Nỗi lo... rau!

Nỗi lo... rau!

(GD&TĐ) - Làm sao để chọn mua rau không chứa chất độc hại mà hợp với túi tiền luôn là vấn đề được các bà nội trợ đặc biệt quan tâm.

Con đường “rau chợ”

Mỗi sáng sớm ở các chợ lớn, bé, chợ cóc, chợ tạm và cả những gánh hàng rong ở Hà Nội bày bán những loại rau, củ xanh mơn mởn rất bắt mắt. Nhưng người mua khó biết những bó rau tươi xanh đó có nguồn gốc xuất xứ từ đâu, ăn vào có tốt cho sức khỏe hay không? Khi hỏi những người bán rau một chợ ở quận Cầu Giấy thì họ chỉ biết thương lái từ mọi nơi đổ rau về các chợ đầu mối như: chợ Long Biên, Dịch Vọng, Mai Dịch… Sau đó người bán rau lấy về các chợ lẻ, chợ cóc, đem bán cho người dân. Thậm chí gia đình họ cũng ăn luôn và cũng không biết chắc chắn rau có đảm bảo an toàn hay không! Rau, củ không chỉ được thương lái đổ buôn cho các chợ đầu mối mà còn đổ cho các quán cơm, các quán nhậu và chợ có mật người lao động lớn.

Nỗi lo... rau! ảnh 1
Thẩm định chất lượng rau sạch vẫn là bài toán khó với các bà nội trợ.    Ảnh: Huyền Trang

Rau bán ở chợ thường là đổ đống, có cả những loại xuất xứ từ Trung Quốc. Để đảm bảo thu hoạch đúng thời vụ người trồng rau luôn phải phun thuốc bảo vệ thực vật trước một đến ba ngày nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Vì thế thuốc ngấm vào rau và không kịp phân hủy. Do đó, nên khả năng nhiễm độc sẽ rất cao. Những bó rau ở chợ còn tươi rất lâu mà không cần cách bảo quản nào, đó là điều cần phải lưu ý tới người tiêu dùng. Thậm chí rau chợ là những loại rau trồng ở những vùng đất ô nhiễm nặng hoặc ở ao, hồ, sông, ngòi…, những người trồng rau lấy nước tưới từ những con mương đen đầy rác, chất thải, hóa chất.

 Rau sạch có “sạch” thật không

Trái ngược với những bó rau không rõ nguồn gốc xuất xứ ở chợ, có thể mua rau sạch tại các siêu thị, cửa hàng rau có giấy chứng nhận rau an toàn và có nguồn gốc rõ ràng.

Rau ở đây được cung cấp từ những vùng trồng rau sạch nổi tiếng và có đủ các loại rau theo vùng miền như ở: Vân Nội, Văn Đức, Vân Canh, Lĩnh Nam (Hà Nội), các tỉnh như Đồng Nai, Đà Lạt, Mộc Châu, Sa Pa… Rau tại đây cũng có thể được lấy từ những nơi có mô hình sản xuất rau sạch như: Mô hình VIETGAP, sản xuất trên đồng ruộng hoặc canh tác hữu cơ. Ở các siêu thị, cửa hàng rau cũng đã thu mua tận nguồn để đảm bảo mức giá tốt nhất và chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm cho người mua. Tuy thế rau sạch vẫn tiêu thụ rất khó và giá thành còn cao, người mua vẫn tập trung vào rau ở các chợ là phổ biến. Rau sạch còn bị ảnh hưởng mạnh bởi các yếu tố như: điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế xã hội, thu nhập của người dân, thói quen của những người tiêu dùng… Rau tại các siêu thị, cửa hàng thường gấp 2, 3 lần so với rau ở chợ vì thế rất khó thu hút người mua. Ví dụ như: rau bắp cải ở cửa hàng rau sạch là 11.000 VND/1 kg, ở chợ là 6.000 VND/1kg ; mồng tơi cửa hàng bán với giá 15.000 VND/1kg, ở chợ là 8.000 VND/1kg ; cải ngọt trong cửa hàng giá 10.000 VND/1kg, ở chợ 6.000 VND/1kg; rau muống trong cửa hàng là 21.000 VND/1kg, ở chợ là 11.000 VND/1kg… Với mức giá như thế  thì đối tượng khách hàng ở đây là những người có thu nhập từ trung bình trở lên.

Bên cạnh đó, câu hỏi “rau sạch có sạch thật không” vẫn là mối hoài nghi của nhiều người tiêu dùng. Vì thế rất cần sự giám sát nguồn gốc, chất lượng rau sạch ngay tại các cửa hàng rau sạch, siêu thị để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Đa số người tiêu dùng hiện nay không thể phân biệt được giữa rau an toàn với rau không an toàn bằng mắt thường và họ thiếu các phương tiện để kiểm tra độ an toàn của rau. Họ chỉ biết tin tưởng vào các cửa hàng, siêu thị gắn nhãn mác, rõ nguồn gốc và đóng gói đầy đủ hoặc cách phân biệt thông dụng mà mọi người hay làm là chọn mua những loại rau có một ít lá sâu và hạn chế những loại rau lá xanh, tươi tốt.

 Thùy Linh 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ