Nỗ lực 'trả lại tên' cho các anh

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Những năm qua, các đơn vị chức năng tỉnh Quảng Trị nỗ lực không ngừng trong việc xác minh, giám định ADN để 'trả lại tên' cho các Anh hùng liệt sĩ.

Tại 72 nghĩa trang liệt sĩ ở trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn còn rất nhiều phần mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin.
Tại 72 nghĩa trang liệt sĩ ở trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn còn rất nhiều phần mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin.

Hàng trăm gia đình đã tìm được người thân

Có những cuộc tìm kiếm phần mộ liệt sĩ tưởng chừng rơi vào vô vọng, bất lực, nhưng rồi may mắn đã có cái kết nghẹn ngào, giúp yên lòng người ra đi, ấm lòng người ở lại nhờ vào sự nỗ lực của những cơ quan, ban, ngành liên quan.

Minh chứng cho hành trình gian nan kể trên là câu chuyện tìm kiếm mộ liệt sĩ Võ Ngọc Lần (SN 1940, quê quán ở thôn Hồng Tân, xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) vừa khép lại vào hồi đầu tháng 5/2022 tại Quảng Trị.

Sau 54 năm đằng đẵng kiếm tìm, ngày 6/5/2022, hài cốt liệt sĩ Võ Ngọc Lần đã được gia đình di dời từ Quảng Trị về lại quê nhà an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh) trong niềm vui, hạnh phúc vỡ òa của người thân, bạn bè, làng xóm.

Theo bà Võ Thị Thu – cháu của liệt sĩ Võ Ngọc Lần cho hay, liệt sĩ Võ Ngọc Lần nhập ngũ ngày 10/10/1964 thuộc đơn vị D3, E7, B5. Trong quá trình tham gia kháng chiến chống đế quốc Mỹ tại chiến trường Quảng Trị, liệt sĩ Võ Ngọc Lần đã chiến đấu và hy sinh anh dũng vào ngày 13/9/1968 tại huyện Gio Linh và được đơn vị, đồng chí, đồng đội mai táng tại đây. Năm 2019, liệt sĩ Võ Ngọc Lần được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Gio Linh nhưng nằm trong diện “mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin”.

“Nhờ sự giúp đỡ nhiệt thành của Sở LĐ-TB&XH, các ban, ngành của tỉnh Quảng Trị cũng như huyện Gio Linh, năm 2022, gia đình tôi đã lấy mẫu sinh phẩm, sau đó làm hồ sơ rồi gửi đi xét nghiệm ADN. Vào tháng 3/2022, gia đình tôi đã nhận được kết quả hài cốt liệt sĩ Võ Ngọc Lần là cùng huyết thống với người thân trong gia đình.

Đến ngày 5/5/2022, gia đình và họ tộc đã vào Nghĩa trang liệt sĩ huyện Gio Linh với nguyện vọng được di dời liệt sĩ Võ Ngọc Lần về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Can Lộc để gia đình thuận tiện trong việc hương khói cho liệt sĩ.

Nguyện vọng ấy, đã được các cơ quan, đơn vị liên quan của tỉnh Quảng Trị cho phép và tạo điệu kiện thuận lợi nhất cho gia đình tôi”, bà Thu kể.

Hay như trường hợp trả lại tên cho mộ liệt sĩ Nguyễn Hiền Yên quê ở Hà Nội, hy sinh ngày 2/6/1972 tại xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Do không có sơ đồ, tọa độ, điểm cao mai táng và chưa tìm được đồng đội nên gia đình của liệt sĩ đã nhiều lần vào Quảng Trị tìm kiếm mộ liệt sĩ đều không có kết quả.

Trải qua rất nhiều năm, nhờ sự giúp đỡ của người dân địa phương, rồi các cựu chiến binh, cơ quan chức năng, gia đình mới tìm được chính xác vị trí liệt sĩ Nguyễn Hiền Yên hy sinh.

Đến khi khai quật phần mộ liệt sĩ, với sự hỗ trợ của ngành LĐ-TB&XH, nhân thân của liệt sĩ đã gửi mẫu sinh phẩm để xét nghiệm ADN và rồi nhận được kết quả cùng huyết thống. Nước mắt mừng vui ngày đoàn tụ của người thân liệt sĩ Nguyễn Hiền Yên đã rơi sau bao năm tháng ròng rã kiếm tìm.

Các đoàn viên, thanh niên thắp hương tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Cam Thủy (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị).

Các đoàn viên, thanh niên thắp hương tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Cam Thủy (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị).

Nghĩa cử tri ân những người hy sinh vì Tổ quốc

Tại tỉnh Quảng Trị hiện có 72 nghĩa trang liệt sĩ với tổng số trên 54.000 mộ liệt sĩ của tỉnh cùng nhiều địa phương trong cả nước và có trên 7.000 mộ liệt sĩ là con em của địa phương do gia đình liệt sĩ có nguyện vọng chôn cất ở nghĩa trang gia đình, họ tộc… Từ năm 1988 đến nay, tỉnh đã quy tập, truy điệu và an táng 8.953 mộ liệt sĩ, trong đó: 5.421 mộ liệt sĩ quy tập tại nước bạn Lào; thực hiện đính chính thông tin trên bia mộ liệt sĩ 1.295 mộ; thực hiện lấy 718 mẫu ADN giám định xác định danh tính liệt sĩ; xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp thực chứng 242 mộ liệt sĩ; di chuyển 1.696 mộ liệt sĩ về quê an táng.

Đối với các cán bộ, chuyên viên Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị công tác trả lại tên cho các liệt sĩ vừa là nhiệm vụ chính trị quan trọng, đồng thời như là một nghĩa cử tri ân với các Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Theo anh Lê Xuân Hà, chuyên viên Phòng Người có công, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị, việc lấy mẫu sinh phẩm để giám định ADN là nhiệm vụ cấp bách cũng là việc làm nhân văn để trả lại tên tuổi, quê hương bản quán cho các Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì đất nước.

Việc lấy mẫu sinh phẩm để giám định ADN hài cốt liệt sĩ cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng thời gian qua, ngành LĐ-TB&XH đã nỗ lực không ngừng để “trả lại tên” cho những phần “mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin”.

Để nói rõ hơn công việc này, anh Hà dẫn chứng thêm về việc xác định danh tính 36 hài cốt liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Gio Linh.

Trong 36 mẫu sinh phẩm gửi Cục Người có công, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị giám định ADN, đến ngày 5/8/2021, Viện Pháp y quốc gia, Bộ Y tế có kết quả xét nghiệm ADN số 80/21/NCC - ADN thông báo mẫu hài cốt liệt sĩ thì chỉ có 8/36 mẫu hài cốt liệt sĩ được xác định danh tính bởi có liên quan huyết thống dòng mẹ với người thân trong gia đình.

Ngày 26/10/2021, Sở LĐ-TB&XH đã có Công văn số 2256/SLĐTBXH-NCC về việc thông báo kết quả giám định ADN tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Gio Linh chuyển nội dung Công văn số 1250/NCC-STTLS của Cục Người có công, Bộ LĐ-TB&XH kèm theo kết quả xét nghiệm ADN của Viện Pháp y quốc gia cho Ban Quản lý Nghĩa trang và Đón tiếp thân nhân liệt sĩ, Phòng LĐ-TB&XH huyện Gio Linh lưu trữ và thực hiện công tác quản lý mộ liệt sĩ theo quy định.

Địa phương cũng đã nhanh chóng khắc lại bia mộ của 8 liệt sĩ từ “mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin” thành bia mộ có tên tuổi, quê quán cùng ngày sinh, ngày nhập ngũ và ngày hy sinh. Và đó là niềm vui mừng khôn xiết của thân nhân liệt sĩ sau chuỗi ngày lặn lội kiếm tìm trong hy vọng mong manh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Quyền và trách nhiệm công vụ

GD&TĐ - Có thể thấy, để có nền công vụ hiệu lực, hiệu quả, ngoài các quy định pháp luật, yếu tố quan trọng là tinh thần trách nhiệm.