Con lớn lên trong một gia đình nông dân. Bố là bệnh binh, mình mẹ gánh vác nuôi ba chị em ăn học. Có lúc con thấy tủi thân lắm khi bộ quần áo cũ cứ mặc đi mặc lại.
Con thấy nhục lắm khi mình không có nổi một đôi dép đàng hoàng để xỏ vào hay cái cặp sách lành lặn để đến trường. Con nghỉ học liên miên để đẩy xe măng lên chợ cho mẹ bán.
Mùi măng vương vào áo con, thoang thoảng khắp lớp, các bạn phải bịt mũi lại nhăn nhó.
Thầy nói với cả lớp: “Với thầy lúc này, cái mùi măng kia rất thơm”. Con rơm rớm nước mắt ngước lên nhìn thầy. Thầy khẽ cười hiền gật đầu.
Thầy đến nhà con chơi, nhìn căn nhà lụp xụp, thầy động viên: “Có thể con không có quần áo đẹp như các bạn nhưng thầy tin con có nghị lực hơn người”.
Chỉ vậy thôi mà con ghi nhớ mãi. Con tranh thủ học mọi lúc mọi nơi, kể cả khi ngồi trông hàng trên chợ cho mẹ. Thi thoảng thầy lại cho con mấy cuốn sách: “Con cứ giữ lại mà dùng, đằng nào thầy cũng đọc rồi”.
Rồi năm con học lớp 10, bố mẹ con bảo: “Phải nghỉ học thôi con”. Con khóc như mưa. Nhớ lời thầy: “Phải học để có cái nghề mà sống”.
Con thèm được đến trường, thèm được nghe thầy giảng bài, con nhớ thầy, nhớ bạn, nhớ trường lớp lắm. Nhưng con chẳng thể làm khác. Con chẳng có tiền để đóng học phí. Thầy lại đến nhà con. Thầy thuyết phục bố mẹ cho con đi học trở lại.
Một ngày, rồi hai ngày, ba ngày... cho đến hơn một tuần sau, bố mẹ con mới đổi ý. Thầy mừng lắm. Lẽ ra người vui phải là con, nhưng nhìn gương mặt thầy, ánh mắt thầy, con biết thầy còn vui hơn cả con.
Con đi học trở lại. Thầy kêu gọi lớp đóng góp để giúp đỡ con. Cầm những đồng tiền lẻ, hơi nhàu mà thầy quyên góp được, con không ngăn nổi dòng nước mắt.
Rồi ba năm THPT cũng trôi qua, ngày biết tin con đỗ Trường ĐH Sư phạm 1 Hà Nội, con khóc, thầy cũng khóc. Con muốn làm một cô giáo mẫu mực và tận tâm như thầy! Trước khi lên đường con có đến nhà thầy (cách 13 cây số) để chào thầy.
Thầy nắm tay con: “Ra thành phố con phải học sao cho xứng đáng với công lao của bố mẹ con nhé”. Con nghẹn ngào khi thầy đã mua sẵn cho con cái nồi cơm điện và lời dặn dò: “Thầy tin con sẽ thành công”.
Con đã từ chối không dám nhận quà, thầy nghiêm mặt: “Con không nhận nghĩa là con chê”. Con chào thầy ra về mang theo rất nhiều cảm xúc.
Nhiều lúc gặp khó khăn, con lại nhớ đến lời thầy: “Đừng buông xuôi con à, chỉ cần cố gắng thì tương lai luôn rộng mở với con. Mọi sự cố gắng luôn được đền đáp xứng đáng, con cứ nghiệm mà xem”. Con nhìn nồi cơm điện thầy mua cho, tự nhắc nhở mình phải cố gắng.
Giờ đã trở thành cô giáo, cũng ngày ngày đứng trên bục giảng, con muốn nói với thầy rằng: “Con cảm ơn vì thầy đã cho con biết rằng mùi măng rất thơm. Cái nồi cơm điện thầy cho, hơn chục năm rồi con vẫn còn giữ. Con sẽ tận tâm với học trò để xứng đáng với tình thương của thầy”.