Theo báo cáo của Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP), Bộ đội biên phòng (BĐBP), đáng chú ý là việc hình thành nhiều đường dây, băng ổ nhóm mua bán người sử dụng công nghệ cao, internet, tính chất tội phạm ngày càng nghiêm trọng, với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt và có tính liên kết chặt chẽ với các tổ chức tội phạm trong và ngoài nước, đan xen với các loại tội phạm khác như ma túy, cờ bạc, lừa đảo, mại dâm...
Đường dây khép kín
Thượng tá Nguyễn Văn Mận-Trưởng phòng Phòng chống mua bán người, Cục PCMT&TP, BĐBP cho biết: “Đối tượng phạm tội chủ yếu là bọn lưu manh chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự về mua bán người, cấu kết với các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới tạo thành đường dây khép kín để lôi kéo, lừa gạt đưa nạn nhân ra nước ngoài bán.
Đối tượng phạm tội là người nước ngoài ngày càng gia tăng. Lợi dụng chính sách mở cửa của Việt Nam, các đối tượng vào thăm thân, du lịch, liên kết làm ăn kinh tế để lừa phụ nữ, trẻ em dưới dạng đưa đi làm việc ở nước ngoài, cho nhận con nuôi, kết hôn rồi đưa ra nước ngoài bán.
Nhiều người đã từng là nạn nhân bị bán sang Trung Quốc làm gái mại dâm hoặc lấy chồng bất hợp pháp, sau đó quay về Việt Nam thăm thân lại cấu kết với các đối tượng khác để lừa các nạn nhân bán sang Trung Quốc (kể cả người thân trong gia đình)”.
Thực tế qua các vụ án mua bán phụ nữ, trẻ em bị phát giác mà nạn nhân may mắn tự trốn thoát hoặc được lực lượng chức năng giải cứu cho thấy, ở xứ người, họ bị cưỡng ép bóc lột tình dục cho những người chồng hờ bản xứ hoặc khách làng chơi tại các cơ sở kinh doanh mại dâm.
Ngoài việc bị cưỡng bức tình dục, họ còn phải lao động nặng nhọc, nếu tìm cách bỏ trốn thì bị đánh đập thậm tệ. Phần lớn vụ việc mua bán phụ nữ, trẻ em chỉ được phát giác sau khi nạn nhân trốn thoát hoặc được giải cứu, mà tỷ lệ số nạn nhân may mắn này rất nhỏ so với con số thực tế.
Khoảng 500 nạn nhân/năm
Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 - 2020, trong những năm qua, Bộ Tư lệnh BĐBP đã ký Biên bản hợp tác phòng, chống tội phạm, chú trọng hợp tác quốc tế phòng, chống mua bán người xuyên quốc gia với 3 nước Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Hàng năm, lực lượng BĐBP Việt Nam phối hợp với lực lượng đấu tranh phòng, chống mua bán người 3 nước tiếp giáp đấu tranh, xử lý trên 10 chuyên án, vụ án mua bán người.
Các đơn vị BĐBP đã tổ chức hội đàm 231 lần; quan hệ gián tiếp, trao đổi, thông báo tình hình 538 lần với 616 thư. Thực tế cho thấy, công tác điều tra gặp rất nhiều trở ngại do người bị bán đang ở nước ngoài nên các điều tra viên không thể trực tiếp gặp gỡ, lấy lời khai.
Đó là chưa kể, nhiều nạn nhân bị khống chế hoặc không có tiền chuộc, địa chỉ bị mua bán không rõ ràng nên việc giải cứu gặp nhiều khó khăn, trong khi, để đưa các đối tượng liên quan đến hoạt động mua bán người ra ánh sáng pháp luật, cơ quan chức năng phải xác định được nạn nhân cụ thể.
Đây chính là lý do dẫn đến việc phát hiện, bắt giữ đối tượng phạm tội và giải cứu nạn nhân tại miền núi, vùng sâu, vùng xa thường chiếm tỷ lệ thấp so với các nạn nhân bị mua bán trót lọt.
Ví dụ, tại địa bàn tỉnh Yên Bái, trong năm 2016, có trên 230 phụ nữ được xác định là đã xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, trong đó, có hàng chục trường hợp vượt biên giới sang xứ người với mục đích lấy chồng hoặc bị lừa bán.
Tuy nhiên, trong thời gian này, mới chỉ có 4 vụ, 10 đối tượng có hành vi mua bán phụ nữ, trẻ em trên địa bàn tỉnh bị phát hiện, điều tra, số còn lại vẫn nằm trong diện “án chìm”.
Trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay, mỗi năm có khoảng 500 nạn nhân bị mua bán được các cơ quan chức năng tiếp nhận từ các nước láng giềng.
Hầu hết số nạn nhân này đều là phụ nữ có độ tuổi từ 18 đến dưới 40 và trẻ em gái, tập trung ở một số địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Từ năm 2016 đến nay, BĐBP đã chủ động xác lập đấu tranh thành công 27 chuyên án; bắt giữ, xử lý 167 vụ với 125 đối tượng, trong đó khởi tố và bàn giao Cơ quan Cảnh sát điều tra các tỉnh 53 vụ với 81 đối tượng; tổng số 430 nạn nhân, trong đó giải cứu 206 nạn nhân, tiếp nhận 110 nạn nhân, tự trở về 114 nạn nhân.
Éo le phận đời những nạn nhân
Chị Đào Thu Th (SN 1991, ở Thanh Xuân, Hà Nội) - một nạn nhân bị bán sang Trung Quốc sau khi được giải cứu đã chia sẻ, mỗi ngày bị đánh đập bị bắt phải bán dâm, quan hệ với 15 đến 20 khách. Nếu không chịu tiếp khách thì sẽ bị bỏ đói hoặc sẽ bị đánh đập.
Có nạn nhân về được đến Việt Nam đã trình báo về rất nhiều trường hợp bị đánh đến chết do không chịu bán dâm. Hầu hết chị em bị lừa bán đều bị ép buộc làm việc vất vả, lao động nặng nhọc, có người bị ép tiêm thuốc ngừa thai vĩnh viễn… sức khỏe giảm sút, ít có khả năng lao động bình thường, không còn khả năng sinh con. Nhiều người mắc các bệnh xã hội.
Tuy nhiên, dù may mắn thoát được địa ngục bên xứ người, khi trở về Việt Nam các nạn nhân của những kẻ buôn bán người lại phải đối mặt với tình cảnh hết sức bi đát. Đó là sự kỳ thị từ chính những người thân, họ hàng, bạn bè.
Khi trở về, không còn ruộng để canh tác, không còn gia đình (chồng đi lấy vợ khác, gia đình chồng hắt hủi, đất ở đã bị bố mẹ chia hết cho các anh em).
Có người trở về không lấy được chồng, sống nương nhờ anh em, hàng xóm. Không có việc làm, không vốn kinh doanh sản xuất.
Rất nhiều trong số đó đã quay trở lại hành nghề bán dâm ngay tại Việt Nam. Có những trường hợp khi về mang theo con nhỏ, nên kinh tế gia đình càng thêm khó khăn, phải làm thuê, nhưng cũng không đủ trang trải cuộc sống.
Hiện nay, có một nghịch lý là các nạn nhân mặc dù bị lừa, bị bắt ép, dọa dẫm nhưng lại mang một tâm lý không muốn về quê hương bởi sự kỳ thị của mọi người là nỗi ám ảnh khủng khiếp hơn cả những đọa đày ở trong động mại dâm.
Tuy nhiên, do không nắm được quy định, thiếu hiểu biết nên phần lớn nạn nhân bất hợp tác với cơ quan điều tra. Chính vì sự bất hợp tác này nên cơ quan điều tra rất khó khăn trong việc truy xét, làm rõ vụ việc.
Thậm chí, theo một thống kê của các tổ chức phòng chống buôn bán người, đa phần nạn nhân sau khi được giải cứu đều rất ít hợp tác với cơ quan công an, bởi họ sợ bị lộ ra việc từng bị ép, bắt đi bán dâm.
Thêm vào đó, trong nhiều vụ việc, các đối tượng thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nạn nhân để thoát tội. Nhiều vụ án mua bán phụ nữ, trẻ em khi được hỏi, nạn nhân đều răm rắp trả lời theo lời khai có sẵn đó là cả bên bán và bên mua đều tự nguyện.
Có trường hợp tự nhận mình đã quá lứa, lỡ thì, không bà con thân thích hoặc bị chồng và thân nhân ruồng bỏ nên giờ muốn được đưa đi kiếm chồng ở nước ngoài và đồng ý trả cho người dẫn đi một khoản tiền. Dư luận vẫn còn nhớ việc 14 cô gái Việt Nam bị đưa sang Thái Lan để “đẻ thuê”.
Các cô được cho ăn uống và nhận khoảng 5.000 USD cho mỗi lần sinh đẻ (được trả trước 1.000 USD sau khi có bầu ba bốn tháng và số còn lại sẽ được chuyển cho gia đình ở nhà sau khi sinh xong).
Có cô còn khẳng định mình biết chứ không bị lừa, và tự nguyện ký vào hợp đồng “đẻ thuê”. Trong những trường hợp đó rất khó cho cơ quan công an có thể điều tra, mở rộng truy xét.
Hoàn thiện chính sách pháp luật về phòng chống mua bán người
Đây là một trong những nội dung được đặc biệt quan tâm tại Hội thảo về công tác thực hiện chương trình hành động quốc gia về phòng chống mua bán người (2016 - 2018) và thảo luận về BLHS sửa đổi diễn ra chiều qua (30/7) tại Hà Nội do Tổ chức di cư quốc tế tổ chức.
Theo Trung tá Phạm Mai Hiên - Phó Trưởng Phòng 9 Tổng cục Cảnh sát, tình hình tội phạm mua bán người tại Việt Nam trong giai đoạn 2005-2018 tuy có giảm về số vụ, số đối tượng, số nạn nhân, nhưng vẫn diễn biến phức tạp.
Vì vậy, bên cạnh những nỗ lực về tập trung nguồn lực thực hiện các biện pháp phòng chống mua bán người, đấu tranh trấn áp tội phạm mua bán người, kịp thời hỗ trợ nạn nhân... thì việc hoàn thiện chính sách pháp luật về phòng chống mua bán người là rất quan trọng.
Bình luận