Những vụ kiện hy hữu nhất nước Mỹ

Nhiều vụ kiện kỳ lạ đã xảy ra trong lịch sử ngành tư pháp của Mỹ, như những vụ kiện tổng thống, người hiến tinh trùng hay nạn nhân trong vụ tai nạn...

Những vụ kiện hy hữu nhất nước Mỹ

Kiện Tổng thống lạm quyền

Những vụ kiện hy hữu nhất nước Mỹ
Tổng thống Barack Obama bị kiện về việc vượt quá quyền hạn của tổng thống đã ghi trong Hiến pháp Mỹ. Ảnh: AP

Hôm 30/7, các nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ đã thông qua quyết định khởi kiện Tổng thống Barack Obama về việc lạm dụng quyền lực khi đơn phương thay đổi Đạo luật chăm sóc y tế toàn dân Obamacare.

Theo Reuters, trong 5 tuần kể từ 1/8, các luật sư tại Hạ viện nước này sẽ thu thập tài liệu pháp lý liên quan đến vụ việc khởi kiện Obama trước những cáo buộc lạm quyền.

Các nghị sĩ đảng Cộng hòa nhấn mạnh, Obama đã lạm quyền ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là y tế. "Chính quyền Tổng thống Obama đã chủ động viết lại luật y tế mà không tuân theo quy định của Hiến pháp", Pete Sessions, thành viên đảng Cộng hòa tại bang Texas, nói.

Trong khi đó, đảng Dân chủ lên án việc khởi kiện của đảng đối lập, bởi họ cho rằng hành động này mang động cơ chính trị, gây lãng phí nguồn thuế trong khi Quốc hội đang gặp nhiều vấn đề cần giải quyết như gây quỹ khẩn cấp cứu trợ trẻ em nhập cư.

"Vụ kiện là nỗ lực nhằm bôi nhọ danh dự Tổng thống Obama", Sheila Jackson Lee, đại diện đảng Dân chủ tại bang Texas, nói.

Giới quan sát nhận đinh, sự việc này là màn mở đầu cho chiến dịch cạnh tranh gay gắt giữa hai đảng của Mỹ trong cuộc chạy đua nắm quyền điều hành Quốc hội vào năm 2015.

Đây là vụ kiện chưa từng có trong lịch sử ngành tư pháp Mỹ.

Kiện người hiến tinh trùng

Những vụ kiện hy hữu nhất nước Mỹ
William Marotta bị kiện sau lần hiến tinh trùng cách đây nhiều năm .Ảnh: Cjonline

Tháng 10/2012, Tòa án thành phố Topeka, bang Kansas đã nhận giải quyết một vụ kiện kỳ lạ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử ngành tư pháp. Nguyên đơn là Văn phòng Bảo vệ Quyền lợi gia đình và trẻ em (ORFC) và bị đơn là ông William Marotta, lúc đó là một thợ cơ khí 46 tuổi.

Theo điều tra, vào tháng 3/2009, Marotta từng đồng ý hiến tinh trùng cho một cặp uyên ương đồng tính nữ. Đó là Jennifer Schrein, 34 tuổi, và Angela Bauer, 40 tuổi. 

Trước khi cung cấp tinh trùng cho cặp đôi này, cả 3 người đã ký vào một bản hợp đồng với nội dung: Người hiến tinh trùng không bị ràng buộc bất cứ trách nhiệm nào với đứa trẻ sắp sinh ra. Đồng thời, họ cũng thỏa thuận rằng trong giấy khai sinh của đứa trẻ này, cặp đôi chỉ ghi tên người mẹ là Jennifer Schreiner còn mục người cha để trống.

Sau đó, Schreiner đã sinh hạ một bé gái. Vào cuối năm 2010, cặp đôi đồng tính này chia tay sau 8 năm chung sống. Hai người đã gửi đơn yêu cầu ORFC hỗ trợ tài chính để nuôi đứa trẻ và được chấp thuận. 

Tuy nhiên, trong quá trình bổ sung hồ sơ, văn phòng này phát hiện luật pháp bang Kansas không công nhận hôn nhân đồng giới nên Schreiner buộc phải tiết lộ tên của người đã hiến tinh trùng.

Tuy nhiên, Marotta dựa theo bản hợp đồng đã ký trước đó và không thừa nhận ông là cha đứa trẻ. Mặc dù Schreiner khẳng định bà không muốn nhận bất cứ khoản chu cấp nào từ người đàn ông này, ORFC vẫn khởi kiện vì cho rằng bản giao kèo đó không hợp lệ. Marotta là người cha hợp pháp và có trách nhiệm nuôi dưỡng đứa trẻ.

Đại diện ORFC thông báo chính thức cắt trợ cấp nuôi con của Schreiner kể từ đầu năm 2013, đồng thời yêu cầu Marotta phải chu cấp cho đứa trẻ tới tuổi trưởng thành và bồi hoàn cho ngân sách thành phố số tiền mà họ đã phát cho mẹ con người phụ nữ 34 tuổi trong hai năm trước đó.

Sự việc chính quyền bang Kansas từ chối cấp phúc lợi cho một đứa trẻ sinh ra bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo và buộc người hiến tinh trùng phải chu cấp tiền nuôi dưỡng đã gây ra một làn sóng phản đối mạnh mẽ. 

Nhiều công dân cho rằng quan điểm của ORFC đi ngược lại với bản chất nhân đạo trong các chính sách của nhà nước dành cho bà mẹ và trẻ em.

Kiện nạn nhân trong vụ tai nạn

Những vụ kiện hy hữu nhất nước Mỹ
Chiếc ô tô của Tanner. Ảnh: Youtube

Vào một ngày mùa đông năm 2001, David Kelley và Mark Kinkaid đang lái xe dọc đường 23, hạt Marion, bang Ohio thì bắt gặp một chiếc xe đang bốc cháy. Hai người nghe thấy tiếng phụ nữ gào khóc kêu cứu. Bất chấp ngọn lửa đang bốc cháy ngùn ngụt, Kelley và Kinkaid lao vào cứu Theresa Tanner, 26 tuổi.

Hai chàng trai bị bỏng sau khi cứu cô gái trẻ thoát khỏi đám cháy. Tanner được cứu sống, còn hai ân nhân của cô được tôn vinh như những anh hùng. Chuck Jones, một cảnh sát tại hiện trường hôm đó, cho biết: "Tôi chắc chắn 100% Tanner đã thiệt mạng nếu hai chàng trai không cứu cô ấy".

Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, cảnh sát phát hiện cô gái 26 tuổi đã chủ ý gây ra tai nạn để tự tử. Ngày 10/3/2001, Kelley và Kinkaid quyết định kiện Tanner. Hai người cho biết, vì cứu cô gái này mà họ đã bị thương.

Kiện thiết kế của xe máy BMW

Những vụ kiện hy hữu nhất nước Mỹ
Một chiếc xe máy BMW 1993. Ảnh: Hummer

Năm 2012, Henry Wolf, sống tại bang California đệ đơn kiện công ty BMW và nhà sản xuất yên xe Corbin Pacific. Wolf yêu cầu bồi thường chuyện mất việc, chi phí điều trị và những tổn thương khác, những thứ mà ông cho là do chiếc xe máy của hãng gây ra.

Theo điều tra, ngày 1/5/2010, Wolf đã lái chiếc xe máy BMW 1993 tới San Francisco. Sau chuyến đi kéo dài 4 giờ, "cậu nhỏ" của ông bỗng nhiên bị cương cứng nghiêm trọng. Nó giữ nguyên trạng thái như vậy suốt hai năm khiến ông gặp rất nhiều rắc rối. Wolf cho biết, ông không thể thực hiện hoạt động chăn gối và bị tổn thương về cả thể chất lẫn tinh thần.

Luật sư của Wolf cho rằng, thân chủ của ông bị như vậy là do thiết kế của BMW 1993 quá cẩu thả, đặc biệt là phần yên với chất liệu cứng và dáng mấp mô.

Kiện đơn vị tổ chức buổi quyên góp từ thiện

Những vụ kiện hy hữu nhất nước Mỹ
Hàng nghìn tình nguyện viên của tổ chức United Way đã thả 1,5 triệu quả bóng bay trong cùng một lúc. Ảnh: Business Insider

Năm 1986, United Way, một tổ chức phi lợi nhuận, đã tổ chức buổi quyên góp từ thiện bằng cách phá kỷ lục thế giới. Chương trình diễn ra tại quảng trường Cleverland, bang Ohio. Hàng nghìn tình nguyện viên đã thả 1,5 triệu quả bóng bay cùng một lúc.

Chương trình đã thành công trong việc phá kỷ lục thế giới nhưng lại khiến đơn vị tổ chức và thành phố phải đối mặt với hàng loạt vụ kiện, thiệt hại kinh tế lên đến hàng triệu USD.

Một chú ngựa bị thương nghiêm trọng sau khi bị tiếng nổ của những trái bóng làm cho hoảng sợ. Chủ sở hữu của nó đã đâm đơn kiện và yêu cầu bồi thường 100.000 USD. Sân bay Burke Lakefront phải đóng cửa một đường băng và người dân ở nhiều nơi phải mất cả tuần để dọn những mảnh vỡ của 1,5 triệu trái bóng.

Hậu quả nặng nề nhất mà việc phá kỷ lục này đem lại là đã cản trở lực lượng cứu hộ cứu nạn một chiếc thuyền bị lật. Vì công việc cứu hộ chậm trễ, hai nạn nhân trên thuyền đã thiệt mạng.

Theo Zing

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?
Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...