Thử tưởng tượng một thế giới mà khủng long không bị tuyệt chủng, Đức là bên thắng cuộc trong thế chiến thứ 2, và bạn được sinh ra tại một nước hoàn toàn khác.
Những thế giới như vậy có thể tồn tại trong các vũ trụ song song, thường xuyên tương tác với nhau, và theo nhóm chuyên gia của Đại học Griffiths (Úc) cùng Đại học California (Mỹ), giả thuyết này có thể giải quyết một số bất thường trong cơ học lượng tử khiến giới khoa học phải đau đầu suốt nhiều thế kỷ.
Các chuyên gia còn cho rằng thay vì phát triển một cách độc lập, những thế giới kế cận tác động và ảnh hưởng lẫn nhau bằng một lực đẩy rất khó phát hiện.
Họ tuyên bố rằng chính nhờ lực tương tác đó mới có thể giải thích mọi thứ về hoạt động kỳ quặc của các phân tử khi tương tác ở mức độ siêu nhỏ, theo báo cáo trên chuyên san uy tín Physical Review X.
Trong giới khoa học, cơ học lượng tử nổi tiếng là khó lần theo dấu vết, luôn hiển thị các hiện tượng quái đản hoàn toàn không tuân theo quy luật nhân quả.
“Ý tưởng về các vũ trụ song song trong cơ học lượng tử đã xuất hiện từ năm 1957”, theo Giáo sư vật lý Howard Wiseman của Đại học Griffith. “Trong giả thuyết nổi tiếng lúc đó là “Sự diễn dịch về đa thế giới”, mỗi vũ trụ nối kết vào một cụm gồm các vũ trụ mới mỗi khi một cuộc đo lường lượng tử được thực hiện.
Do đó mọi khả năng đều có thể xảy ra, có thể trong một vài vũ trụ tiểu hành tiêu diệt khủng long chỉ bay sượt qua trái đất, hoặc người Bồ Đào Nha khai hóa châu Úc”, theo GS Wiseman.
Tuy nhiên, phe chỉ trích đặt câu hỏi về sự tồn tại trên thực tế của những vũ trụ khác, vì có vẻ như chúng không gây ảnh hưởng gì đối với vũ trụ của chúng ta.
GS Wiseman nhấn mạnh giả thuyết của nhóm ông có hướng tiếp cận hoàn toàn khác, giống như cái tên “Những thế giới nhiều tương tác” đã chỉ ra.
Giả thuyết “Đa thế giới” bắt nguồn từ chuyên gia Hugh Everett, người cho rằng khả năng duy trì hai trạng thái cùng lúc của các hạt lượng tử có thể được giải thích rằng cả hai trạng thái đó đều đồng thời tồn tại trong các vũ trụ khác nhau.
Cùng ý tưởng như Everett, GS Wiseman và đồng sự đưa ra giả thuyết vũ trụ mà chúng ta đang trải nghiệm chỉ là một trong số vô vàn thế giới. Họ cho rằng một số thế giới hầu như tương đồng với thế giới chúng ta, trong khi hầu hết đều hết sức khác biệt.
Toàn bộ các thế giới đều hiện hữu như nhau, tồn tại liên tục qua thời gian và chiếm hữu những đặc tính được định nghĩa một cách chính xác.
Các chuyên gia cho rằng hiện tượng lượng tử phát sinh từ một lực đẩy tổng quát giữa các thế giới kế cận với mục đích là làm cho những thế giới này càng thêm khác biệt.
TS Michael Hall cũng thuộc Đại học Griffith bổ sung rằng giả thuyết “Những thế giới nhiều tương tác” có thể thậm chí tạo ra cơ hội ấn tượng để thử nghiệm sự tồn tại của các thế giới khác.
“Điểm tuyệt vời trong sự tiếp cận của chúng tôi là nếu chỉ có một thế giới, giả thuyết của chúng tôi sẽ được rút gọn về cơ học Newton, trong khi nếu thật sự có vô vàn thế giới, nó tái sinh thành cơ học lượng tử” = TS Hall cho biết.
Nhận xét về công trình trên, GS Bill Poirier của Đại học Công nghệ Texas đánh giá rằng đây là những ý tưởng tuyệt vời, không chỉ về mặt khái niệm mà còn đối với những viễn cảnh đột phá có thể thực hiện được trong tương lai.