Nơi đất khát hiếu học

Nơi đất khát hiếu học

(GD&TĐ) - Từ trung tâm tỉnh Lào Cai, con đường ngoằn nghèo theo những trái núi cao sừng sững đưa chúng tôi đến với Si Ma Cai, nơi từ lâu được coi là nơi khó khăn nhất của tỉnh và cả nước. Nơi sơn thẳm này, trong nhiều năm qua, hành trình không mệt mỏi để ấm lòng con chữ nơi đây vẫn được thầy và trò Si Ma Cai vượt qua. Con chữ được bừng lên nơi miền đất xa lắc này.

Nơi miền đất khát !


Si Ma Cai là một huyện vùng cao biên giới, có địa hình bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi và khe núi đan xen nhau. Là một huyện nghèo với 13 dân tộc anh em sinh sống, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 99%. Con người Si Ma Cai nhân hậu, thật thà, trung thực, thông minh có chí tiến thủ, có lòng yêu quê hương đất nước. Đây cũng là một miền quê nghèo khó nhất của tỉnh. Với địa hình núi cao, khí hậu khắc nghiệt nên vùng đất này cũng không lấy gì làm thuận lợi cho con người và con chữ nơi đây. Đặc biệt, ở Si Ma Cai, mùa đông cũng như mùa hè, tình trạng thiếu nước diễn ra liên miên, điều đó làm cho cuộc sống của người dân nơi đây còn gặp vô vàn những khó khăn.

Nơi đất khát hiếu học ảnh 1
Trường THPT số 2 Si Ma Cai ngôi trường xa trung tâm và còn nhiều khó khăn

Một thầy giáo công tác nhiều năm ở Si Ma Cai, xã Sín Chéng tâm sự : «  Ở đây thiếu nước sạch lắm, chúng tôi phải xuống suối lấy nước là thường xuyên ». Qua thầy giáo chúng tôi được biết, mặc dù nhà nước cũng đã đầu tư xây bể chứ nước song bể vẫn để khô nhiều ngày vì không có nguồn nước dẫn về. Vì vậy, dùng nước sạch ở đây phải hết sức tiết kiệm thì mới đủ được. Thầy giáo trẻ nhoẻn miệng cười trêu chúng tôi : « Ở đây bọn em nhiều hôm phải uống rượu thay nước đấy anh ạ ! ». Tuy là câu nói bông đùa nhưng chúng tôi đủ hiểu rằng nước sạch nơi đây vẫn là niềm mong đợi của người dân.

Chiều chiều, chúng tôi thường gặp những tốp học sinh ở bán trú, nội trú dẫn nhau ra suối tắm và giặt giũ quần áo. Mùa đông ở Si thì lạnh thấu sương, mây mù u ám làm cho không gian âm u lạnh lẽo. Những con đường đi tới các nhà trường thì ghồ ghề, đá lọc cọc. Sự học ở đây vẫn diễn ra trong cái « khát » từ bao lâu nay.

Là vùng đất có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên con em, học sinh là người dân tộc chiếm đa số. Do vậy, những năm trước đây, việc học chữ ở những bản làng nghèo khó vẫn chưa được người dân chú trọng quan tâm nên tình trạng học sinh bỏ học hay không đến trường trong độ tuổi còn diễn ra phổ biến.

Kể về điều này, thầy giáo Phạm Thanh Dương- Hiệu trưởng trường THPT số 1 Si Ma Cai cho biết: Để học sinh đến trường đều đặn, nhà trường phải thường xuyên chỉ đạo các thầy cô chủ nhiệm quan tâm đến sự chuyên cần của học sinh và nếu có học sinh bỏ học thì phải đi vận động ngay. Thầy Dương còn cho biết để đi được tới nhà học sinh không phải là một việc dễ vì nhà các em ẩn sâu trên núi nên rất khó.

Từ đặc thù ấy, khắc phục những khó khăn thiếu thốn, các thầy cô giáo của các nhà trường vẫn phải thường xuyên « sắn quần » lội suối để đến vận động học sinh, tuyên truyền cho dân hiểu được ích lợi của việc học tập. Với quyết tâm « Đi tận ngõ, gõ tận nhà », nhiều học sinh ở Si Ma Cai đã được đến trường đúng độ tuổi.

Nơi đất khát hiếu học ảnh 2
Bữa ăn của học trò vùng cao Si Ma Cai còn gặp nhiều khó khăn

Học trò nghèo nên điều đầu tiên là các em nghĩ đến làm sao no bụng được chứ chưa nghĩ đến học chữ. Đó là điều chúng tôi cảm nhận được khi đến với miền đất đầy nắng gió này. Qua tiếp xúc với các thầy cô giáo ở đây, chúng tôi mới hiểu được rằng để bàn chân nhỏ bé của học sinh đến được với con chữ thì cần có sự chung tay của nhiều lực lượng nào là nhà trường, gia đình, sự quan tâm của chính quyền địa phương và nhà nước. Điều đó sẽ giúp các em vững tâm hơn khi đến trường.

Nhiều thầy cô đã dốc lòng để giúp đỡ học sinh, giúp các em ổn định được cuộc sống ngay tại những khu bán trú. Cô giáo Vi Thị Huế dạy văn ở trường cấp 3 số 1 Si Ma Cai thường chia sẻ với học trò mình bằng những đồng tiền ít ỏi, những mớ rau, con cá khô...cho các em có được bữa ăn đạm bạc. Không chỉ riêng cô Huế mà nhiều thầy cô giáo khác ở Si cũng như vậy.

Hành trình đưa con chữ về !


Là một vùng đất khó khăn nên việc đưa con chữ về Si Ma Cai không phải là điều dễ dàng trong một sáng một chiều. Mà đó là cả một hành trình không ngưng nghỉ của chính quyền địa phương, của đội ngũ các thầy cô giáo nhiệt tâm trồng người và nhân dân các xã.

Ngay từ những ngày đầu mới được thành lập, việc học chữ ở Si Ma Cai đã được quan tâm. Khi ấy, khu vực Si Ma Cai chỉ có lác đác một số lớp học bình dân xoá mù chữ và lớp bổ túc văn hoá được hình thành ở xã.

Năm 1959 Bộ GD&ĐT cử 19 thầy cô giáo ở các tỉnh miền xuôi lên dạy học ở Bắc Hà, trong đó một số thầy cô được phân công lên dạy học ở 4 xã thuộc khu vực huyện Si Ma Cai ngày nay. Các lớp học phổ thông tiểu học được tổ chức tại thời điểm này.

Giai đoạn từ năm 1967-1979 mạng lưới trường học đã được xây dựng ở cả 17 xã của huyện, hệ thống trường tập trung như: Trường phổ thông lao động, thanh niên dân tộc, thiếu nhi miền núi cũng được thành lập. Tuy nhiên các trường phổ thông chủ yếu vẫn là bậc Tiểu học, toàn huyện chỉ có 1 trường cấp 2 Si Ma Cai. Khi ấy, những xã như Lùng Sui, Sán Chải, Nàn Sán, Bản Mế, Sín Chéng, Nàn Sín dân còn thưa thớt nên việc học chữ cũng còn gặp nhiều khó khăn.

Khu nội trú dân nuôi ở Si Ma Cai
Khu nội trú dân nuôi ở Si Ma Cai

Sau chiến tranh biên giới và những năm của thập kỷ 80 số lượng giáo viên giảm nhiều, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp và tỷ lệ chuyên cần thấp. Nhiều đơn vị trường cấp 1 không duy trì được hoàn chỉnh đủ từ lớp 1 đến lớp 5. Năm học 1989 – 1990 chỉ có duy nhất 1 đơn vị trường phổ thông xã Sín Chéng là có học sinh lớp 5 tốt nghiệp tiểu học, năm học 1991 – 1992 có tới 4/13 xã thuộc huyện Si Ma Cai trắng về giáo dục thiếu giáo viên. Tháng 11/1990 trường phổ thông dân tộc nội trú số 2 Bắc Hà được thành lập đặt tại xã Si Ma Cai, ban đầu có 2 lớp với 43 học sinh chỉ duy trì dạy học ở cấp tiểu học tuyển sinh cho 13 xã thuộc huyện Si Ma Cai bây giờ.

Nhu cầu học tập ngày càng gia tăng hướng đến cấp THPT, năm 2004 trường THPT số 1 Si Ma Cai được thành lập. Đến năm 2007 trường THPT số 2 Si Ma Cai được thành lập và được đặt tại xã Sín Chéng. Những ngày đầu, khi các nhà trường được mở ra ở Si Ma Cai, cơ sở vật chất còn thiếu thốn và khó khăn. Nhà tranh, vách nứa, đường đi chưa được trải nhựa mà ghồ ghề đá ong cộng với điều kiện sống của học trò làm cho việc dạy chữ ở đây còn nhọc nhằn, gian nan. Khi nhớ lại những ngày đầu ấy, nhiều nhà giáo đã từng và đang công tác ở Si Ma Cai không khỏi rùng mình về chặng đường đã qua.

Lễ khai giảng năm học mới ở Cán Cấu Si Ma Cai
Lễ khai giảng năm học mới ở Cán Cấu Si Ma Cai

Vượt qua những khó khăn, thầy cô giáo ở Si Ma Cai đã nặng lòng với đất và học trò nơi này, nhiều người đã tình nguyện « cắm bản » dạy học ở Si lâu năm rồi xây dựng gia đình, làm nhà luôn ở đó. Đến nay toàn huyện đã có 10 đơn vị trường học đạt chuẩn quốc gia. ngoài ra công tác xã hội hoá giáo dục cũng được chú trọng. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng nhân dân vẫn đóng góp những gì mình có cho giáo dục, từ tre, vầu, gỗ ván... để làm trường đến ngày công, nhặt đá làm sân trường. Mô hình nội trú dân nuôi được củng cố và không ngừng phát triển, hàng năm nhân dân đóng góp được từ 65 – 70 tấn cả ngô và thóc cho học sinh ăn vào mùa giáp hạt để học sinh yên tâm học tập, không bỏ học.

Chia tay Si Ma Cai khi cái lạnh đang sà dần xuống những bản nhỏ và những ngôi trường nằm cheo leo bên những sườn núi mà lòng chúng tôi thấy ấm lại. Chiếc xe đưa tôi dần xa Si Ma Cai, không ngoảnh lại nhưng chúng tôi cũng cảm nhận được phía sau mình là nơi con chữ đang bừng lên từng ngày, sự học nơi đây tuy còn nhiều nhọc nhằn nhưng với sự nỗ lực của chính quyền, nhân dân, của thầy và trò, con chữ ở Si Ma Cai sẽ được ấm áp hơn và vươn xa hơn.

Nguyễn Thế Lượng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ