Đồng thời, để ngăn ngăn chặn, phòng chống vấn nạn này, các cơ quan có thẩm quyền, chức năng, đoàn thể, xã hội cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em. Tăng cường sự phối kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, nhằm tăng cường phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp bảo vệ trẻ em, bảo đảm môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ.
Lo lắng, bức xúc trước tình trạng bạo hành và xâm hại tình dục trẻ em gia tăng
Lo lắng trước vấn nạn bạo hành và xâm hại tình dục trẻ em ngày một gia tăng, TS. Nguyễn Thị Anh Đào – Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Đông Á - nhìn nhận: Theo báo cáo của cơ quan chức năng, trong 5 năm từ 2012-2016, cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em với gần 10.000 nạn nhân, tăng 258 nạn nhân so với 5 năm trước. Trong đó, số vụ bị xâm hại tình dục trẻ em chiếm tới 5.300 vụ, chiếm khoảng 65%.
Tuy nhiên con số này chỉ là những vụ việc được báo cáo, còn rất nhiều vụ nạn nhân bị chính kẻ xâm hại dọa dẫm hoặc vì lý do nào đó đã không được thống kê. Nhất là trong những năm gần đây, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây bức xúc, nhức nhối trong dư luận xã hội.
Đặc biệt, những ngày qua trên các phương tiện truyền thông đưa thông tin về các vụ xâm hại tình dục trẻ em cho thấy tính chất vụ việc đã đến mức nghiêm trọng; sự vô cảm, mất nhân tính của tội phạm báo động về sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận dân cư. Nguy cơ bị xâm hại tình dục có thể xảy ra đối với trẻ em ở bất kỳ độ tuổi nào, không phân biệt giới tính, từ thành thị đến nông thôn, và trẻ có thể bị xâm hại ngay dưới mái trường, trong ngôi nhà của chính mình.
Trong thời gian qua, Câu lạc bộ Nhà báo nữ thành phố Đà Nẵng có nhiều hoạt động gắn với việc bảo vệ, chăm sóc, hỗ trợ trẻ em trên địa bàn, nhất là những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em bị xâm hại. Nói về thực trạng trẻ em bị xâm hại, nhà báo Huỳnh Thị Yến – Chủ nhiệm câu lạc bộ nhà báo nữ TP Đà Nẵng chia sẻ: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo hành và xâm hại tình dục trẻ em ngày một gia tăng, trong đó, việc gia đình thiếu kiến thức pháp luật, sự hiểu biết về tâm sinh lý trẻ em, về phòng chống bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em.
Cùng với đó là công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội trong phòng chống xâm hại tình dục trẻ em chưa rộng rãi, thường xuyên; sự hiểu biết và thực hiện pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế; việc giải quyết các vụ án liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em chưa nghiêm, chưa kịp thời.
Nhà báo Huỳnh Thị Yến bày tỏ: Khi các vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra, nạn nhân cũng như gia đình các em rất lúng túng trong việc thực hiện nghĩa vụ và thủ tục tố giác bắt buộc đối với hành vi xâm hại tình dục. Mặt khác, đa số trẻ em bị xâm hại và gia đình các em này đều có tâm lý mặc cảm, tự ti, lo sợ bị nên không dám tố cáo kẻ gây hại và che giấu hoàn cảnh bị tổn thương của trẻ, dẫn đến tình trạng bỏ sót tội phạm và nạn nhân chậm được chăm sóc, hỗ trợ.
Một số vụ việc đã được nạn nhân và gia đình tố giác nhưng sự thờ ơ, chậm trễ vào cuộc của các cơ quan chức năng khiến cho đối tượng phạm tội không được đưa ra xử lý nghiêm minh đúng pháp luật, dẫn tới sự nghi ngờ, mất niềm tin của gia đình nạn nhân cũng như sự coi thường pháp luật của những người phạm tội.
Đáng lo ngại là hành vi xâm hại tình dục trẻ em ít được cộng đồng chủ động tố giác, trình báo với cơ quan chức năng, nhiều vụ việc để kéo dài nhiều năm, khi tình trạng xâm hại ở mức nghiêm trọng mới được các phương tiện thông tin đại chúng phát giác trước công luận...
Vấn đề bạo hành và xâm hại tình dục trẻ em trở thành nội dung “nóng” tại các hội nghị tiếp xúc cử tri trong thời gian qua |
Bạo lực và xâm hại tình dực trẻ em trở thành vấn nạn xã hội
Bức xúc trước vấn nạn này, luật sư Đỗ Pháp bày tỏ: Bản thân tôi rất đau lòng khi nghe thông tin về những vụ việc về bạo lực và xân hại tình dục trẻ em. Tôi từng trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc với các em là nạn nhân của các vụ xâm hại tình dục. Những tổn thương về tinh thần, sang chấn tâm lý, ám ảnh với đứa trẻ có thể kéo dài rất lâu, ảnh hưởng đến tinh thần, đến việc hình thành và phát triển nhân cách của đứa trẻ. Đây thực sự là vấn đề cấp thiết, cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan, nhiều bộ, ngành trong việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em. Tăng cường sự phối kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc tăng cường phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp bảo vệ trẻ em, bảo đảm môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ là điều rất cần thiết.
Theo luật sư Đỗ Pháp, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo hành và xâm hại tình dục ở trẻ em, trong đó nguyên nhân cơ bản nhất là sự suy đồi trầm trọng về đạo đức trong xã hội mà chúng ta đương đầu với nhiều cơ chế, trong đó có mặt trái. Bởi vậy, chúng ta phải có những giải pháp cụ thể để ngăn chặn, phòng chống và chấn chỉnh. Bởi nếu sự việc đã xảy ra rồi thì chế tài của pháp luật dù nghiêm minh đến đâu cũng không bao giờ xoa dịu được nỗi đau lớn nhất trong đời của các cháu và gia đình. Rất mong Quốc hội có những chủ trương, chính sách thiết thực nhất và Chính phủ cụ thể hóa luật bảo vệ trẻ em bằng những văn bản quy phạm cao nhất nhằm bảo vệ trẻ em khộng bị bạo hành và xâm hại tình dục.
Việc bảo vệ trẻ em khỏi bạo hành và xâm hại tình dục không chỉ là trách nhiệm của một cá nhân, một gia đình hay một cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội nào, mà đó là trách nhiệm chung của các bộ, ngành liên quan, của cả xã hội, trong đó gia đình đóng vai trò trọng tâm.
Theo ông Nguyễn Bá Sơn – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em hiện nay không còn là vấn đề nữa mà đã trở thành vấn nạn và nỗi đau lớn nhất trong xã hội hiện nay. Trong thời gian qua, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng đã tiếp nhận rất nhiều ý kiến, kiến nghị của nhân dân, cử tri về vấn đề này. Thực sự vấn nạn bạo hành và xâm hại tình dục trẻ em đang là nỗi lo, bức xúc chung người dân, chính quyền và các tổ chức xã hội.