Nỗi đau không thể mang ... “vòng“

GD&TĐ - Vòng tránh thai là phương tiện "chống vỡ kế hoạch" được nhiều chị em tin dùng nhất vì độ an toàn cao. Thế nhưng, không phải phụ nữ nào cũng có thể sử dụng biện pháp kế hoạch hóa phổ biến này.

Nỗi đau không thể mang ... “vòng“

Chị Tâm (Hai Bà Trưng, Hà Nội) trong hai năm đã phải phá thai 4 lần cũng chỉ vì không thể đặt vòng. Nỗi ám ảnh khủng khiếp này nhiều khi khiến chị luôn gặp những cơn ác mộng, cơ thể hao mòn.

Chị Tâm kể: Mình lấy chồng muộn, có con cũng muộn, 34 tuổi mới có thai cháu đầu. Vì con đầu nên cẩn trọng lắm, kiêng cữ đủ cả. Nhưng có lẽ kiêng kỹ quá, lại là dân văn phòng ngồi suốt ngày nên khó đẻ. 

Đúng tuần thứ 41, hai vợ chồng làm thủ tục nhập viện để chờ đẻ cho yên tâm nhưng vài ba ngày nằm viện không hề có dấu hiệu gì, dù ngày dự sinh đã qua. Nằm viện đúng một tuần thì bác sĩ bắt lên bàn mổ gấp vì tim thai có vấn đề. Thế là mình sinh con đầu tiên bằng đẻ mổ, dù trong thâm tâm vẫn cố để có thể đẻ thường.

Con gái đầu được 2 tuổi, chị Tâm lại tiếp tục dính bầu. Lần này, do thai quá lớn nên bác sĩ tiếp tục chỉ định phải sinh mổ. Sau khi con được gần một tuổi, chị đến phòng khám đề nghị được đặt vòng thì được được bác sĩ khuyên không nên sử dụng biện pháp tránh thai này do hai lần đẻ mổ và tử cung lại ngả sau nên có thể gây nguy hiểm.

Cũng chính vì không thể mang vòng mà chị liên tục bị vỡ kế hoạch. 4 lần phá thai trong hai năm liên tục, chị Tâm bị ám ảnh tâm lý nặng nề.

Hỏi vì sao không dùng thuốc tránh thai thì được chị tâm sự: Khổ là mình không thể uống thuốc được vì đang điều trị nhược giáp nên bác sĩ khuyên không nên uống cùng thuốc tránh thai. Dùng bao cao su thì ông xã không chịu. Chị em phụ nữ thực khổ quá!

Không ít phụ nữ có cùng nỗi khổ như chị Tâm. Minh - cán bộ ngân hàng là gương mặt quen thuộc của một phòng khám chữa vô sinh ở Hải Phòng. Cô cho biết, mình phải đi khám giấu chồng vì không đủ dũng cảm cho anh biết sự thật.

Vốn là khoa khôi của khoa, Minh từng nổi tiếng một thời vì được nhiều công tử nhà giàu săn đón và thay người yêu như thay áo. Thế nhưng, hậu quả từ những chuyến đi du lịch đắt tiền là ba lần mang thai rồi bỏ. Lúc đó, cô chẳng suy nghĩ gì nhiều ngoài nỗi lo duy nhất là ... sợ đau. Để an tâm với những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng, cô sinh viên năm cuối đã chọn giải pháp đặt vòng tại một phòng khám tư.

Không ngờ, đặt vòng được một thời gian ngắn thì thấy bụng đau dữ dội. Đi khám tại bệnh viện phụ sản trung ương, cô ngã ngửa khi biết tin mình bị viêm vòi trứng. Chính chiếc vòng đã khiến cô bị nhiễm trùng nặng hơn. Cũng chính hôm đó, cô đón nhận tin sét đánh từ bác sĩ: Bệnh của cô sẽ rất khó có con.

Từ đó, cô thay đổi cách sống và trở về quê xin việc sau khi tốt nghiệp, bỏ hẳn ý định trụ lại Hà Nội. Vì xinh xắn, chỉ hai năm sau khi ra trường, cô đã có một đám cười ngọt ngào với người chồng khá thành đạt. 

Chỉ có điều lấy nhau đã khá lâu nhưng cô vẫn chưa có bầu. Giấu chồng, Minh tự mình tìm hiểu, lặn lội đến các bệnh viện, phòng khám nổi tiếng để chạy chữa với hy vọng hạnh phúc sẽ mỉm cười với mình.

Vòng tránh thai là biện pháp tránh thai hiệu quả cao có thể áp dụng rất rộng rãi. Nhưng một số trường hợp sau đây cần tránh

Tuyệt đối:

- Có thai hay nghi ngờ có thai.

- Viêm nhiễm đường sinh dục.

- Xuất huyết tử cung bất thường chưa rõ nguyên nhân.

- Viêm niêm mạc tử cung sau khi sanh hay sau phá thai nhiễm trùng trong 3 tháng gần đây.

- Bệnh ác tính đường sinh dục.

Tương đối:

- Chưa có con.

- Tiền sử thai ngoài tử cung, tái tạo tai vòi.

- Rối loạn đông máu.

- Bất thường về tâm thần cản trở việc theo dõi vòng

- Bệnh van tim.

- Lạc nội mạc tử cung.

- U xơ tử cung.

- Sa sinh dục độ II, III.

- Nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường sinh dục cao.

- Tiền sử dị ứng đồng, bệnh Wilson, bất thường trong hấp thu chuyển hoá đồng.

BS Dương Phương Mai

Khoa KHHGĐ – BV Từ Dũ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Lạc quan xây hạnh phúc

GD&TĐ - Chị đang lúi húi dưới bếp chuẩn bị bữa cơm chiều, nghe tiếng gọi hoảng hốt của mấy đứa nhỏ đang chơi ngoài ngõ vội chạy ra.