Nhắc tới cụm từ đại dịch, hẳn chúng ta sẽ nghĩ tới những căn bệnh đáng sợ cướp đi sinh mạng của rất nhiều người trong lịch sử. Đó là "Cái chết đen" thời Trung Cổ, là HIV/AIDS cuối thế kỷ XX và mới đây nhất là Ebola ở châu Phi.
Tuy nhiên, có những dịch bệnh không chỉ đáng sợ mà còn vô cùng bí ẩn đến mức cho tới nay, con người vẫn chưa thể lý giải được nguyên nhân. Đó chính là "đám đông điên loạn" hay "phát điên tập thể".
Đây là một thuật ngữ mô tả tình huống trong đó các triệu chứng về thể chất hoặc tâm lý xuất hiện hàng loạt và lây lan nhanh chóng trên khắp các cộng đồng, các làng xóm, thị trấn, và thậm chí còn lan qua nhiều quốc gia.
Trong mỗi đợt bùng phát, một cá nhân có thể có triệu chứng nói cười mất kiểm soát, chóng mặt, cơ bắp rã rời, ngất xỉu hoặc những triệu chứng khác mà không phải do bất kỳ tác động cơ học nào. Nhiều trường hợp điên loạn đã được ghi chép lại từ nhiều thế kỷ qua trên khắp thế giới.
Tới thời trung cổ, người ta thay thế lý thuyết này và đổ lỗi cho phù thủy, ma quỷ chiếm xác, hoặc do bệnh điên thực sự. Trong khi các triệu chứng đám đông điên loạn tiếp tục khiến cộng đồng y học bối rối, ngày nay người ta thường cho rằng hiện tượng đó có liên quan tới khả năng căng thẳng về cảm xúc và thần kinh.
Nhảy múa điên loạn thời Trung Cổ (thế kỷ XIII - XVII)
Mùa hè tháng 7/1518, người phụ nữ có tên Frau Troffea bước vào một con hẻm nhỏ ở Strasbourg (Pháp). Trước sự chứng kiến của đám đông, cô bắt đầu nhảy múa "dữ dội".
Tranh khắc của Hendrik Hondius mô tả ba người phụ nữ mắc “chứng khiêu vũ” – (Dancing Plague), dựa vào bức tranh của Peter Brueghel, người được cho là nhân chứng đã chứng kiến căn bệnh bùng phát ở Flanders vào 1564. |
Không hề có tiếng nhạc, cũng không lấy một cảm xúc trên khuôn mặt nhưng cô ấy cứ vô tư nhảy như thể có cả dàn nhạc vây quanh. Đặc biệt hơn, Troffea nhảy liên tục cả ngày lẫn đêm mà không hề tỏ ra mệt mỏi. Cho tới ngày thứ sáu, điệu nhảy đã dừng lại khi cô gái kiệt sức mà chết.
Ban đầu, mọi người nghĩ rằng cô có vấn đề về thần kinh hay do bị quỷ ám nên mới có những hành động bất thường như vậy. Nhưng sau khi Troffea nhảy múa, một người khác bắt đầu nhảy theo, rồi thêm một người nữa. Một tuần sau, người ta đếm được 34 người đã bắt chước hành động giống hệt như Troffea tại khắp các con đường của thành phố.
Chứng nhảy múa điên loạn nhanh chóng lan rộng khắp nơi. |
Sự việc càng ngày càng trở nên kì lạ khi chỉ sau một thời gian ngắn, khoảng 400 người dân ở Strasbourg tham gia vào điệu nhảy này. Và giống như những trường hợp trước, họ nhảy múa điên cuồng cho tới chết. Theo các ghi chép của cơ quan y tế thời đó, các nạn nhân tử vong do đau tim và kiệt sức.
Những cư dân thời đó cho rằng, họ hoàn toàn có thể chữa được căn bệnh lạ có tên gọi "dịch bệnh nhảy múa" trên bằng cách lấy độc trị độc. Vì vậy, họ dựng các sân khấu bằng gỗ và mời nhạc công đến để giúp các nạn nhân nhảy múa.
Kết quả là, họ không những không dập tắt được "dịch bệnh", mà ngược lại còn khiến hàng chục người nhảy múa không ngừng và tạm biệt cuộc sống vì nhồi máu cơ tim.
Chứng Bệnh Nhảy này xảy ra ở Châu Âu nhiều lần vào thời Trung Cổ, bùng phát ở Ý, Luxembourg, Pháp, Đức, Hà Lan, và Thụy Sĩ. Đầu tiên bệnh được cho là do lời nguyền từ một vị thánh có tên là John The Baptist, hoặc là thánh Vitus.
Rất nhiều người chết vì bệnh này. |
Cái tên này sau cũng được dùng để gọi cho tình trạng này. Những người mắc chứng này phải đi tới những nơi thờ phụng những vị thánh nói trên để cầu xin được giải thoát khỏi các phiền não. Và có vẻ như phương cách này đã có hiệu quả giúp nhiều người thời đó phục hồi lại một cơ thể khỏe mạnh.
GS John Waller Đại học bang Michigan cho rằng căn bệnh rối loạn tâm lý quần chúng này bắt nguồn tự sự mê tín dị đoan. Nạn nhân của chúng phần lớn đều là những người đang chết đói, họ chẳng còn gì, không biết nương tựa vào đâu ngoài tín ngưỡng, sự sợ hãi tràn ngập trong tâm trí họ. Vì vậy, có thể họ đã nhảy múa với mong muốn được Đấng Tối cao giúp đỡ cho tới khi qua đời.
Nữ tu Pháp kêu như mèo (Thế kỷ XIX)
Trong quyển sách viết năm 1844 “Dịch bệnh thời kỳ Trung Cổ” của J.F.C. Hecker, có kể về một trường hợp các nữ tu kêu như mèo ở một tu viện ở Pháp.
Trước năm 1900 cũng có nhiều báo cáo về sự phát cuồng tập thể diễn ra bên trong các cơ sở tôn giáo. Đặc biệt, các nữ tu viện châu Âu thường là nơi bùng phát hiện tượng này. Trong một vụ, các triệu chứng bệnh được thể hiện bằng một hành động tập thể kỳ quặc. Một nguồn tin từ năm 1844 đưa tin rằng “một nữ tu sĩ, tại một nữ tu viện rất lớn ở Pháp, bắt đầu kêu meo meo như mèo; không lâu sau đó, các nữ tu sĩ khác cũng kêu meo meo không ngừng”.
Ít nhất, tất cả các nữ tu sĩ cũng cùng nhau kêu meo meo mỗi ngày, vào một thời điểm nhất định trong nhiều giờ liền. Việc kêu như mèo tiếp diễn cho tới khi những người hàng xóm lên tiếng phàn nàn và các binh sĩ được triệu đến, đe dọa đánh roi các nữ tu sĩ cho tới khi họ ngừng kêu tiếng mèo.
Trong thời kỳ này, niềm tin vào sự chiếm hữu (ví dụ như bị động vật hay quỷ ám) rất phổ biến và mèo đặc biệt bị nghi kỵ là có liên quan đến quỷ Satan. Các vụ bùng phát gây tiếng kêu hoặc cử chỉ như động vật thường kéo dài một vài ngày tới vài tháng, mặc dù một số trường hợp tiếp diễn tới hàng năm.
Bệnh cười ở Tanganyika (1962)
Chứng bệnh cười ở Tanganyika bắt đầu vào ngày 30/1/1962, tại một trường nữ sinh do các nữ tu quản lý ở Kashasha, Tanzania.
Chứng bệnh cười bắt đầu từ ba nữ sinh nhưng nhanh chóng lây lan ra toàn trường, kéo dài nhiều giờ, thậm chí hàng tuần, dẫn tới việc trường phải đóng cửa vào ngày 18/4/1962.
Nhưng không dừng ở đó, sau khi trường bị đóng cửa, chứng loạn thần kinh lây lan ra các ngôi làng gần đó. Hàng ngàn trẻ em bị ảnh hưởng, và 14 trường học buộc phải đóng cửa. Chứng loạn thần kinh cuối cùng cũng kết thúc 18 tháng sau đó.
Phiên tòa phù thủy Salem (1692 – 1693)
Một trong những trường hợp ghê rợn nhất của chứng loạn thần xảy ra ở Salem (Massachusett, Hoa Kỳ) năm 1692. Hàng chục nữ sinh có triệu chứng la hét và nhăn nhó, làm dấy lên những cáo buộc phù thủy ở địa phương.
Kết quả là hàng loạt phiên tòa hành hình những người bị cáo buộc có dính dáng tới ma thuật phù thủy, gọi là "Những phiên tòa phù thủy" ở Salem. Có 25 người đã bị chết ở Salem và các thị trấn lân cận.
Các phiên tòa phù thủy ở Salem, vốn rất có ảnh hưởng trong lịch sử Hoa kỳ, đã được dùng trong chính trị và văn chương để nhấn mạnh về sự nguy hiểm của chủ nghĩa cô lập, cực đoan tôn giáo và kẽ hở của tư pháp.