Là một Kiến trúc sư, với hơn 40 năm hoạt động trong thiết kế, kiến trúc đô thị và quản lý doanh nghiệp trong các lĩnh vực quy hoạch, xây dựng... Trần Tiến Dũng (hay được gọi là Dũng Trống) đã trải qua rất nhiều cung bậc của cuộc sống, tương tác, tham gia nhiều hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa... trải nghiệm và chứng kiến vô vàn thăng trầm của xã hội, con người và của chính mình.
Là người yêu nghệ thuật, cho dù bận với công việc, cuộc sống... trong anh luôn có một góc được ưu tiên cho hội họa và âm nhạc.
Trần Tiến Dũng từng là tay trống trong ban nhạc thời sinh viên trường Kiến trúc. Anh là nhà sưu tập tranh nghệ thuật khi còn công tác. Nghệ thuật giúp cho anh vượt qua, thư giãn, và tạo những giây phút yên bình, những khoảng lặng trong cuộc sống thường ngày.
Không gian triển lãm “Khoảng lặng II” của họa sĩ Dũng Trống. |
Sau khi rời chính trường, giống như bất cứ ai, những hoạt động sôi nổi, những toan tính, những bon chen cuộc đời, bỗng chốc dừng lại. Với nhiều người, sẽ là khoảng lặng của đời người, sẽ buồn và thậm chí cú sốc vì nhiều thứ khác quá với thói quen mấy chục năm qua. Thế nhưng với Dũng Trống, khoảng lặng chính là lúc anh tìm đến với hội họa, nơi anh được bắt đầu với thế giới mới, anh được kết nối với cộng động mới, với những người anh, người bạn, đàn em và đặc biệt, một không gian cho anh thỏa sức tâm sự.
Khoảng lặng cuộc đời, với nhiều người là những khoảng lặng đúng nghĩa, rời xa mọi thứ để về với gia đình. Nhưng với Dũng Trống, khoảng lặng của anh lại khá ồn ào, sôi động với những hoạt động nghệ thuật của riêng mình.
Anh biến mình từ một Kiến trúc sư, từ một nhà sưu tập, từ một khán giả, thành người nghệ sĩ, một họa sĩ, một người kể chuyện đời bằng cây cọ, hộp màu tạo ra những nét vẽ, hình khối và màu sắc trên toan.
“Những lúc ngồi buồn, đi chơi mãi cũng chán, nhờ hội họa, không những anh có không gian tự sự, mà hội họa còn kéo bạn bè tới với anh, ngày nào cũng vui", Dũng Trống tâm sự trong khi chia sẻ những tác phẩm vừa hoàn thành.
Gần chục năm qua, đến với hội họa ở vai trò là họa sĩ, anh đã vẽ hàng trăm tác phẩm với nhiều đề tài. Chân dung có, phong cảnh có, tả thực có, ấn tượng có, trừu tượng có, trừu tượng biểu hiện có. Những nội dung xoay quanh các câu chuyện của cuộc sống, từ tình yêu đôi lứa, mẫu tử, đến những triết lý sống, những điển tích châm ngôn, những răn dạy ẩn ý của tiền nhân, rồi đến những ước vọng hướng tới điều thiện, điều tốt đẹp nhất của con người.
Các tác phẩm của Dũng Trống nhận được nhiều sự ủng hộ, động viên của các đàn anh đi trước.
“Dũng Trống vẽ ngày càng chắc chắn, có nội dung, hình họa vững, lợi thế của một kiến trúc sư, các tác phẩm được vẽ không giống ai" - Họa sĩ Trịnh Sinh Nha, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Art Exchange chia sẻ.
Hoạ sĩ Phan Thiết, Trịnh Minh Sơn... cũng thường xuyên là những người cố vấn, phê bình cho những tác phẩm Dũng Trống sáng tác.
Tác phẩm trưng bày tại triển lãm “Khoảng lặng II”. |
Dũng Trống đã có một số triển lãm cá nhân như “Khoảng lặng” tháng Tư năm 2021, và nhiều triển lãm chung với các họa sĩ. Các tác phẩm của anh được đón nhận và đánh giá cao từ các họa sĩ, nhà phê bình, được nhiều nhà sưu tập đặt cho bộ sưu tập của họ.
Ở mỗi triển lãm, các tác phẩm của Dũng Trống luôn khác hơn, mỗi đề tài, mỗi cách thể hiện luôn đổi mới và ấn tượng.
Triển lãm “Khoảng lặng II” là thành quả sáng tác của anh trong hơn 3 năm qua. Các tác phẩm được thể hiện theo một phong cách riêng và ổn định tạo thành series tranh liền mạch và kết nối giữa các tác phẩm với nhau.
Ở “Khoẳng lặng II”, hơn 30 tác phẩm chủ yếu là Trừu tượng biểu hiện, với nội dung có chủ đích và biểu hiện có đầu mối khiến khán giả có thể chiêm nghiệm được dù là tranh trừu tượng.
Có 9 tác phẩm anh sử dụng màu xanh là chủ đạo, trừu tượng, mỗi một tranh là một câu chuyện đời: “Suy tư”, “Hiện sinh”, “An bình”, “Thái bình”, “Hoài niệm”, “Nguyện cầu” hay “Chân tu”, “Tự do” và “Hư vô”, và là chuỗi tác phẩm chính cho triển lãm.
Không chỉ các câu chuyện về bên ngoài, xem tranh Dũng Trống ta có thể nhận thấy những tự sự của riêng anh, những câu chuyện anh kể về cuộc đời, những trải nghiệm, thăng trầm đã qua. Thậm chí, những câu chuyện gia đình, bản thể con người nhất.
Chuyện của Dũng Trống nhưng mỗi khán giả cũng có thể tự tìm thấy, tự nhận ra đâu đó cũng chính là chuyện của chính mình vậy.
Thành quả của trong khoảng lặng cuộc đời Dũng Trống là các tác phẩm nổi sóng, đang được sự đón nhận rất nồng nhiệt của giới hội hoạ và cộng đồng yêu nghệ thuật.
Triển lãm “Khoảng lặng II” được khai mạc lúc 17h ngày 8/3/2024 tại Phòng trưng bày Bảo tàng Mỹ thuật Việt nam, số 66 Nguyễn Thái Học, Ba đình, Hà Nội đến hết ngày 17/3/2024.