Nhưng do nuôi nhốt nên chúng mất khả năng săn mồi, việc ăn uống phụ thuộc hoàn toàn vào “vú nuôi”.
Những “vú nuôi” bất đắc dĩ
Đầu tháng 8/2021, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Nghệ An) đã triệt phá thành công chuyên án vận chuyển, mua bán trái phép động vật hoang dã, giải cứu cá thể 7 hổ con đang được các đối tượng vận chuyển từ huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đi vào địa bàn Nghệ An để tiêu thụ.
Sau khi giải cứu, nhằm bảo tồn động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, Công an tỉnh Nghệ An đã bàn giao những con hổ này cho Trung tâm Cứu hộ Động vật hoang dã (ĐVHD) thuộc Vườn Quốc gia Pù Mát (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) để tiếp nhận chăm sóc và nuôi dưỡng.
Do trải qua quá trình vận chuyển từ nơi này đến nơi khác nên hổ con bị kiệt sức. Bác sĩ thú y trong đoàn cứu hộ phải cho uống thuốc và đỡ cắm để bón loại sữa dành riêng cho các loại động vật họ nhà mèo. Sau 6 tháng chăm sóc, trọng lượng trung bình của 7 hổ con (2 hổ đực và 5 hổ cái) tăng từ 4 kg/con lên khoảng 30 – 40 kg/con. Chúng khỏe mạnh, hiếu động và đã có thể tự ăn thịt sống.
Là trưởng nhóm chăm sóc hổ ở trung tâm cứu hộ, anh Đặng Thanh Tuấn cho biết, việc chăm sóc 7 chú hổ con được giao cho 4 người thực hiện, ngoài anh còn có 3 “vú nuôi” khác.
“Đàn hổ lúc mới đưa về con nào cũng mệt mỏi, ủ rũ và liên tục bị tiêu chảy. Mỗi con hổ có một bình sữa riêng, đánh dấu thứ tự từ 1 - 7. Con này vừa bú xong thì con kia lại bị tiêu chảy. Một khi hổ mất nước do tiêu chảy liên tục thì rất khó chữa trị, cả đàn đứng trước nguy cơ bị chết là rất cao. Hơn 1 tuần đầu thật sự anh em chăm sóc hết sức mệt mỏi với đàn hổ”, anh Tuấn chia sẻ.
Trong tháng đầu, hổ chỉ uống sữa nhập khẩu dành riêng cho các loài mèo. Bước sang tháng thứ hai, hổ uống sữa pha từ nước luộc thịt. Dần dần, khi hổ quen mùi thì chuyển sang tập ăn thịt thái miếng nhỏ.
Đều đặn từ 7 giờ hàng ngày, anh Tuấn lại cùng đồng nghiệp thái hơn 10 kg thịt bò làm bữa ăn cho hổ con. Thịt bò sau khi thái xong được chia thành 7 suất tương ứng với cân nặng của hổ, chuyển vào từng chuồng. Nếu hổ nặng 30 kg thì suất ăn tương đương 1,5 kg thịt mỗi lần.
Mỗi ngày, hổ con được ăn hai lần vào bữa sáng và chiều. Khẩu phần có thể thay đổi bằng thịt bò, gà hoặc thỏ. Nếu thịt thỏ thì khối lượng sẽ nhiều hơn do hàm lượng calo không cao bằng thịt bò. Sau khi hổ ăn khoảng 1 giờ đồng hồ, nhân viên trung tâm cứu hộ sẽ đến dọn vệ sinh chuồng.
“Từ tháng thứ ba, hổ được tập ăn thịt có xương như: Xương cổ, xương sườn, xương sống... Thi thoảng, hổ được cho ăn bổ sung thêm canxi để phát triển xương. Đến nay, mỗi con hổ nặng gần 40 kg, khẩu phần ăn của cả đàn hổ mỗi ngày hết khoảng 5 triệu đồng. Ngoài ra chưa tính các chi phí chăm sóc, thuốc thang”, anh Tuấn chia sẻ.
Do không có khả năng tự săn mồi, cho nên 7 cá thể hổ này sẽ không được trả về với môi trường rừng. Tuy nhiên, tại trung tâm cứu hộ, mỗi hổ con vẫn được cho ở một khu nuôi riêng và hạn chế tối đa việc tiếp xúc với con người để chúng nuôi dưỡng các tập tính tự nhiên.
“Hổ ngày càng lớn thì tiếng gầm gừ lại càng thấy sợ. Vào buổi sáng hổ đói nên mình phải luôn cẩn thận, tuân thủ mọi nguyên tắc nhử hổ từ chuồng này sang chuồng khác để làm vệ sinh. Trong 7 con hổ có con rất hiền nhưng có những con rất hung dữ. Đối với loài hổ mình không thể biết trước được điều gì sẽ xảy ra nên luôn phải cẩn thận khi tiếp xúc”, anh Tuấn chia sẻ.
Công tác bảo tồn còn gặp khó
Theo Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Vườn Quốc gia Pù Mát, đơn vị vẫn chưa xác định được những con hổ đang nuôi có ADN xuất phát từ loài hổ nào. Có thể 7 hổ con này không xuất phát từ tự nhiên mà được các trang trại ở bên kia biên giới nuôi nhốt rồi nhân giống ra.
“Chúng tôi không xem hổ con ở đây là thú cưng, cho nên không đặt tên riêng. Niềm vui và hạnh phúc của anh em là mỗi ngày được nhìn thấy những loài vật được giải cứu sống khỏe mạnh, chạy nhảy, vui đùa, sớm trở về với môi trường sống tự nhiên”, anh Đặng Thanh Tuấn tâm sự.
Ông Trần Xuân Cường - Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát - cho biết, Trung tâm Cứu hộ ĐVHD của đơn vị được thành lập từ năm 1996, mục tiêu là giải cứu các con thú bị thương do mắc bẫy, thú do lực lượng chức năng thu giữ. Ngoài 7 hổ con đang được chăm sóc, trung tâm còn chăm sóc nhiều loài động vật quý hiếm khác như: Gấu, khỉ, trăn, tê tê, cầy, cu li, lửng chó… góp phần gìn giữ đa dạng sinh học.
Trong thời gian qua, kinh phí chăm sóc 7 con hổ là gần 500 triệu đồng (bao gồm chi phí thức ăn, nhân lực, thú y) do các nhà hảo tâm tài trợ, thông qua Trung tâm Bảo tồn ĐVHD Việt Nam (SVW).
Đây không phải lần đầu các cán bộ Trung tâm Cứu hộ ĐVHD tham gia cứu chữa, chăm sóc loài hổ. Năm 2013, đơn vị từng tiếp nhận nuôi dưỡng một cá thể hổ Đông Dương có trọng lượng 170 kg. Con hổ này sau đó được chuyển cho Trung tâm Cứu hộ ĐVHD và kỹ thuật bảo vệ rừng Sóc Sơn (Hà Nội) tiếp tục chăm sóc.
Theo ông Cường, việc chăm sóc 7 cá thể hổ sau cứu hộ đang gặp nhiều khó khăn do thiếu thốn cơ sở vật chất. Dãy chuồng nuôi hiện tại đang rất chật hẹp, chỉ dành cho hổ bé. Hổ lớn lên thì bản năng và sinh hoạt cũng khác trước, đòi hỏi diện tích chuồng nuôi phải rộng hơn rất nhiều.
“Do không đáp ứng được yêu cầu về chuồng nuôi, chúng tôi đã đề xuất với UBND tỉnh chuyển các con hổ tới các trung tâm cứu hộ khác ngoại tỉnh để phù hợp việc chăm sóc trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng đề xuất xin chuyển Trung tâm Cứu hộ ĐVHD tại đây thành Cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; mở rộng các chuồng trại lớn hơn để có khả năng cứu hộ các loài thú lớn mà hiện trung tâm chưa thể tiếp nhận”, ông Cường thông tin thêm.
“Tôi mong muốn mọi người dân ý thức được rằng tất cả các loài đều có quyền được sống và quan trọng hơn hết là chúng cần được sống trong môi trường tự nhiên. Trái đất là một mái nhà chung mà các loài đều cần được sống để hệ sinh thái được cân bằng”, Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát kỳ vọng.