Nỗi hổ thẹn ghế đẩu lặn

GD&TĐ - Từ nửa cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XIX, Vương quốc Anh tự hào sử dụng thiết bị trừng phạt tên là ghế đẩu lặn để dìm 'phụ nữ lắm lời' xuống nước.

Một chiếc ghế đẩu lặn vẫn còn được giữ đến ngày nay. Ảnh: Smithsonianmag.com
Một chiếc ghế đẩu lặn vẫn còn được giữ đến ngày nay. Ảnh: Smithsonianmag.com

Từ nửa cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XIX, Vương quốc Anh tự hào sử dụng thiết bị trừng phạt mang tên ghế đẩu lặn để dìm “phụ nữ lắm lời” xuống nước. Các buổi trừng phạt thi hành công khai, có đông đảo người tụ tập đứng xem.

Áp chế và làm nhục

Năm 1809, tại Leominster, Jenny Pipes bị áp giải đến ghế đẩu lặn được lắp đặt trên sông Kenwater vì tội… lắm lời, hay mắng mỏ và nói xấu chồng.

Ghế đẩu lặn (ducking stool) là chiếc ghế được đóng bằng gỗ, gắn trên trụ bập bênh đặt sát mép sông, hồ… và nằm ở phía giáp với mặt nước. Theo các tư liệu lịch sử của Anh, ghế đẩu lặn có từ thế kỷ XIII, được sử dụng như công cụ trừng phạt dành riêng cho phụ nữ nếu phạm phải các tội như lắm lời, ngoại tình, có con ngoài giá thú, mại dâm…

Mặc dù có từ rất sớm nhưng, phải đến nửa cuối thế kỷ XVI, ghế đẩu lặn mới bị lạm dụng. Phụ nữ Anh quốc, cho dù chỉ phạm tội vặt vãnh, cũng bị áp giải đến ghế đẩu lặn, trói chặt trên ghế và dìm nhiều lần cho đến khi chịu nhận lỗi, hứa không tái phạm mới thôi.

Chị Pipes là người cuối cùng bị trừng phạt bằng ghế đẩu lặn. Trước đám đông đứng chật bờ hồ, chị bị kết án “vi phạm nguyên tắc đạo đức” và ép buộc phải nhận lỗi. Vốn tính nóng nảy, Pipes gào thét chửi bới những kẻ bắt lỗi chị điên cuồng. Đám đông càng lúc càng giận dữ và để xoa dịu họ, thẩm phán ra lệnh dìm chị Pipes xuống nước.

Trong lịch sử của ghế đẩu lặn, có vô số phụ nữ Anh phải chịu hình phạt giống như chị Pipes. Chỉ cần bị phán xét là “người phụ nữ khó bảo”, họ lập tức bị giải đến ghế đẩu lặn, công khai sỉ nhục và áp chế trước mặt mọi người.

“Ghế đẩu lặn là chỗ ngồi ô nhục, nơi phụ nữ phải để đầu trần và đi chân đất, chịu đựng sự chế nhạo vô lý từ những kẻ không biết gì về mình”, một nhà văn sống trong thế kỷ XVIII chỉ trích. Dù vậy, chính quyền địa phương các nơi có vẻ rất thích chiếc ghế trừng phạt này.

Tại quận Barnsley ở Nam Yorkshire, ghi chép chi tiêu của giáo xứ cho thấy có đến 9 lần sửa chữa 2 chiếc ghế đẩu lặn trong khoảng từ năm 1703 – 1737 (bị hư hại vì sử dụng quá nhiều). Các thị trấn, làng mạc tự hào lắp đặt ghế đẩu lặn ở nơi dễ thấy nhất và cạnh tranh với nhau về số phụ nữ bị trừng phạt.

Phần lớn nạn nhân của ghế đẩu lặn là những phụ nữ nghèo, tính tình bộc trực. Ảnh: Allthatsinteresting.com

Phần lớn nạn nhân của ghế đẩu lặn là những phụ nữ nghèo, tính tình bộc trực. Ảnh: Allthatsinteresting.com

Vô hiệu và đáng thẹn

“Trước thế kỷ XIX, lắm lời bị xem là hành vi gây rối, phân loại theo 2 mức độ: Lắm lời vừa phải và lắm lời thái quá”, nhà sử học James Sharpe cho biết. Lắm lời vừa phải là chỉ thỉnh thoảng la mắng, chửi bới còn lắm lời thái quá là thường xuyên la mắng, chửi bới.

Phụ nữ lắm lời là người “có hành vi gây rối” nên, nếu bị những người xung quanh tố cáo, họ phải đối mặt với trừng phạt. Dấu hiệu bị kết tội cũng là chiếc ghế đẩu, nó được đặt trước cửa nhà người phụ nữ lắm lời vào buổi sáng.

Cuối tháng 4/1745 tại thị trấn Kingston bên bờ sông Thames, chị Mary Stemp bị trói trên ghế đẩu lặn lắp đặt tại cầu Kingston trước sự chứng kiến của đám đông 2 - 3 nghìn người.

Theo tờ London Buổi tối, chị là người quản lý quán rượu Queen's Head, bị kết tội lắm lời thái quá. Trước khi bị trói lên ghế đẩu lặn, chị Stemp còn bị lột bỏ đồ lót. Thẩm phán vừa hét to tội trạng của chị, vừa ra lệnh dìm chị xuống dòng nước sông vô cùng ô nhiễm đang chảy qua London.

Khi bị trừng phạt bằng ghế đẩu lặn, phụ nữ có 3 xu hướng: Sợ hãi nhận tội, im lặng hoặc phản kháng. “Ghế đẩu lặn không chỉ là một hình thức sỉ nhục công khai mà còn là phương tiện răn đe”, nhà sử học Sharpe cho biết. Nếu người phụ nữ bị trừng phạt không chịu nhận lỗi và hứa sửa sai, họ sẽ bị đám đông mắng chửi, dìm nước cho đến khi không còn phản kháng nữa.

Trong lúc người phụ nữ bị trừng phạt, thân nhân và đặc biệt là chồng của họ cũng đứng ở bên cạnh. Ai cũng một mực khuyên nhủ người phụ nữ nên nhận tội, vì nếu họ không làm thế, đối tượng tiếp theo phải ngồi lên ghế có thể chính là chồng của họ.

Thời kỳ “thịnh vượng” của ghế đẩu lặn rất dài, từ năm 1550 – 1700, trùng hợp với giai đoạn đầu hiện đại, khi các cộng đồng dân cư Anh gia tăng dân số mạnh và luôn trong tình trạng cạnh tranh công việc, tài nguyên vì sinh kế. Hầu hết nạn nhân của ghế đẩu lặn là những phụ nữ nghèo, vì phải vật lộn giành giật lấy miếng ăn nuôi gia đình nên mới chẳng đặng đừng mà to tiếng với người khác.

Mặc dù chỉ mang tính chất là “hình thức trừng phạt nhẹ nhàng”, ghế đẩu lặn vẫn có lần gây chết người. Vào năm 1731 tại Nottingham, Thị trưởng Thomas Trigge đã cho phép đám đông người đứng xem được phép điều khiển ghế đẩu lặn và họ đã quá khích dìm chết người phụ nữ bị trói trên ghế.

Quay trở lại với câu chuyện của chị Pipes, chị là công nhân dệt len, điều kiện tài chính eo hẹp. Theo lời kể từ các cư dân nơi chị Pipes sống, chị đã bất chấp bị dìm mà tiếp tục gào thét, chửi bới các thẩm phán đến cùng. “Thực ra, nguyên nhân chính khiến phụ nữ bị trừng phạt không phải tội lắm lời, mà là vì họ dám thách thức quyền lực gia trưởng và quyền lực tư bản”, nhà nghiên cứu văn hóa Jilly Kay chỉ ra.

“Có rất nhiều tư liệu ghi chép, phụ nữ bị trừng phạt bằng ghế đẩu lặn đã la hét, chửi bới ngay sau khi được nâng lên khỏi mặt nước. Nhìn chung, ghế đẩu lặn chỉ khiến họ phẫn nộ hơn”, ông Kay chỉ ra.

Năm 1671 tại Wakefield, chị Jane Farrett lên ghế đẩu lặn tận 3 lần. Năm 1694 tại Leeds, chị Anne Saul tiếp tục tái phạm tội lắm lời sau khi bị trừng phạt. Năm 1817 tại Leominster, chị Sarah Leeke không thể bị dìm vì… mức nước quá thấp.

Ngày nay, Anh quốc vẫn còn khá nhiều ghế đẩu lặn được giữ lại. Chúng đóng vai trò như “bằng chứng của nỗi đau đớn và thống khổ mà kẻ mạnh đã gây ra cho người yếu” và lời van xin hãy tha thứ.

Theo smithsonianmag.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.