(GD&TĐ) - Đảo Cá là một dải đất nằm lọt thỏm giữa lòng hồ Trị An, khi hồ tích nước, doi đất ấy trở thành một ốc đảo giữa bốn bề mênh mông nước. Không như đảo Cá, Suối Đục 1 và Đồi Trường lại là những điểm trường nằm hun hút giữa bạt ngàn rừng sâu. Tuy nhiên, suốt bao năm qua, dù mùa nắng hay mùa mưa, nhiều thế hệ thầy cô giáo tại ấp 2, ấp 5, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán (Đồng Nai) vẫn miệt mài chèo xuồng, băng rừng gieo chữ giữa muôn trùng gian khó.
Ba chàng lính ngự lâm giữa đảo cá
Trường tiểu học Lam Sơn có một điểm chính và sáu điểm lẻ nằm rải rác khắp các ấp, xã dưới những tán rừng xanh thẳm như: Lâm Trường 2, Đồi Dưng, Đồi Trường, Đảo Cá, Suối Đục 1 và 2. Trong đó, Đảo Cá là một điểm trường khó khăn và bất tiện nhất vì nằm lọt thỏm giữa hồ Trị An mùa tích nước. Dù là mùa khô nhưng để về được với điểm trường Đảo Cá, chúng tôi cũng phải rất vất vả mới vượt hết quãng đường rừng hơn 40 km, qua hàng chục khe suối, đánh vật với những đoạn đường hiểm hóc, đầy rẫy những hố sâu mới tới nơi.
Đã từng đi rất nhiều những điểm trường vùng sâu, vùng khó, từng sống và cảm nhận những thiếu thốn và khó khăn mà đội ngũ giáo viên bám rừng, bám làng dạy chữ, nhưng những gì được trải nghiệm khi tìm về những điểm trường xa xôi, heo hút nhất thuộc trường tiểu học Lam Sơn khiến tôi tâm phục một điều là giáo viên ở đây tuy cực khổ, thiệt thòi nhưng lại yêu thương học trò rất mực.
Lớp học của thầy Phan Văn Kiên |
Thấy người lạ đến thăm, ba thầy giáo trẻ “cắm đảo” niềm nở ra chào rồi lại vội vàng quay về lớp học. Ngồi với thầy Lê Văn Khâm, hiệu phó trường TH Lam Sơn dưới gốc cây già, chúng tôi hiểu hơn về “ba chàng lính ngự lâm” của phân hiệu Đảo Cá. Theo lời thầy Khâm, ba giáo viên trẻ Phan Văn Kiên, Hứa Văn Ngọc, Đỗ Văn Ngọc đều là những giáo viên trẻ đầy nhiệt huyết, họ không chỉ tình nguyện về đây dạy chữ, mà còn là những người tiên phong trong việc xóa mù, giúp học sinh thay đổi ý thức học tập.
Cuộc sống bám đảo tuy thiếu thốn nhưng bằng tình yêu với mảnh đất nơi đây, vì tình yêu với lũ học trò nghèo, ba thầy giáo trẻ đã thay nhau thực hiện chính sách “canh tác thuần nông” để cải thiện cuộc sống, đồng thời luôn sát cánh và hỗ trợ học sinh. Để động viên giáo viên, ngoài chính sách hỗ trợ theo quy định của tỉnh, nhà trường cũng phụ thêm một ít tiền xăng xe, chi phí đi lại cho các thầy. Tuy nhiên, với giá cả đắt đỏ, cùng các chi phí sinh hoạt ở vùng khó khá cao nên những chính sách hỗ trợ của tỉnh như phụ cấp thêm 50% mức lương (trong 5 năm đầu), phụ cấp khu vực (tùy địa bàn công tác thuộc khu vực khó khăn hay không) không thấm vào đâu. Thầy Khâm chia sẻ: Sinh sống ở vùng sâu, các thầy, cô phải mua lương thực, thực phẩm cao gấp hai lần so với giá bên ngoài. Chính vì giá cả đắt đỏ, đồng lương eo hẹp nên bữa ăn của các thầy, cô rất đạm bạc.
Lau vội những giọt mồ hôi trên trán sau giờ lên lớp, thầy Phan Văn Kiên tâm sự rất thật: “Khi mới ra trường, tụi tôi cũng như mọi giáo viên khác luôn khao khát được dạy ở những trường trung tâm, trường điểm. Tuy nhiên, vì xác định việc dạy học là mang ánh sáng văn hóa cho học sinh, là trách nhiệm của những người làm thầy nên khi ngành phát động phong trào giáo viên trẻ về vùng sâu dạy chữ, chúng tôi đã gác lại sau lưng những toan tính đời thường để lên đường.
Sau nhiều năm bám lớp vùng sâu, cảm nhận được tình yêu thương của học sinh, phụ huynh mảnh đất nơi này dành cho mình quá lớn, chúng tôi không nỡ bỏ trường, bỏ lớp, bởi ai cũng ý thức được học sinh nơi đây rất cần mình. Chính sự nghèo khó của học sinh, cuộc sống nhân ái đầy tình thương của người dân nơi đây dành cho giáo viên là động lực giúp chúng tôi bám lớp, bám trường”.
Chia sẻ về cuộc sống nơi vùng đất khó, thầy Đỗ Văn Ngọc chia sẻ: "Chuyện khó khăn và thiếu thốn ở nơi đây là điều không tránh khỏi. Ngay từ những ngày đầu đặt chân đến đây dạy học, tôi đã xác định tư tưởng và mục đích cho riêng mình. Nhiều hôm nước lớn, đi lại quá khó khăn, anh em nấu mì gói ăn với nhau rồi lên lớp. Bữa nào thiếu rau thì đi xin hay hái rau rừng. Được cái, phụ huynh ở đây yêu thương giáo viên lắm, thấy tụi tôi thiếu thốn, có cái gì ngon, họ cũng đều san sẻ. Chính tình cảm và tấm lòng người dân đã níu giữ ngọn lửa nhiệt huyết nơi chúng tôi mãi bùng cháy".
Đến những “nữ tướng” trên mặt trận xóa mù
Chia tay điểm trường Đảo Cá, chúng tôi cùng thầy Khâm tiếp tục len lỏi theo những con đường rừng để đến các điểm trường Đồi Dưng, Đồi Trường, Suối Đục 1. Quả đúng như lời thầy Khâm nói trước khi đi, đường vào những điểm lẻ này còn khó gấp trăm lần điểm trường nơi đảo Cá. Sau cả buổi len lỏi trên những đoạn đường lầy lội, với nhiều ổ voi, ổ trâu trong rừng, gần hai giờ chiều, chúng tôi mới đến được điểm lẻ Suối Đục 1 (ấp 5), nơi những “nữ tướng” Mỹ Tuyết, Thảo Lan, Ngọc Thảo đang bám rừng, gieo chữ.
Tiếp chuyện với chúng tôi, cô Tuyết cho biết, cô đã có 23 năm bám các điểm trường vùng sâu, xa ở huyện Định Quán. Nay dù tuổi đã cao nhưng ngày ngày cô vẫn đều đặn vượt rừng đến lớp với đám học trò thân yêu của mình. Biết bao thế hệ học sinh đã lớn lên và trưởng thành bằng tình yêu thương của cô. Với cô, trái tim nóng ấm về một khát khao giúp nơi này đổi thay vẫn chảy tràn trong huyết quản. Có lẽ vì thế mà sau 23 năm bám rừng, dạy chữ, tình yêu lớn nhất nơi cô vẫn chỉ là khát khao dạy chữ dành cho lũ trẻ nghèo nơi này.
Học trò vùng khó |
Chưa có thâm niên như cô Tuyết, nhưng hai cô giáo trẻ Thảo Lan, Ngọc Thảo được xem như những “nữ tướng” nơi bản làng khát chữ vì những cống hiến và hy sinh thầm lặng của mình. Với giáo viên nữ, chuyện bám rừng, dạy chữ luôn là một thách thức, không chỉ bởi những lý do khó khăn khách quan mà còn ở chính những khát vọng rất riêng của người phụ nữ. Nhiều năm qua, 3-4 giáo viên trẻ tại điểm trường Suối Đục 1, Đồi Trường không chỉ đảm nhận vai trò là một người thầy, mà còn gánh vác cả vai trò người mẹ của học sinh nơi đây. Các cô lo cho học sinh từng miếng ăn, con chữ. Lo tìm đến nhà, vận động các em ra lớp mỗi khi có đứa chán học. Cứ thế, ngày qua ngày, các cô che chở, vỗ về cho những “cánh chim non” ngày thêm cứng cáp và trưởng thành. Nhìn nơi ăn, chốn ở của các cô giáo ở đây, chúng tôi thật sự xao lòng khi được các cô mời dùng bữa cơm trưa, với thức ăn chỉ có vài lát thịt, rau xanh và tô mì tôm. Chúng tôi trân trọng và hiểu hơn những giá trị vững bền mà các thầy cô giáo trẻ đã mang lại cho mảnh đất nơi này.
Nói về cuộc sống và những ước vọng của mình, cô giáo trẻ Ngọc Thảo không ngại chia sẻ: "Đã trót nghiệp yêu trẻ thì không phân biệt dạy học trò nào. Cái chính là chúng ta làm được gì và xây dựng được gì cho chính các em. Giáo viên trẻ tụi em khát khao và ước vọng thì có rất nhiều, nhưng khi đã về đây, gắn bó cuộc đời mình với học sinh, với bản làng thì điều hạnh phúc nhất, vui nhất, mà có lẽ cũng là khát vọng lớn nhất chính là được thấy các em vui mỗi khi đến trường. Sự học nơi đây có thể khó, cuộc sống mưu sinh nơi đây có thể khiến các em chán nản, nhưng niềm tin về một điều tươi đẹp trong tương lai luôn vững chắc trong bản thân mỗi giáo viên tụi em".
Nghe cô giáo trẻ Ngọc Thảo chia sẻ, thầy Khâm cũng không giấu được niềm vui. Thầy cho biết vào đầu mỗi năm học, trường thầy chộn rộn hẳn lên khi bàn đến vấn đề phân công giáo viên dạy tại các điểm lẻ. Giáo viên nào cũng có lý do chính đáng để được chiếu cố dạy gần nhà. Tuy nhiên, với 6 điểm lẻ vùng sâu, nơi gần nhất 8 km, xa nhất 35 km (lấy điểm chính làm trung tâm) thì số lượng giáo viên trẻ mới ra trường tình nguyện về bám đảo, neo rừng luôn rất đông. Có lẽ vì thế mà suốt nhiều năm qua, số lượng học sinh nghỉ bỏ học nơi sáu điểm lẻ của trường ngày một ít đi. Tỉ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học với chất lượng khá giỏi ngày càng nhiều. “Những điều tốt đẹp mà Suối Đục 1, Đồi Trường đang có, đã ghi nhận sự đóng góp không nhỏ của nhiều thế hệ giáo viên nơi này. Họ không chỉ hy sinh hạnh phúc riêng tư, mà còn cống hiến tất cả nhiệt huyết và khát vọng tuổi trẻ cho sự phát triển chung nơi này”- thầy Khâm nói.
Ông Ngô Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) nói “Chính vì yêu nghề nên họ mới bám lớp và con em chúng tôi mới có cơ hội tiến thân, thoát nghèo”.
PV