Ước mơ trở thành chuyên gia CNTT của thí sinh "tí hon"
Thí sinh “tý hon” Trần Đình Quý được bố đưa đến điểm thi |
Đó là Trần Đình Quý, thí sinh dự thi tại điểm thi Trường THPT chuyên Quốc học Huế.
Đình Quý cho biết: Hai bố con vượt 29 km từ Bình Điền về Huế để tham dự thi THPT quốc gia lần này. Khuyết tật cơ thể từ nhỏ khiến Quý chỉ cao chừng 1m, thế nhưng suốt 12 năm học qua, em luôn là HS khá giỏi, được thầy yêu, bạn mến. Chia sẻ mục tiêu tại kỳ thi này, Quý cho bết: “Em đăng ký xét tuyển vào ngành CNTT Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, với mong ước sau này trở thành chuyên gia công nghệ thông tin. Với kết quả làm bài mấy môn thi vừa qua, em cũng thấy tự tin, có lẽ mục tiêu của mình sẽ thành sự thực”.
Do quãng đường từ nhà đến điểm thi khá xa, từ ngày tập trung đến hết kỳ thi THPT quốc gia, Quý cùng bố ở trọ tại nhà bà con ở TP. Huế. Dù thiệt thòi về thể trạng, nhưng Quý cho biết em luôn muốn được đối xử như bao bạn bè khác, không cần đến những hỗ trợ đặc biệt nào, từ sinh hoạt đến học tập. “Trừ việc đi lại hơi bất tiện, còn lại mọi thứ với em đều bình thường. Khi đi học, em vẫn ngồi bàn giống các bạn. Cũng có cái lợi, vì các thầy cô luôn cho em ngồi đầu bàn”, Quý cười nhớ lại những ngày đi học vừa kết thúc.
Đi thi để làm gương cho… con cháu
Thí sinh Hồ Ngọc Tú năm nay đã 53 tuổi quyết tâm thi đỗ để con cháu noi gương |
Điểm thi 32, Trường Tiểu học Kim Đồng (Thị trấn A Lưới, huyện A Lưới) kỳ thi THPT 2017 có một thí sinh “đặc biệt”: Ông Hồ Ngọc Tú, SN 1964, trú tại xã Hồng Thái, huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế).
Chia sẻ với chúng tôi sau khi kết thúc ngày thi thứ 2 vào chiều 23/6, thí sinh lớn tuổi này cho biết ngoài mục tiêu có được tấm bằng tốt nghiệp THPT chính quy, ông đăng ký tham dự kỳ thi này còn với ước nguyện làm gương cho con cháu về sự cần thiết của việc học hành. Ông hiện là cán bộ HĐND xã Hồng Thái, đã hoàn thành chương trình bổ túc văn hóa tại Trung tâm GD Hướng nghiệp – Dạy nghề của huyện.
“Với tuổi này, thực sự việc thi cử, học hành đối với tôi là rất vất vả” - ông Tú tâm sự “Tuy vậy, mình phải học, phải có tấm bằng để con cháu sau này nhìn vào. Mình có uốn nắm, hướng dẫn hay đặt những kỳ vọng vào chúng nó, thì ít nhất mình cũng phải có cái gì đã. Thế nên, môn thi nào tôi cũng cố gắng làm hết sức mình, chỉ mong đạt được điểm tốt nghiệp là mừng lắm rồi”.
Cũng theo thí sinh “đặc biệt” này, tại thời điểm kỳ thi, ông đã “giữ chức” ông nội, ông ngoại của 10 đứa cháu.
Phó Chủ tịch HĐND xã đi thi tốt nghiệp
Thí sinh Nguyễn Văn Quý đã 4 lần đi thi vẫn không nản lòng |
Cũng tại điểm thi 32, chúng tôi được gặp gỡ một thí sinh đặc biệt khác. Đó là anh Nguyễn Văn Quý (SN 1971, trú xã Hồng Tiến, huyện A Lưới). Không phải là chuyện anh đáng tuổi cha chú của phần lớn thí sinh cùng dự thi, mà anh hiện đang giữ chức Phó Chủ tịch HĐND xã Hồng Tiến.
“Mình được lãnh đạo xã cử đi học bổ túc văn hóa tại Trung tâm GD Hướng nghiệp – Dạy nghề của huyện và hoàn thành việc học từ 4 năm trước. Tuy nhiên, cả 3 lần trước đi thi đều bị trượt, không biết năm nay thế nào” - anh Quý chia sẻ. Đánh giá về những qua, thí sinh cho rằng hoàn thành được khoảng 50% nội dung của đề thi, nếu may mắn sẽ đủ điểm tốt nghiệp THPT.
“Năm nay không được, năm sau mình sẽ thi tiếp, đến lúc có được tấm bằng mới thôi, quan trọng lắm, nó khẳng định giá trị của mình mà sau này con cháu cũng nhìn vào tự hào”, anh Quý nêu quan điểm khá tương đồng với thí sinh lớn tuổi Hồ Ngọc Tú
Thầy Huỳnh Trường Thân, Trưởng điểm thi 32 (với 3 đơn vị gồm Trường THPT Hương Lâm, Trường THCS-THPT Hồng Vân và Trung tâm GD Hướng nghiệp – Dạy nghề huyện A Lưới) cho biết điểm thi có hơn 200 thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2017. Đây là khu vực đặc thù, phần lớn thí sinh là người đồng bào, dân tộc thiểu số tham gia dự thi. Trong đó, có nhiều thí sinh tuổi đời đã cao, nhưng vì nhu cầu phục vụ công việc nên vẫn tham gia ứng thí.