Những sự kiện khoa học đáng chú ý năm 2025

GD&TĐ - Năm 2025 được dự báo sẽ ghi nhận những đổi mới đầy hứa hẹn trong các lĩnh vực khoa học như y tế, vũ trụ và khí hậu.

Thuốc giảm cân giúp bệnh nhân kiểm soát lượng đường trong cơ thể.
Thuốc giảm cân giúp bệnh nhân kiểm soát lượng đường trong cơ thể.

Dưới đây là những tiến bộ đáng chú ý sẽ định hình bức tranh khoa học trong năm tới.

Thuốc giảm cân “thần tốc”

Sau tiếng vang của thuốc giảm cân Wegovy, năm 2025 sẽ là năm của phương pháp điều trị bệnh béo phì. Công ty dược phẩm Eli Lilly, Mỹ, sẽ kết thúc thử nghiệm giai đoạn III cho viên thuốc uống orforglipron và đánh giá tính an toàn lâu dài của thuốc ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 trong năm nay.

Loại thuốc này dễ sản xuất hơn và có khả năng rẻ hơn so với các phương pháp điều trị hiện có. Trong thử nghiệm giai đoạn II, những người dùng liều cao nhất giảm 24,2% cân nặng trong 11 tháng. Các loại thuốc hiện nay có xu hướng giảm khoảng 15 - 20% cân nặng trong cùng thời gian.

Ngoài ra, công ty Amgen, Mỹ, đang chuẩn bị thử nghiệm giai đoạn III cho loại thuốc điều trị béo phì. Thuốc có thể dùng hàng tháng, giúp kiểm soát lượng đường trong máu và quá trình trao đổi chất.

Thay đổi trong ngành Khoa học Mỹ

Cựu Tổng thống Donald Trump trở lại nắm quyền điều hành nước Mỹ từ tháng 1/2025, đánh dấu những thay đổi sâu rộng đối với ngành Khoa học Mỹ và tác động lên toàn cầu. Trong nhiệm kì trước, ông đã đưa Mỹ ra khỏi thoả thuận khí hậu Paris năm 2015, một cam kết quốc tế nhằm hạn chế nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 - 2 độ C so với giai đoạn trước thời kì công nghiệp.

Một số nhà nghiên cứu lo ngại nước Mỹ dưới chính quyền Trump sẽ tiếp tục rút khỏi các thoả thuận về biến đổi khí hậu hoặc các hoạt động khoa học quốc tế. Tổng thống Trump được kì vọng sẽ đưa ra các chính sách mới có tác động đến sức khoẻ sinh sản và trí tuệ nhân tạo. Trong chiến dịch tranh cử, Trump cam kết bãi bỏ lệnh hành pháp của cựu Tổng thống Joe Biden về trí tuệ nhân tạo (AI), hướng dẫn để phát triển công nghệ AI an toàn và có trách nhiệm

Chuẩn bị cho đại dịch

Tháng 3/2025 sẽ đánh dấu 5 năm kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trên toàn thế giới. Đại dịch đã thúc đẩy quá trình nghiên cứu và điều chế vắc-xin.

Thế giới vẫn đang học cách chuẩn bị và ngăn ngừa các đại dịch trong tương lai. Các quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bỏ lỡ thời hạn ban đầu là tháng 6/2024 để thống nhất về một hiệp ước đại dịch toàn cầu.

Đàm phán đi vào bế tắc do bất đồng về các quy tắc chia sẻ mẫu và trình tự bộ gen của tác nhân gây bệnh, sử dụng các công nghệ có thể giúp các nước thu nhập thấp và trung bình sản xuất vắc-xin, thuốc và bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh trong giai đoạn dịch. Các quốc gia thành viên hiện đang đặt mục tiêu hoàn thiện văn bản thoả thuận vào tháng 5/2025.

Những nỗ lực trên diễn ra trong thời điểm quan trọng. Cụ thể, vào tháng 8/2024, WHO đã cập nhật danh sách các tác nhân gây bệnh có thể gây ra đại dịch tiếp theo, trong đó có cả vi-rút gây bệnh cúm A, sốt xuất huyết và bệnh đậu mùa khỉ.

Máy đọc suy nghĩ

Năm nay, Trung Quốc có kế hoạch thử nghiệm các công nghệ giao diện não - máy tính (BCI) để cạnh tranh với các thiết bị cấy ghép của công ty Neuralink, do Elon Musk đứng đầu. Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc đã công bố kế hoạch phát triển các thiết bị BCI cho các ứng dụng từ phục hồi chức năng y tế đến thực tế ảo.

Một trong những sản phẩm này là NEO, một BCI không dây và ít xâm lấn với 8 điện cực được đặt trên vỏ não cảm biến vận động. Thiết bị có khả năng phục hồi chuyển động của bàn tay ở những người bị liệt. Các thử nghiệm lâm sàng cho NEO bắt đầu vào năm 2023 và kết quả ban đầu cho thấy một bệnh nhân bị chấn thương tuỷ sống có thể ăn, uống và cầm nắm đồ vật sau 9 tháng sử dụng BCI tại nhà.

Khám phá vũ trụ

Năm 2024 ghi dấu lần đầu tiên một tàu vũ trụ tư nhân hạ cánh thành công trên Mặt trăng nên bước sang 2025 có thể là năm bận rộn để khám phá Mặt trăng. Vào tháng 1, công ty iSpace, Nhật Bản, sẽ phóng thử nghiệm tàu vũ trụ Venture Moon, mang theo tàu đổ bộ và xe tự hành siêu nhỏ, lên Mặt trăng. Sau đó, công ty tư nhân Intuitive Machines, Mỹ, sẽ gửi tàu đổ bộ đến cực Nam của Mặt trăng.

Ngoài ra, nhiều sứ mệnh khám phá vũ trụ khác như nghiên cứu gió Mặt trời, xây dựng bản đồ bầu trời, khám phá sao Hỏa… sẽ được triển khai vào năm 2025.

Hai sứ mệnh nghiên cứu về gió Mặt trời - dòng hạt tích điện chảy từ lớp khí quyển ngoài cùng của Mặt trời - dự kiến được triển khai vào năm 2025. Vệ tinh SMILE (Solar Wind Magnetosphere Ionosphere Link Explorer), dự án hợp tác giữa Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) và Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, sẽ nghiên cứu cách gió Mặt trời tương tác với từ trường Trái đất.

Trong khi đó, sứ mệnh PUNCH (Polarimeter to Unify the Corona and Heliosphere) của NASA sẽ đi sâu vào bầu khí quyển của Mặt trời, thu thập các hình ảnh 3D để giải đáp những câu hỏi còn tồn tại suốt 60 năm qua về cách năng lượng từ Mặt trời lan tỏa trong Hệ Mặt trời.

Ngoài ra, NASA cũng dự kiến phóng vệ tinh SPHEREx vào năm 2025. Đây là đài quan sát sẽ lần đầu tiên lập bản đồ toàn bộ bầu trời qua 102 dải màu sử dụng ánh sáng cận hồng ngoại. Trong hơn hai năm, vệ tinh này sẽ thu thập dữ liệu từ hơn 450 triệu thiên hà và hơn 100 triệu ngôi sao trong Ngân Hà, hỗ trợ các nhà khoa học tìm hiểu về nguồn gốc của vũ trụ.

nhung-su-kien-dang-chu-y-nam-2025-1.jpg
Vệ tinh SPHEREx sẽ hỗ trợ các nhà khoa học tìm hiểu về nguồn gốc của vũ trụ.

Rừng nhìn từ không gian

Các nhà nghiên cứu khí hậu sẽ có cơ hội tiếp cận những dữ liệu mới để nghiên cứu về rừng và các thảm họa thiên nhiên thông qua việc phóng hai vệ tinh quan trọng. Nhiệm vụ NISAR (Radar khẩu độ tổng hợp NASA-ISRO), dự án hợp tác giữa NASA và Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ, sẽ lập bản đồ gần như toàn bộ bề mặt đất và băng của Trái đất hai lần trong mỗi chu kỳ 12 ngày.

Trong khi đó, nhiệm vụ Biomass của ESA, được phóng từ Kourou, Guiana thuộc Pháp, sẽ sử dụng công nghệ radar để đo lường sinh khối rừng và nghiên cứu vai trò của nó trong chu trình carbon. Những dữ liệu thu thập từ các nhiệm vụ này có thể đóng góp quan trọng vào các cuộc thảo luận tương lai về việc thực hiện các cam kết chấm dứt nạn phá rừng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ