Tại huyện Thuận Nam, bên cạnh cung cấp thực phẩm cho hơn 5.000 nhân khẩu ở thôn Văn Lâm 3 thì vẫn phải bảo đảm cuộc sống của người dân trước hạn hán đang diễn ra khắc nghiệt.
Khó khăn chồng chất khó khăn...
Theo thống kê của UBND huyện Thuận Nam, tính đến ngày 23/3 mực nước tại các hồ như: Tân Giang nước chỉ còn 1,29 triệu m3, sông Biêu khoảng 1,49 triệu m3, Núi Một khoảng 1,42 triệu m3, Hồ CK7 chỉ còn khoảng 0,8 triệu m3, các hồ còn lại nằm ở mực nước chết.
Do không có nước tưới trên địa bàn huyện đã ngưng sản xuất lúa 1.800 hécta, cây màu các loại hơn 1.000 hécta. Trong đó, có 3,6 hécta các loại cây như: Ổi, mãng cầu, bưởi da xanh chết khô, 3 hécta cây keo tràm cũng đang dần chết, 4 hécta bưởi đang chết dần của bà con xã Nhị Hà, làm thất thu hàng trăm triệu đồng của bà con.
Đi qua những cánh đồng khô cằn, cỏ đang cháy khô, PV Báo GD&TĐ đã đến huyện Thuận Nam để ghi nhận thực tế về tình hình sản xuất và chăn nuôi của bà con nông dân nơi đây.
Anh Bá Minh Bạch, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Nhà tôi có nuôi hơn 200 con cừu, từ trước Tết đến nay cỏ khô, mỗi ngày tôi phải di chuyển đàn cừu gần cả trăm con hơn 10 km để tìm thức ăn và nguồn nước uống duy trì cả đàn. Có hôm, do thiếu thức ăn, khi cừu sinh sản thì thiếu sữa nên cừu con chết liên tục. Thỉnh thoảng có con cừu già do di chuyển xa lại thiếu thức ăn nên cũng chết”. Anh Bạch cho biết thêm, mỗi ngày anh phải bỏ ra thêm 100.000 đồng để mua 2 bó cỏ của người dân để tối đến cho cừu ăn thêm cầm hơi.
Ông Lê Huyền, Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam cho biết: “Trước tình hình nguồn nước ngày càng thiếu hụt, chúng tôi đã bảo đảm được nước sinh hoạt cho bà con, ưu tiên nước cho các cây trồng lâu năm và nước cho chăn nuôi.
Chúng tôi cũng đang chỉ đạo cho các địa phương rà soát, xác định các hộ có liên quan sản xuất nông nghiệp chịu tác động của hạn hán tổng hợp lại để có cơ sở đề xuất, hỗ trợ kịp thời trong thời gian sớm nhất, để bảo đảm mục tiêu vừa bảo đảm phòng chống dịch Covid–19 và vừa chống hạn trên địa bàn huyện Thuận Nam”.
Cấp bách hỗ trợ người dân
Trước những khó khăn bà con nông dân đang đối mặt và để người dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống, UBDN huyện Thuận Nam đã có những đề xuất với các cấp, các ngành tỉnh Ninh Thuận hỗ trợ kinh phí để ứng phó với hạn với tổng kinh phí hơn 11 tỷ đồng.
Ngoài ra, UBND huyện Thuận Nam còn đề xuất hỗ trợ bơm nước cho 200 hécta với kinh phí là 432 triệu đồng tập trung tại xã Nhị Hà và xã Phước Ninh và hỗ trợ gạo cứu đói giáp hạt cho 4.680 hộ/18.924 khẩu/581.580 kg trên toàn huyện, ông Huyền cho biết thêm.
Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Đối với đề xuất hỗ trợ nhiên liệu bơm nước và kinh phí đầu tư công trình cấp thiết ưu tiên đầu tư xây dựng phục vụ chống hạn năm 2020 trên địa bàn huyện Thuận Nam. Đồng thời, tổng hợp nhu cầu cần được hỗ trợ gạo cứu đói của các địa phương, tham mưu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo đúng quy định hiện hành”.
Ngoài ra, ông Vĩnh cho biết thêm, trong điều kiện tỉnh Ninh Thuận đối mặt với hạn hán đang diễn ra ngày càng khốc liệt, khó lường, do đó các ngành, các cấp của tỉnh cần xác định công tác ứng phó hạn hán là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên để chủ động triển khai các giải pháp ứng phó.
Cùng hạn, với tình hình dịch Covid-19, tỉnh Ninh Thuận đã có 2 ca dương tính và đang cách ly toàn thôn Văn Lâm 3. Hiện công tác phòng chống dịch đã được các cấp ngành vào cuộc quyết liệt, đồng bộ với nhiều giải pháp và biện pháp với tinh thần “Chống dịch như chống giặc” và thực hiện đạt mục tiêu “Chống được dịch bệnh Covid-19, chống hạn hiệu quả và bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội như mục tiêu đề ra”.
Theo ông Vĩnh, Ninh Thuận đang tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận xã hội trong việc chung tay sớm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.