Nhớ lại mùa tuyển sinh năm 2019 được xã hội đánh giá là thành công trên nhiều phương diện và thành công nhất trong những năm gần đây. Không cần bình luận nhưng ai nấy đều hiểu đó là minh chứng sống động cho chủ trương đúng đắn của Bộ GD&ĐT về công tác tuyển sinh, đồng thời cũng khẳng định những quy định trong Quy chế tuyển sinh năm 2019 là phù hợp, khách quan và sát với thực tế.
Từ thành công của năm 2019, Bộ GD&ĐT cho biết: Quy chế tuyển sinh năm 2020 sẽ giữ ổn định nhằm không gây xáo trộn cho các cơ sở giáo dục đại học và thí sinh. Quy chế năm nay chỉ sửa đổi, bổ sung những gì còn bất cập của năm trước để phù hợp hơn với thực tiễn của năm 2020. Trên tinh thần ấy, Bộ chỉ đạo, công tác tuyển sinh năm nay phải được thực hiện nghiêm túc, không được để xảy ra sơ xuất.
Đây cũng là ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc và tại nhiều cuộc họp về xây dựng Quy chế tuyển sinh năm 2020. Bộ trưởng từng nhấn mạnh: Cần thống nhất quan điểm chỉ sửa, bổ sung những bất cập.
Trở lại với dự thảo Quy chế tuyển sinh năm 2020, nhiều chuyên gia nhận xét, dự thảo đã đáp ứng được yêu cầu về tính ổn định và có sửa đổi, bổ sung một số vấn đề để phù hợp với thực tiễn hơn. Các chuyên gia đánh giá, những sửa đổi, bổ sung này đã tiệm cận với quốc tế và phát huy được quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Nói cách khác, dự thảo Quy chế đã bám sát thực tiễn. Chẳng hạn, quy định các trường chỉ được dùng tối đa 4 tổ hợp xét tuyển cho một ngành. Hay như dự thảo có sửa đổi, bổ sung phần trách nhiệm của địa phương, trong đó có trách nhiệm của UBND tỉnh, sở GD&ĐT và trách nhiệm của điểm thu nhận hồ sơ.
Hai ngành đặc thù được dư luận xã hội quan tâm là các trường thuộc nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành đào tạo giáo viên. Với hai ngành đào tạo này, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn).
Quy định trên đã nhận được sự ủng hộ của nhiều chuyên gia bởi đây là ngành nghề đào tạo ra những người có nghề nghiệp liên quan trực tiếp đến mọi người, mọi gia đình. Suy cho cùng, dù ổn định hay có bổ sung, điều chỉnh, mục đích chúng ta hướng tới là chuẩn chất lượng đầu ra, để đóng góp cho xã hội nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Hiện nay, nhiều trường đã công bố các ngành đào tạo, trong đó có một số ngành mới và phương án tuyển sinh. Tháng 3 tới đây, các cơ sở giáo dục đại học sẽ phải xây dựng đề án tuyển sinh. Đề án này sẽ có nhiều thông tin và dữ liệu hơn so với năm 2019. Cụ thể trong đề án tuyển sinh, các trường sẽ phải xác định phương thức tuyển sinh đối với các loại hình đào tạo: Chính quy, hệ vừa học vừa làm, văn bằng 2… Khi đó, thí sinh sẽ có đầy đủ thông tin và nguồn tham khảo để quyết định lựa chọn ngành học, trường học mà mình yêu thích, phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân.
Ở thời điểm hiện tại, sẽ là quá sớm để chúng ta khẳng định mùa tuyển sinh năm nay có tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hay không. Nhưng từ tiền đề của năm 2019 và những gì Bộ GD&ĐT đã và đang chỉ đạo quyết liệt, chúng ta có thể hình dung và nghĩ đến về một mùa tuyển sinh: Nghiêm túc và chất lượng.