Niềm tự hào của giáo viên 'đơn vị đặc thù'

GD&TĐ - Lần đầu tiên một cô giáo từ Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Đô Lương (Nghệ An) được chọn là giáo viên tiêu biểu toàn quốc.

Cô Thái Thị Mai Hương cùng đồng nghiệp và học sinh Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đô Lương, Nghệ An.
Cô Thái Thị Mai Hương cùng đồng nghiệp và học sinh Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đô Lương, Nghệ An.

Danh hiệu này đối với cô Thái Thị Mai Hương còn hơn cả thành tích sau 15 năm công tác ở một đơn vị đặc thù. Đó là sự ghi nhận, động lực và cả niềm tin để cô tiếp tục cống hiến, tận tâm với nghề giáo và những học trò đặc biệt.

Động lực đặc biệt của cô giáo “thường xuyên”

Cô Thái Thị Mai Hương (SN 1980) - giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Đô Lương - là 1 trong 5 cá nhân của Nghệ An được vinh danh giáo viên tiêu biểu toàn quốc năm 2022. Điều đặc biệt, lần đầu trung tâm có giáo viên nhận danh hiệu trên, và đây cũng là trường hợp hiếm hoi trong hệ thống giáo dục thường xuyên của tỉnh Nghệ An.

Mảng giáo dục thường xuyên được coi là đặc thù do học sinh của trung tâm thuộc nhóm phân luồng “tốp dưới”, sau khi các trường THPT công lập đã tuyển sinh và lấy đủ chỉ tiêu. Hạn chế về học lực, nhiều em khi vào trung tâm như một sự lựa chọn cuối cùng nên không có mục tiêu, động lực rõ ràng, mất niềm tin vào bản thân. Xuất phát điểm với đầu vào thấp, nhưng khi thi tốt nghiệp THPT, học sinh giáo dục thường xuyên vẫn thi đề chung như các trường khác. Đó là thử thách lớn cho cả cô và trò trung tâm trong 3 năm học.

“Tôi là giáo viên dạy Toán, nhưng ngoài kiến thức còn phải định hướng lại cho học sinh và cả phụ huynh. Học sinh càng đặc biệt, thì giáo viên lại càng cần thêm nhiều kỹ năng sư phạm, phương pháp dạy học linh hoạt để bù vào chỗ trống cho các em”, cô Mai Hương cho hay.

Năm học 2021 - 2022 vừa qua, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đô Lương có kết quả thi tốt nghiệp THPT đứng thứ 20 toàn tỉnh, vượt 43 bậc so với năm ngoái và cao hơn nhiều trường THPT công lập trong toàn tỉnh. Sang năm học 2022 - 2023, đơn vị này nhận thêm niềm vui khi cô Thái Thị Mai Hương đạt danh hiệu giáo viên tiêu biểu toàn quốc.

“Từ trước tới nay, tôi nghĩ đơn giản mình là một giáo viên bình thường, cố gắng hết sức với công việc, với từng thế hệ học trò. Vì vậy khi đạt được những thành quả này tôi vừa bất ngờ vừa vinh dự. Dù ở môi trường nào, tôi đều có cơ hội phấn đấu bình đẳng và sau bao nỗ lực được ngành Giáo dục ghi nhận”, cô Hương nói.

Cô Thái Thị Mai Hương là 1 trong 5 giáo viên của Nghệ An và là đại diện duy nhất của khối GDTX tỉnh đạt danh hiệu giáo viên tiêu biểu toàn quốc năm 2022.

Cô Thái Thị Mai Hương là 1 trong 5 giáo viên của Nghệ An và là đại diện duy nhất của khối GDTX tỉnh đạt danh hiệu giáo viên tiêu biểu toàn quốc năm 2022.

Những cuộc thăm nhà học sinh bất thường

Hơn 15 năm dạy học, cũng là từng ấy thời gian cô Thái Thị Mai Hương gắn bó với công tác chủ nhiệm với đủ tình huống sư phạm. Vắng tiết, nghỉ học không phép, nghịch ngợm, thậm chí thách thức cả giáo viên khi bị nhắc nhở... cô đều gặp phải. Nhưng cô chưa bao giờ từ bỏ học sinh của mình. Cô đặc biệt ấn tượng với cậu học sinh SN 1993 mà cô chủ nhiệm từ hơn 10 năm trước. Khi nhận “bàn giao” nam sinh này, cô được “lưu ý” với nhiều đặc điểm: Ngỗ ngược, hay đánh nhau, chọc phá các bạn trong giờ học…

Nhưng khi tiếp xúc và để ý, cô thấy dù học yếu nhưng em có tố chất thông minh, thương người, thường nhiệt tình giúp đỡ bạn bè, sẵn sàng dành hết tiền ủng hộ bạn khó khăn. Nếu bị giáo viên nhắc nhở, em không phản đối mà biết nhận ra lỗi của mình.

Qua tìm hiểu cô nhận thấy em buông xuôi vì không được tin tưởng, dẫn đến tâm lý nổi loạn, muốn thể hiện để gây chú ý đến người khác. Cô quyết định đến thăm nhà, nhưng cậu học trò trốn biệt ở nhà bạn. “Tôi cố tình đợi đến đêm, cuối cùng em cũng không “tránh” được mà về gặp cô. Khi thấy tôi không quở trách gì, mà chỉ nhắc em hôm sau đi học đầy đủ, nhớ làm bài tập, em ấy tỏ ra khá bất ngờ. Những lần sau, sợ phiền cô đến nhà nên buổi tối em không đi chơi nữa, chịu khó ở nhà hơn. Cũng phải sau 1 năm học, em mới dần tiến bộ và đến lớp 12 đã thi đậu tốt nghiệp THPT, sau đó trúng tuyển nghĩa vụ công an”, cô Mai Hương kể.

Cậu học trò đặc biệt trên không phải là trường hợp duy nhất cô Mai Hương đến nhà “kiểm tra” bất thường. Tất cả học sinh mà cô dạy, không riêng lớp chủ nhiệm, cô đều cố gắng ít nhất 1 lần đến thăm nhà. Đó không phải là những cuộc “họp phụ huynh riêng”, cũng không kể tội các em trước mặt bố mẹ, ông bà, mà chỉ đơn giản hỏi thăm gia đình, nói chuyện thường ngày. Có lần đến thăm học sinh ở xa, về tới nhà đã gần 12 giờ đêm.

“Chồng tôi cũng là giáo viên, nhưng anh vẫn có lần hỏi sao tôi lại phải vất vả như vậy. Nhưng tôi nghĩ rằng, cô giáo đến nhà học sinh dù chỉ 1 lần, các em đã thấy mình nhận được sự chú ý, quan tâm, không phân biệt bạn học tốt hay học yếu, nghịch ngợm hay ngoan ngãn. Nếu giúp các em chuyển biến một chút trong suy nghĩ, ý thức học tập, đã là thành công rồi”, cô kể.

Dần dần, việc thăm nhà không báo trước của cô Mai Hương đã “nổi tiếng” khắp học sinh, phụ huynh của trung tâm. Nhiều học sinh “khai thật” vì sợ cô đến mà không thấy mình ở nhà nên không dám bỏ đi chơi. Vừa nể sợ, nhưng cũng vừa mong ngóng, chờ được thấy cô đến nhà.

Cô chia sẻ, một khi học sinh đã ngỗ nghịch, thì các biện pháp xử phạt nặng nề, cứng nhắc lại càng dễ phản tác dụng, khiến các em trơ lì, chống đối. Thay vào đó, giáo viên độ lượng hơn, nhìn ra mặt tích cực để động viên, khích lệ lại khiến các em vì thầy cô mà chuyển biến từng ngày. Quá trình đó có khi mất hàng năm trời. “Tôi cho rằng, không chỉ ở trung tâm GDTX, mà bất cứ trường học nào, rèn đạo đức là điều quan trọng trước hết. Chỉ khi các em thấy được giá trị đạo đức, có cảm xúc tốt đẹp, tôn trọng giáo viên thì mới tôn trọng bản thân để có động lực học tập”, cô Thái Thị Mai Hương nói.

Ngoài dạy học, cô còn thường xuyên khích lệ, giúp học sinh tự tin hơn vào bản thân.

Ngoài dạy học, cô còn thường xuyên khích lệ, giúp học sinh tự tin hơn vào bản thân.

Bồi dưỡng học sinh giỏi từ đầu vào “tốp dưới”

Nguyễn Thế Anh là một học sinh đặc biệt khác của cô Mai Hương, hiện là sinh viên năm 2 của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Trước đó, năm lớp 10 vào Trung tâm GDNN-GDTX huyện là thất bại của em khi trượt trường THPT công lập, thiếu 0,15 điểm. Nhưng ngay khi nhập học, em chủ động gặp cô Mai Hương để xin được bồi dưỡng vào đội tuyển học sinh giỏi. “Đây là điều bất ngờ và tôi chưa từng gặp kể từ khi ra trường dạy học tại trung tâm. Thế Anh rất quyết tâm trong suốt 3 năm học và chứng minh cho tôi thấy năng lực bản thân. Kết quả, em đã đạt được mục tiêu với thành tích giải Nhất học sinh giỏi tỉnh môn Toán”, cô Hương kể.

Thời gian gắn bó và được cô Mai Hương trực tiếp bồi dưỡng đã khiến cậu học trò được truyền cảm hứng, yêu thích nghề giáo, quyết định vào sư phạm để nối nghiệp cô chủ nhiệm. Thế Anh là trường hợp học trò hi hữu trong sự nghiệp dạy học của cô Mai Hương. Nhưng khi em tự tìm đến cô vào năm lớp 10 chính là vì đã biết đến giáo viên có tài “nuôi học sinh giỏi”.

Sau 7 năm vào nghề, cô Thái Thị Mai Hương bắt đầu được giao nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi. Thực tế nhiệm vụ này rất khó khăn và về phía trung tâm cũng không đặt mục tiêu cao về chất lượng mũi nhọn. “Có bột mới gột nên hồ”, học sinh đầu vào cao, nền tảng tốt là mong muốn của hầu hết giáo viên ôn đội tuyển. Nhưng ở môi trường giáo dục thường xuyên, điều đó gần như “xa xỉ”. Cô Mai Hương chia sẻ, để có được học sinh giỏi, giáo viên của trung tâm còn phải kiên trì vận động cả học sinh lẫn phụ huynh. Nhiều gia đình còn không ủng hộ con ôn thi học sinh giỏi vì cho rằng mất thời gian, áp lực, không đem lại kết quả.

Khi tìm đủ học sinh, thì vẫn phải tiếp tục động viên, truyền lửa để các em yêu thích môn học, không thấy khó mà chán nản. Đối với môn Toán, cô Hương và tổ bồi dưỡng phải dạy lại toàn bộ kiến thức cơ bản của cấp 2, rồi mới dạy nội dung các lớp THPT, dần dần nâng cao lên. Quá trình bồi dưỡng vì thế cũng kéo dài, bắt đầu từ cuối lớp 10 ôn tập cho tới khi thi vào năm lớp 12.

Công sức, tâm huyết của cô Mai Hương và đồng nghiệp cũng đã được đền đáp khi đội tuyển Toán của trung tâm dự thi tỉnh đều đoạt giải 100%. Đến nay, cô Hương đã có 5 giải Nhất, hàng chục giải Nhì, Ba và Khuyến khích. Nữ giáo viên tâm sự: “Tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi, áp lực lớn nhưng điều tôi nhận lại cũng rất nhiều. Đó là giúp học trò tự tin vào bản thân, thay đổi định hướng tương lai. Nhiều em từ việc tham gia đội tuyển học sinh giỏi, mà mạnh dạn đăng ký thi, trúng tuyển vào đại học. Thành tích học sinh đạt được, cũng góp phần khẳng định chất lượng giáo dục và đào tạo của trung tâm”.

Hạnh phúc với lựa chọn của mình

Cô Thái Thị Mai Hương theo nghề giáo từ truyền thống gia đình, và ảnh hưởng trực tiếp bởi cha của mình – cũng là một thầy giáo dạy trung tâm GDTX. Tuy nhiên, cô lại chưa từng nghĩ mình sẽ dạy học tại chính ngôi trường mà cha đã gắn bó suốt cả cuộc đời nhà giáo. “Từ nhỏ tôi đã biết tới công việc của bố và thấy dạy học ở trung tâm quá vất vả. Khi tốt nghiệp sư phạm, tôi cũng chỉ nghĩ rằng mình về đây dạy thử để lấy kinh nghiệm một vài năm. Bao giờ có chỉ tiêu tuyển dụng ở trường THPT, tôi sẽ nộp hồ sơ ứng tuyển. Nhưng không ngờ cứ ở lại mãi cho đến bây giờ đã 15 năm”, cô nhớ lại.

Thời gian đầu, nhìn bạn bè lớp sư phạm công tác ở trường THPT công lập, có người dạy trường chuyên, cô cũng so sánh và chạnh lòng. Liệu bản thân có phát huy được năng lực, kiến thức đã được đào tạo? Ngay cả các con cô cũng đặt câu hỏi tại sao mẹ lại dạy ở trường toàn học sinh yếu, thi trượt cấp ba?

“Tuy nhiên, khi nhận kết quả thi, nghe lời cảm ơn của học trò, được tin các em có công việc, nghề nghiệp phù hợp… tôi lại quên đi hết mọi suy nghĩ tiêu cực. Tôi nghĩ rằng, mỗi người có một vị trí, vai trò riêng trong xã hội và nghề nghiệp của mình. Dạy học ở nơi đặc thù, thì mình nhận lại niềm vui càng đặc biệt khi mình góp phần nhỏ thay đổi cuộc đời học sinh. Đến giờ, tôi tự hào và nhiều đồng nghiệp cũng chia sẻ tôi phù hợp là giáo viên của trung tâm GDTX”, cô Thái Thị Mai Hương tâm sự.

Ông Trịnh Văn Toàn – Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đô Lương, Nghệ An - đánh giá, cô Thái Thị Mai Hương là giáo viên rất tâm huyết, trách nhiệm, năng lực chuyên môn vững vàng, có nhiều sáng tạo trong dạy học. Cô đảm nhận nhiều vai trò: Bí thư Đoàn trường, làm chủ nhiệm, tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi, ôn thi tốt nghiệp THPT… Nhiệm vụ nào cô cũng nỗ lực để đạt hiệu quả tốt nhất. Những thành tích cô đạt được và đặc biệt danh hiệu giáo viên tiêu biểu toàn quốc là xứng đáng, và cũng là niềm tự hào chung của trung tâm. Cô cũng là tấm gương, động lực để cán bộ giáo viên phấn đấu, ngày càng nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục – đào tạo, thay đổi nhận thức của phụ huynh, học sinh về môi trường giáo dục thường xuyên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.