“Phủ sóng” tiếng Trung
Sự phổ biến học tiếng Trung với tốc độ quá nhanh là phát hiện đáng chú ý nhất trong nghiên cứu của Tiến sĩ Dan Davidson, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Quốc tế Mỹ - cơ quan thực hiện nghiên cứu.
Nghiên cứu mang tên “Học ngoại ngữ ở bậc phổ thông quốc gia 12 năm” cho thấy có tổng cộng 10,6 triệu học sinh Mỹ từ mẫu giáo đến lớp 12 đang học 1 ngoại ngữ, chiếm khoảng 20% tổng số học sinh Mỹ.
Trong số này, có 227.086 em đang học các lớp tiếng Trung, chỉ đứng sau số học sinh học tiếng Tây Ban Nha (7,36 triệu), học tiếng Pháp (1,29 triệu) và tiếng Đức (gần 331.000).
Cách đây 10 năm, những trường có dạy tiếng Trung chủ yếu là ở bờ Đông và bờ Tây Mỹ. Nhưng giờ đây, cả những trường ở khu vực trung tâm như các bang Ohio và Illinois ở vùng Trung Đông, Texas, Gieogia tại miền Nam và Colorado, Utah ở vùng núi đá phía Tây cũng bắt đầu mở các chương trình tiếng Trung. Điều đặc biệt là những vùng này cũng chẳng hề có đông cộng đồng người Hoa sinh sống.
Nghiên cứu cho thấy, tiếng Tây Ban Nha là ngoại ngữ được dạy rộng rãi nhất tại tất cả 50 bang của Mỹ và Washington D.C. “Tuy nhiên chúng tôi nhận thấy, số người Mỹ học tiếng Trung tăng với tỉ lệ nhanh nhất, với mức gấp đôi từ 2009 - 2015 - khi nghiên cứu được thực hiện” – Davidson cho biết và ước lượng con số hiện tại cao hơn và xu hướng tăng vẫn đang tiếp diễn.
Davidson cũng cho rằng, sự quan tâm đến tiếng Trung không giống với những ngoại ngữ khác khi mà không chỉ học sinh mà cả phụ huynh, giáo viên, cộng đồng đều quan tâm tới tiếng Trung. “Họ nhận biết sự quan trọng của tiếng Trung trong tương lai” – Davidson nói.
Đảo ngược xu hướng “ngại học ngoại ngữ”
Một nghiên cứu của Chính phủ Mỹ cách đây 5 năm cho thấy, hàng nghìn trường công lập đã ngừng dạy môn ngoại ngữ trong 1 thập kỉ trước đó. Điều này tạo nên lo ngại công dân Mỹ khó hội nhập quốc tế và sẽ kém cạnh tranh trong đàm thoại kinh tế, ngoại giao… Tuy nhiên, tiếng Trung lại là nhân tố giúp đảo ngược xu hướng này. Trong khi nhiều ngoại ngữ lẳng lặng xoá sổ thì nhiều trường ở Mỹ đua nhau mở lớp học tiếng Trung. Các trường có thể tự mở lớp nhờ huy động nguồn lực xã hội hoá. Trào lưu này được Trung Quốc hỗ trợ bởi Trung Quốc cũng coi đây là cơ hội phổ biến văn hoá Trung Quốc ra phương Tây, coi đây là “sức mạnh mềm” vươn ra quốc tế. Trung Quốc gửi giáo viên bản ngữ và sẵn sàng trả cả lương cho số giáo viên biệt phái này.
Nhu cầu cao đang đặt ra nhưng thách thức cho việc dạy tiếng Trung có chất lượng. Rất khó để tìm được 15.000 giáo viên có bằng cấp dạy tiếng Trung trong những năm tới và để đạt được điều này cần sự trợ giúp của chính phủ Trung Quốc – Davidson khuyến nghị.
Bình luận