Suốt 15 năm rong ruổi sưu tầm đồ cổ, anh Huỳnh Đăng Hiền có gia tài hơn 3.000 hiện vật với niên đại từ trăm năm đến hàng nghìn năm. Những hiện vật ấy được anh trân trọng, cất giữ và trưng bày tại nhà với hy vọng tương lai sẽ mở một bảo tàng cổ vật.
Niềm đam mê khó cưỡng
Anh Huỳnh Đăng Hiền (46 tuổi, phường Trần Hưng Đạo, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) chẳng nhớ rõ mình có niềm đam mê với cổ vật, hiện vật văn hóa từ khi nào. Trong những chuyến trải nghiệm, khám phá ở các bản làng xa xôi, anh đặc biệt thấy hứng thú khi được tìm hiểu những hiện vật văn hóa có từ lâu đời.
Người dân bản địa vốn rất quý trọng và tự hào về những vật dụng mang giá trị văn hóa, lịch sử mà cha ông để lại. Có những vật dụng rất bình thường, đã cũ mèm theo thời gian như thúng, mủng, nia, mẹt… nhưng bà con vẫn lưu giữ lại như một phần ký ức.
Du khách ghé thăm, ngoài việc mời họ thưởng thức những món ăn truyền thống, người dân không quên mang vật dụng có giá trị văn hóa ra giới thiệu. Ban đầu, anh Hiền thấy lạ lẫm và tò mò vì những hiện vật in đậm dấu ấn thời gian. Anh bắt đầu tìm hiểu những vật dụng này sử dụng vào mục đích gì và đã trải qua biết bao thăng trầm của thời gian?
Tò mò, ấn tượng nên anh Hiền nung nấu mong muốn tìm hiểu sâu hơn để có thể hiểu rõ về văn hóa, con người Kon Tum.
Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, anh vào làm việc cho một công ty nước ngoài về phân bón, vật tư nông nghiệp. Công ty này có chế độ đãi ngộ khá tốt khi mỗi năm đều cho nhân viên đi du lịch, trải nghiệm văn hóa ở nước ngoài.
Ở mỗi vùng đất được đặt chân đến, anh Hiền tiếp tục bị thu hút bởi những nét văn hóa truyền thống. Thấy người bản địa nâng niu, gìn giữ những giá trị văn hóa, anh rất thích thú và mong muốn bản thân cũng có một không gian nhỏ để chứa đựng những điều xưa cũ.
Khi chia sẻ sở thích và bày tỏ mong muốn với gia đình, bạn bè, anh Hiền thường nhận lại những cái xua tay, lắc đầu. Mọi người ngăn cản vì không muốn anh lãng phí công sức, tiền bạc cho những điều mà họ coi là vô bổ.
Nhiều đêm mất ngủ vì trăn trở, tiếc xót những giá trị văn hóa dân tộc dần bị mai một khiến anh đưa ra một quyết định. Năm 2008 anh Hiền xin nghỉ việc ở công ty nước ngoài để tự kinh doanh tại nhà. Ở Kon Tum, anh có nhiều thời gian hiện thực hóa ước mơ của bản thân.
Anh Hiền rong ruổi khắp các bản làng ở Kon Tum để sưu tầm các hiện vật từ thời xa xưa. Anh cũng biết đến di chỉ Lung Leng (Sa Bình, Sa Thầy, Kon Tum), nơi lưu giữ dấu tích của người tiền sử từ hàng vạn năm trước. Từ đam mê, anh bị cuốn hút bởi những câu chuyện, đến công việc khai quật hiện vật của các nhà khảo cổ.
Hay tin nhiều người dân còn lưu giữ các công cụ lao động làm bằng đá của người tiền sử, anh tìm đến nhà hỏi thăm để mua lại. Những chiếc rìu đá, bôn hình răng trâu, hạt chuỗi, đá khoan lỗ, mảnh gốm trang trí... hết thảy đều cuốn hút anh. Có những món đồ rất dễ mua nhưng cũng có hiện vật phải đi lại, thuyết phục nhiều lần người dân mới đồng ý bán.
“Để hiểu rõ hơn về những cổ vật đó, tôi dành thời gian đọc, tìm hiểu thêm trên sách báo, mạng Internet. Càng đi sâu tìm hiểu tôi càng bị cuốn hút và thấy văn hóa Kon Tum có một bề dày lịch sử đáng nể. Không chỉ vậy, lịch sử và văn hóa Kon Tum còn rất nhiều điều mới mẻ cần được khám phá”, anh Hiền tâm sự.
Khát khao xây dựng bảo tàng cổ vật
Trải qua 15 năm rong ruổi, tìm kiếm, giờ đây căn nhà rộng 2.000 m2 của gia đình anh Hiền la liệt hơn 3.000 hiện vật. Nhiều nhất là hiện vật đồ đá, như: Rìu đá có vai, bôn hình răng trâu, đá khoan lỗ, chân đèn, bàn mài, mảnh gốm trang trí, dụng cụ đồng thau. Nhiều cổ vật có niên đại từ thời đại đồ đá cách nay 20.000 - 30.000 năm, hậu kỳ đá mới và sơ kỳ kim khí cách nay 3.000 - 4.000 năm.
Trong phòng khách, các khu vực trưng bày hiện vật được anh Hiền sắp xếp theo từng thời kỳ, giai đoạn. Dưới mặt bàn là hàng nghìn chiếc bôn, rìu bằng đá từ thời tiền sử. Bên cạnh đó là khu vực trưng bày những chiếc rìu đồng được đúc từ sơ kỳ kim khí, cách ngày nay vài nghìn năm.
Cạnh bên là bộ sưu tập tẩu thuốc bằng đất nung của người Chăm Pa, tủ kính đựng ghè, ché, vò, nồi bằng gốm. Trên tường là giá gỗ treo những bi đông, đuôi đạn, kỷ vật chiến tranh…
Mỗi hiện vật đều có công năng, giá trị văn hóa riêng, gắn liền với từng giai đoạn lịch sử. Anh Hiền tâm đắc và ấn tượng nhất với chiếc khuôn đúc mũi tên đồng hình cánh én - đây được xem là độc bản ở Tây Nguyên. Món đồ cổ này từng được đưa đi trưng bày tại hội thảo thông báo khảo cổ học toàn quốc năm 2023 tại Hà Nội.
Tất cả những hiện vật anh Hiền sưu tập đều gói gọn trong địa hạt Kon Tum. Qua đó phản ánh đầy đủ dòng chảy lịch sử, văn hóa và đời sống đã từng diễn ra trên chính mảnh đất này. Sau 15 năm nghiên cứu anh đã tích lũy được kiến thức và có sự am hiểu đáng kể với những món đồ cổ cũng như lịch sử phát triển của vùng đất.
Không chỉ dừng lại ở việc sưu tập hiện vật thời đồ đá, anh Hiền còn tìm mua đồ gốm, các kỷ vật chiến tranh đến những món đồ thường ngày mà người dân bản địa sử dụng, như: Quan tài, mặt nạ gỗ, tượng nhà mồ, thuyền độc mộc.
Những hiện vật của người Kinh dùng trong lao động sản xuất khi đặt chân đến Kon Tum từ giữa thế kỷ XIX, như: Cối xay gạo bằng đá, cối gỗ, bàn là than, cày, bừa, cưa gỗ… cũng được anh cất giữ ở một góc trang trọng.
Trong không gian trưng bày, anh Hiền có thể kể rành rọt về “gốc tích” của các hiện vật và giá trị lịch sử của nó qua các giai đoạn. Đặc biệt, trong bộ sưu tập ché cổ của anh có nhiều dòng phản ánh sự giao thương hoặc di cư đến mảnh đất Kon Tum qua từng thời kỳ lịch sử, như: Gốm Bàu Trúc (từ thế kỷ thứ X - XIII), Gò Sành (từ thế kỷ XIII - XV), Quảng Đức (thế kỷ XVI), Cây Mai, Biên Hòa, Lái Thiêu (từ thế kỷ XVII - XIX).
“Với các dân tộc ở Kon Tum, hình ảnh chiếc ché luôn gắn liền với cuộc sống hàng ngày để đựng rượu cần, nước uống, gạo. Ché còn là tài sản quý giá của gia đình, là thước đo về sự giàu có và uy lực. Đây cũng là lễ vật dùng trong các dịp cúng tế thần linh, là vật nộp phạt với những ai vi phạm luật tục của cộng đồng. Ché còn là sính lễ trong cưới hỏi và là tài sản chia cho người quá cố…”, anh Hiền bày tỏ.
Cũng trong những lần về các bản làng sưu tập cổ vật, anh được biết về những chiếc quan tài được làm từ thân cây cổ thụ. Người dân bản địa quan niệm thế giới người chết cũng sinh động giống như lúc còn sống. Vì vậy, khi có người thân lớn tuổi sắp qua đời, con cháu trong dòng họ sẽ lên rừng tìm đốn những cây gỗ to mang về làm áo quan.
Người dân bản địa giới thiệu với anh về cách chọn lựa cây rừng, cách đục đẽo để làm quan tài và cách thức mai táng người chết. Loại cây dùng làm quan tài phải là gỗ tốt, to bằng hai người ôm trở lên và có tuổi đời hàng trăm năm. Phần lõi thân cây được đục đẽo để đặt vừa thân người quá cố.
Theo dòng chảy thời gian, người dân bản địa cũng dần quen với dạng quan tài đóng sẵn vừa tiện lợi lại đảm bảo tiêu chuẩn thẩm mĩ. Cũng bởi vậy, những áo quan truyền thống đục bằng thân cây cứ vứt lăn lóc dưới chân nhà sàn mặc cho hư mọt. Trong những chuyến viếng thăm đó, anh Hiền đã ngỏ ý mua lại quan tài để sưu tập và đều được dân làng đồng ý. Đến nay, anh đã sở hữu hơn 40 chiếc quan tài làm bằng thân cây.
“Tôi xem những quan tài của đồng bào Tây Nguyên là giá trị văn hóa chứ không phải vấn đề tâm linh. Bởi vậy dù trưng bày ngay ở sân vườn nhưng cũng không cảm thấy đáng sợ như cảm nhận của khách tham quan”, anh Hiền chia sẻ.
Nhiều người cũng tìm đến anh để hỏi mua những hiện vật thời xưa, thế nhưng anh Hiền nhất quyết không bán mà để lưu giữ, trưng bày. Về lâu về dài, anh ấp ủ dự định xây dựng một bảo tàng tư nhân để mọi người có thể tham quan, tìm hiểu mong muốn biết thêm nhiều điều thú vị về vùng đất Kon Tum xưa và nay.
Ông Phạm Bình Vương, Phòng Di sản, Sở VH,TT&DL Kon Tum cho biết, bộ sưu tập của anh Huỳnh Đăng Hiền góp phần quan trọng trong hoạt động nghiên cứu lịch sử, văn hóa vùng đất Kon Tum - Tây Nguyên nói chung và di chỉ khảo cổ học ở Kon Tum nói riêng.
“Với sự đam mê, tâm huyết văn hóa Tây Nguyên những năm qua anh Hiền đã sưu tập và lưu giữ các hiện vật quý mà nhiều nơi chưa có. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tư vấn, kết nối với các chuyên gia để giúp đỡ anh Hiền trong kiểm kê, phân loại, bảo quản khoa học, cũng như giám định và làm rõ thêm những thông tin liên quan đến các hiện vật”, ông Vương chia sẻ.