Hormon testosteron rất quan trọng với đàn ông. Có thể nói testosteron là nhiên liệu cho bộ máy sinh sản của nam giới hoạt động, là yếu tố chính quyết định nam tính, khả năng và nhu cầu tình dục của quý ông.
Từ sau tuổi 40, cùng với quy luật tự nhiên của cơ thể, lượng testosteron được sản sinh ngày một ít dần. Khi không có đủ lượng hormon này, cơ thể nam giới sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe rất dễ nhận biết.
Giảm ham muốn tình dục và các vấn đề về cương dương
Testosteron đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích ham muốn tình dục ở cả nam giới và phụ nữ, đặc biệt rõ nét ở nam giới. Ham muốn tình dục có thể giảm dần theo tuổi tác, tuy nhiên, mức độ thấp của testosteron trong máu có thể gây ra triệu chứng suy giảm ham muốn, có thể đến mức mất hẳn, ngay cả khi nam giới đang trong độ tuổi sung mãn nhất.
Việc rụng tóc, lông thưa có thể là lời cảnh báo của cơ thể khi testosteron đang ở dưới mức bình thường. Mặt khác, testosteron kích thích các thụ thể trong não để sản xuất nitric oxide - một phân tử giúp kích hoạt sự cương cứng ở dương vật.
Nếu testosteron xuống thấp, nam giới sẽ gặp phải khó khăn khi kích thích và duy trì sự cương cứng để có thể quan hệ tình dục. Rối loạn cương dương là vấn đề thường gặp của nam giới luống tuổi và đều có liên quan đến hàm lượng testosteron.
Ở nam giới, testosteron được bài tiết chủ yếu ở tinh hoàn, chỉ có một lượng nhỏ từ những steroid do vỏ ngoài của tuyến thượng thận tạo nên.
Testosteron chịu trách nhiệm cho sự phát triển bình thường của cơ quan sinh dục nam như: dương vật, tinh hoàn, bìu, tuyến tiền liệt, túi tinh... Thiếu testosteron có thể làm teo và xốp tinh hoàn.
Khi đó, chức năng tinh hoàn suy giảm kéo theo vòng luẩn quẩn lượng testosteron được sản sinh ra cũng giảm theo.
Lượng tinh dịch được sản xuất sẽ phụ thuộc vào mức độ testosteron. Khi lượng testosteron thấp làm ảnh hưởng tới lượng tinh dịch được phóng ra khi có cực khoái và độ dính của tinh dịch cũng giảm.
Tâm lý bất ổn
Trên thực tế, nồng độ testosteron sẽ giảm tự nhiên theo thời gian và mức độ ảnh hưởng của sự suy giảm cũng khác nhau ở mỗi người. Testosteron thấp có thể khiến nam giới gặp phải các triệu chứng về tâm lý tương tự như mãn kinh ở phụ nữ.
Biểu hiện dễ gặp nhất là tình trạng mệt mỏi. Mệt mỏi sau một ngày làm việc bận rộn là chuyện thường, nhưng những người thiếu testosteron thường cảm thấy kiệt sức.
Ngay cả khi có một chế độ dinh dưỡng hợp lý và ngủ đầy đủ, nam giới vẫn có cảm giác mệt mỏi, thiếu khả năng tập trung nếu testosteron đang suy giảm.
Ngoài biểu hiện mệt mỏi, nam giới thiếu testosteron thường thiếu động lực và ham muốn, họ ngồi hoặc nằm hàng giờ trên sofa. Họ cũng có thể nhận thấy sức chịu đựng của cơ thể với các bài tập thể chất hàng ngày (chạy, tập gym…) yếu đi trông thấy.
Mặt khác, nam giới có nồng độ testosteron thấp có nhiều khả năng bị trầm cảm, dễ cáu gắt, thiếu khả năng tập trung… Thiếu testosteron có thể làm cho người đàn ông trở nên cáu kỉnh hoặc khó chịu.
Mặc dù người đó vẫn thấy bình thường, nhưng những người xung quanh có thể cảm thấy rõ ràng nhất.Mặc dù không có biểu hiện lâm sàng về trầm cảm, nhưng nam giới thiếu testosteron thường cảm thấy thất vọng hoặc buồn chán và thiếu lạc quan.
Rối loạn giấc ngủ và các bệnh lý tim mạch
Đây là điều khiến nam giới rất mệt mỏi và kéo theo nhiều hệ lụy không tốt cho sức khỏe. Khi testosteron suy giảm sẽ kéo theo sự rối loạn trong giấc ngủ.
Trong đó, xu hướng khó ngủ, giấc ngủ không sâu và mất ngủ sẽ tăng dần. Nếu không ngủ đủ giấc cũng khiến nội tiết tố này giảm dần và như vòng luẩn quẩn khiến các rối loạn cứ níu kéo nhau suy thoái.
Khi đó, họ dễ mắc thêm các bệnh lý về tim mạch, tăng huyết áp, tim đập nhanh, ngưng thở và ngáy to khi ngủ, giảm trí nhớ, loãng xương, da nhăn nheo, rụng tóc…
Nhão cơ và béo phì
Sự suy giảm testosteron trong máu làm giảm số lượng lớn cơ bắp và sức mạnh. Họ có cảm giác không còn khỏe như trước, ngực, bắp chân và tay nhỏ đi.
Song song với việc giảm khối lượng cơ, testosteron giảm sẽ làm gia tăng khối lượng mỡ trong cơ thể, đặc biệt là ở vùng bụng.
Suy giảm testosteron cũng khiến cho nam giới có nguy cơ bị “nữ hóa tuyến vú”, tình trạng ngực bị to ra một cách bất thường, giảm bớt lông trên cơ thể.
Cần làm gì để chặn đà giảm testosteron?
Giải pháp tốt nhất đối với đại đa số đàn ông muốn ổn định mức testosteron là thay đổi lối sống. Việc ăn uống không điều độ, ngủ ít, không tập thể dục… là những yếu tố sẽ “nhấn chìm” testosteron. Đặc biệt, khi bị stress thì hormon căng thẳng cortisol tăng cao, testosteron sẽ bị giảm sút nhanh.
Vì vậy, nam giới nên cân bằng cuộc sống của mình giữa làm việc, nghỉ ngơi, thư giãn và năng tập luyện thể dục thể thao. Tăng cường dinh dưỡng: Ăn thêm dầu mỡ, những chất béo không bão hòa đơn, tốt cho sức khỏe như trứng, bơ, ôliu, dầu dừa, các loại hạt…
Cần ngủ đủ giấc, tắm nắng nhiều hơn. Một số môn thể dục đòi hỏi tăng cường độ làm việc của cơ bắp có thể tăng testosteron hiệu quả nhất như: nâng tạ, chạy nước rút, đạp xe đạp…
Nhưng lưu ý nên tập vừa sức, không gắng sức sẽ bị mỏi mệt và gây hiệu ứng ngược cho sức khỏe.