quá tải.
Chiều 17/3, trước giờ Việt Nam dừng cấp thị thực nhập cảnh đối với người nước ngoài (từ 0h ngày 18/3), hơn một nghìn người từ các chuyến bay xếp hàng dài chờ làm thủ tục kiểm dịch. Trong cái nóng hơn 33 độ C, gương mặt ai cũng đầy vẻ mệt mỏi sau chuyến bay dài và nỗi lo nguy cơ nhiễm nCoV khi đi máy bay.
Tại khu vực kiểm dịch, các nhân viên mặc đồ chuyên dụng kín từ đầu đến chân, đeo kính bảo hộ, liên tục kiểm tra, đo nhiệt độ và hướng dẫn khách làm tờ khai y tế. Mồ hôi nhỏ xuống che mờ kính nhưng không ai gỡ ra, cũng chẳng kịp lau. Ở vòng ngoài, 4-5 nhân viên của trung tâm có mặt thường trực ngay sau khu vực hải quan để hướng dẫn hành khách đến khu vực khai báo y tế và kiểm tra thân nhiệt.
Làm việc tại trung tâm hơn 4 năm, anh Nguyễn Tạ Minh Quang (29 tuổi) được phân công đứng giữa khu vực hải quan và khai báo y tế để hướng dẫn, giải đáp thắc mắc cho hành khách vừa từ máy bay xuống. Mỗi ngày anh phải tiếp xúc hàng nghìn người đến từ khắp nơi, trong đó rất nhiều người đến từ vùng dịch.
Khi dịch Covid-19 bùng phát cũng là lúc Quang được vợ báo tin vui đã mang thai đứa con đầu lòng. Thế nhưng suốt thời gian đó sau giờ làm Quang phải thuê khách sạn ngủ ở ngoài, không dám về nhà vì "lỡ mình dính virus lây cho vợ sẽ khổ". Hiện Quang đưa vợ về quê ở Cần Thơ "tránh dịch" cho mình yên tâm công tác. Mỗi lần đi làm về phần vì mệt, phần muốn giữ sức khỏe cho người khác nên anh chỉ ở nhà, ít gặp gỡ người thân.
Chị Huỳnh Thị Mỹ Ngọc tại khu vực đo thân nhiệt từ xa với tất cả hành khách khi nhập cảnh. Ảnh:Hữu Công. |
Chị Huỳnh Thị Mỹ Ngọc (37 tuổi, làm kiểm dịch 13 năm) may mắn hơn khi có chồng là đồng nghiệp nên chia sẻ được nhiều trong công việc. Tuy vậy, khi dịch bùng phát, để yên tâm công tác cũng như giữ sức khỏe cho con, vợ chồng chị buộc phải gửi hai đứa con, học lớp 3 và 5 về cho ông bà ngoại chăm sóc. Công việc của chồng chị Ngọc phun xịt khử khuẩn trên máy bay, tiếp xúc các khu vực dễ nhiễm khuẩn.
"Mỗi lần vào ca và tan ca về nhà, nhân viên kiểm dịch phải xịt cồn từ đầu tới chân để khử khuẩn, không cho virus có cơ hội bám vào", chị Ngọc nói. Gần hai tháng nay sau giờ làm vợ chồng chị Ngọc về thẳng nhà, tự "cách ly" để giữ cho người thân cũng như bảo đảm sức khỏe hôm sau làm việc.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm (Giám đốc Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế Tân Sơn Nhất) cho biết, buổi làm việc của Sở Y tế cùng Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cùng các đơn vị liên quan về công tác phòng chống dịch viêm phổi Vũ Hán hôm 28 Tết Nguyên đán cũng là lúc 20 nhân viên của trung tâm căng mình "chưa từng có" để làm việc
Lúc đó, Trung Quốc chưa ban bố phong toả thành phố Vũ Hán, Sở Y tế thành phố thông báo trên thế giới có hơn 600 ca mắc bệnh viêm phổi do chủng virus corona mới (nCoV), 17 người đã tử vong, đặc biệt có 15 cán bộ y tế đã bị nhiễm bệnh. Đến nay, hơn 200.000 trên toàn cầu được xác định nhiễm nCoV, con số người chết đã là hơn 11.000 người. Tại Việt Nam, cách đây 2 tháng chưa có người nhiễm bệnh, thì nay con số đã là 76.
Giám đốc Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế Tân Sơn Nhất - Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm. Ảnh:Hữu Công. |
Dịch nCoV diễn biến phức tạp khiến danh sách vùng dịch (khách nhập cảnh phải cách ly 14 ngày) ngày càng mở rộng. Ban đầu, kiểm dịch sân bay được yêu cầu kiểm soát gắt gao khách đến từ Trung Quốc, đặc biệt là Vũ Hán, sau đó tới khách Hàn Quốc, Iran, Italy và bây giờ là một loạt nước châu Âu, Mỹ... Điều này đồng nghĩa quy định kiểm dịch tại các cửa khẩu, sân bay liên tục thay đổi đòi hỏi nhân viên kiểm dịch thường xuyên cập nhật.
"Việc này không biết khi nào chấm dứt. Chúng tôi phải tự nhắc nhở mình, nhắc nhở nhau tuân thủ quy trình làm việc để vừa bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng trong trận chiến với Covid-19 này", ông Tâm nói.
Tính đến chiều nay, TP HCM ghi nhận 12 ca nhiễm nCoV (3 ca đã chữa khỏi), 3.000 trường hợp đang cách ly tập trung và 615 người đang cách ly tại nhà.