Ninh Bình: Tạo nền tảng vững chắc cho đổi mới giáo dục

GD&TĐ - Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, nỗ lực chỉ đạo tăng cường kỉ cương, nền nếp, xây dựng văn hóa học đường và môi trường giáo dục lành mạnh, kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2018 - 2019, ngành Giáo dục Ninh Bình đã được Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp ghi nhận, dành tặng nhiều danh hiệu thi đua cao quý. 

Ông Vũ Văn Kiểm - Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình (thứ tư từ phải sang trái) trao tặng cờ thi đua cho các đơn vị có thành tích xuất sắc
Ông Vũ Văn Kiểm - Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình (thứ tư từ phải sang trái) trao tặng cờ thi đua cho các đơn vị có thành tích xuất sắc

Ông Vũ Văn Kiểm - Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình đã nhấn mạnh sự nỗ lực của toàn ngành nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học mới 2019 - 2020, năm bản lề đưa CT, SGKGDPT mới vào năm học sau, 2020 - 2021.

* Thưa ông, trong năm học 2018 - 2019, ngành GD-ĐT Ninh Bình đã đạt được những kết quả gì nổi bật?

- Thực hiện Chỉ thị về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2018 - 2019 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, ngành GD-ĐT Ninh Bình đã nỗ lực triển khai, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ năm học và đạt được nhiều thành quả nổi bật như sau: Quy mô, mạng lưới trường, lớp học được duy trì tương đối ổn định, trên cơ sở đó mở rộng quy mô lớp học, khắc phục tình trạng quá tải học sinh trên lớp gắn với việc chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên.

Số lượng trường, nhóm lớp mầm non tư thục tăng lên đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của nhân dân, góp phần giảm bớt tình trạng quá tải. Chất lượng PCGD - XMC được củng cố vững chắc và nâng cao. Trong đợt kiểm tra công nhận đạt chuẩn PCGD - XMC tháng 4/2019, tỉnh Ninh Bình được Bộ GD&ĐT đánh giá thực hiện tốt công tác PCGD - XMC và đạt chuẩn PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi, chuẩn PCGDTH mức độ 3, chuẩn PCGD THCS mức độ 3, chuẩn XMC mức độ 2.

Các cấp quản lý giáo dục, nhà trường đã tích cực, nỗ lực đẩy mạnh công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong năm học, toàn tỉnh đã kiểm tra công nhận mới 37 trường học đạt chuẩn quốc gia.

đến nay, toàn tỉnh có gần 92% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, trên 18% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; 100% trường tiểu học đạt chuẩn mức độ 1 chiếm 100%, 72% trường tiểu học đạt mức độ 2; gần 96% trường THCS đạt chuẩn quốc gia, 50% THPT đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia các cấp học đều vượt chỉ tiêu UBND tỉnh giao hằng năm, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI ở chỉ tiêu trường tiểu học mức độ 2 và THCS.

Đặc biệt, Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 đạt kết quả tốt, được các cấp quản lý và dư luận xã hội ghi nhận và đánh giá cao; kết quả thi của học sinh tỉnh Ninh Bình đã có 40 bài thi đạt điểm 10, 117 thí sinh có tổng điểm 3 môn thi xét tuyển đại học của các khối thi truyền thống đạt từ 26 điểm trở lên, điểm trung bình các bài thi của thí sinh Ninh Bình đạt 5,817 điểm xếp thứ 3 toàn quốc.

Năm học vừa qua, nhờ tích cực thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực so với năm học trước. Sở GD&ĐT được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc năm 2018, được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” năm học 2018 - 2019.

* Xuất phát từ nền tảng nào để giáo dục tỉnh nhà có được những thành quả giáo dục trên đây, thưa ông?

- Thực hiện Chỉ thị năm học, thông qua các hội nghị, diễn đàn, trưởng các phòng GD&ĐT, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở, giám đốc các trung tâm GDNN-GDTX đã cùng với Ban giám đốc Sở GD&ĐT chỉ ra những tồn tại và bàn giải pháp khắc phục khó khăn, bất cập để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2018 - 2019.

Sở đã có văn bản chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ năm học và trên cơ sở đó, các nhà trường đã bám sát hướng dẫn của Sở tích cực tham mưu bổ sung cơ sở vật chất, kiện toàn đội ngũ, nâng cao chất lượng chuyên môn giảng dạy, chủ động thực hiện kế hoạch giáo dục đảm bảo đúng thời gian quy định. Ngành đã tích cực, chủ động thực hiện tốt công tác tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các chính sách về giáo dục, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.

Trong năm học, Sở cũng đã đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra chuyên ngành, chuyên môn trong quản lý, trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị, việc thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm của ngành; tăng cường kiểm tra việc quản lý các khoản thu, chi trong trường học. Qua đó, chấn chỉnh công tác quản lý và hoạt động chuyên môn tại các phòng GD&ĐT và cơ sở giáo dục.

Sở đã tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục ở các cấp học; nâng cao hiệu quả công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; tăng cường an ninh, an toàn trường học, xây dựng văn hóa học đường và môi trường giáo dục nhà trường lành mạnh, đẩy mạnh thực hiện dân chủ, tăng cường kỷ cương trường học. Tiếp tục thực hiện công tác khảo thí theo hướng đánh giá chính xác, khách quan năng lực người học; ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong khảo thí, tiếp tục bổ sung ngân hàng câu hỏi thi làm cơ sở để xây dựng đề thi đáp ứng tốt hơn mục đích, yêu cầu đổi mới.

Năm học vừa qua, Sở GD&ĐT đã phối hợp tốt với các ban, ngành liên quan để chỉ đạo tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, thi chọn học sinh giỏi, thi THPT quốc gia đảm bảo tốt các yêu cầu: An toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, đảm bảo khách quan, công bằng đối với người học. Thực hiện một số đổi mới trong công tác thi nhằm tiếp cận tốt yêu cầu đổi mới kiểm tra, đánh giá của Bộ GD&ĐT.

Cụ thể đối với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, tổ chức bài thi tổng hợp (gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân và Tiếng Anh), thi theo hình thức trắc nghiệm; Giải pháp trong việc tổ chức coi thi, chấm thi đảm bảo tính chính xác, khách quan, công bằng. Năm học 2018 - 2019 là năm ngành Giáo dục Ninh Bình đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào các hoạt động quản lý và giảng dạy; Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức”. Năm 2018, Sở GD&ĐT được UBND tỉnh Ninh Bình xếp hạng nhất về chỉ số cải cách hành chính trong số 18 sở, ban, ngành của tỉnh.

Ngành Giáo dục Ninh Bình tích cực đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các hoạt động giảng dạy, quản lý giáo dục
  • Ngành Giáo dục Ninh Bình tích cực đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các hoạt động giảng dạy, quản lý giáo dục

* Chuẩn bị cho lộ trình đưa CT, SGKGDPT mới vào giảng dạy từ năm 2020 - 2021, ngành Giáo dục Ninh Bình đã có những bước chuẩn bị như thế nào?

- Sở GD&ĐT đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện CT, SGKGDPT mới, thành lập Ban Chỉ đạo của tỉnh, triển khai thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Việc chuẩn bị đưa CT, SGKGDPT mới vào giảng dạy đã được ngành Giáo dục Ninh Bình sớm chỉ đạo, thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Cụ thể: Tích cực đổi mới các hoạt động chăm sóc, giáo dục, nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non; Tiếp tục thực hiện CTGDPT hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh; chú trọng chất lượng công tác thi, kiểm tra, đánh giá xếp loại học sinh đúng quy chế.

Điều kiện quan trọng là tỉnh đã tăng tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày, đến nay đã đạt 99,25%; tỉnh có 82 trường tiểu học tiếp tục duy trì Mô hình Trường học mới VNEN, các trường còn lại áp dụng một số thành tố tích cực trong tổ chức dạy và học; 100% học sinh từ lớp 3 - lớp 5 học tiếng Anh theo chương trình mới từ 2 - 4 tiết/tuần.

Hoàn thành bộ phim phóng sự tài liệu truyền thông “Chuyện kể lịch sử Ninh Bình” (gồm 24 tập) giảng dạy trong các trường phổ thông của tỉnh Ninh Bình, góp phần giáo dục toàn diện học sinh giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa địa phương. Tiếp tục nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô dạy chương trình tiếng Anh mới theo “Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020” tại 100% các trường THCS và 9/26 trường THPT có đủ điều kiện dạy. Tăng cường các điều kiện dạy và học theo hướng ứng dụng CNTT, đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ của học sinh.

Về đội ngũ, hiện nay tỉnh có thuận lợi là đội ngũ CBQL, giáo viên cơ bản đủ về số lượng, chất lượng ngày càng được nâng lên; tiếp tục thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh; Tổ chức có hiệu quả các lớp bồi dưỡng, các chuyên đề bộ môn đảm bảo chất lượng góp phần nâng cao năng lực giáo viên. Các bước chuẩn bị của Sở đáp ứng CT, SGKGDPT mới đảm bảo đồng bộ, đồng tốc với lộ trình của Bộ GD&ĐT.

Cụ thể: Sở đã tích cực triển khai tổng rà soát đội ngũ CBQL, giáo viên thực hiện CT, SGKGDPT mới; Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ CBQL, giáo viên theo lộ trình bồi dưỡng của Bộ GD&ĐT. Sở đã chỉ đạo tổ chức hàng trăm đợt tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, chuyên đề bộ môn cho CBQL, chuyên viên, giáo viên các cấp học. Các chuyên đề, tập huấn, bồi dưỡng được tổ chức hiệu quả là diễn đàn củng cố, nâng cao trình độ, năng lực giảng dạy của giáo viên đồng thời chuẩn bị điều kiện thực hiện CT, SGK mới.

* Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ