Những 'nhà giáo làm theo lời Bác': Trau dồi cả đức lẫn tài

GD&TĐ - “Nhà giáo làm theo lời Bác” là danh hiệu ý nghĩa được ngành Giáo dục Nghệ An trao tặng cho các thầy, cô giáo...

Thầy Dương Quốc Việt - Trường THCS Đại Minh (huyện Yên Thành) cùng đồng nghiệp trong lễ biểu dương nhà giáo Nghệ An làm theo lời Bác.
Thầy Dương Quốc Việt - Trường THCS Đại Minh (huyện Yên Thành) cùng đồng nghiệp trong lễ biểu dương nhà giáo Nghệ An làm theo lời Bác.

“Nhà giáo làm theo lời Bác” là danh hiệu ý nghĩa được ngành Giáo dục Nghệ An trao tặng cho các thầy, cô giáo nhân dịp Kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những năm qua, bằng tinh thần đoàn kết, chia sẻ, kết nối của đội ngũ nhà giáo đã đưa kiến thức, giá trị, hành trang quý giá tốt đẹp nhất cho học sinh thân yêu.

Thầm lặng vượt khó vì trò

“Những năm đầu công tác, tôi được phân công giảng dạy tại Trường Mầm non Hữu Khuông - xã ốc đảo đặc biệt khó khăn nhất của huyện Tương Dương, Nghệ An. Đường đến trường phải đi bằng xe máy, rồi chuyển sang thuyền, lội suối, cuốc bộ hàng giờ mới tới nơi. Được 6 tháng tuổi, con phải theo mẹ đến điểm trường xa. Bản thân vừa dạy học, vừa chăm con nhỏ”, cô Vi Thị Hằng nhớ lại những năm khó khăn nhất trong nghề của mình.

Chồng làm thợ xây công việc không ổn định, hoàn cảnh quá vất vả, cô làm đơn xin chuyển công tác và được chuyển từ Hữu Khuông về Trường Mầm non Lượng Minh. Trường mới cách nhà hơn 20km, chưa kể những điểm lẻ xa hơn, nhưng cô có thể đi về hằng ngày. Những năm qua, cô không ở lại cắm bản như nhiều đồng nghiệp vì ở nhà, cô Hằng còn con nhỏ, chăm sóc bố ruột bị tai biến, bố chồng già yếu thường xuyên ốm đau. Mỗi ngày, cô dậy sớm lo cho bố và con ăn uống, vệ sinh, rồi mới đến trường.

“Dù vất vả, tôi vẫn cố gắng chu toàn việc nhà, giữ vững đạo đức nghề nghiệp, không ngừng học tập, trau dồi chuyên môn, rèn luyện phẩm chất nhà giáo theo lời Bác dạy, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và xứng đáng với niềm tin yêu của đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh”, cô giáo người Thái tâm sự.

Nhiều năm trước, từ huyện Đô Lương, cô Đỗ Thị Hiền tình nguyện lên công tác ở xã biên giới Tri Lễ, huyện Quế Phong, cách nhà hơn 200km. Nơi đây, học sinh đa phần dân tộc Thái, Mông. Cô giáo trẻ lần đầu tiên ở vùng đất biên giới giáp Lào, học cách hòa nhập với trò, bà con dân bản, rồi mới dạy học kiến thức. Sau đó, cô chuyển công tác về Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Hạnh Dịch, cũng là xã xa trung tâm nhưng còn tình trạng học sinh nghỉ học theo bố mẹ lên rẫy.

Cô nhớ nhất kỷ niệm một mình cắm bản ở điểm trường bản Khốm, xã Hạnh Dịch. Khi đó, điểm trường chưa có sóng điện thoại, không có điện thắp sáng nhưng nghe tin một học sinh bị bố mẹ bắt nghỉ học, cô đã lặn lội qua sông, vượt một quả đồi để đi vận động học sinh trở lại trường. “Nghĩ lại, tôi vẫn không biết mình lấy động lực ở đâu để vượt suối, băng rừng đi tìm học trò như vậy. Khi đó chỉ mình tôi cắm bản ở điểm trường lẻ ấy, phải kiên quyết giữ trò, không để các em thất học vì khó khăn”, cô chia sẻ.

Hiện tại, ngôi trường cô công tác thực hiện mô hình dân tộc bán trú. Học sinh từ lớp 3 được đưa từ điểm lẻ về trường chính để ở như nội trú và học tập. Ngoài giờ dạy trên lớp, cô thường xuyên trực đêm, thời gian ở trường nhiều hơn ở nhà nhưng cô chưa bao giờ thấy mệt.

Ít ai biết rằng, cô Dương Thị Thao - giáo viên Trường THPT Cờ Đỏ, huyện Nghĩa Đàn, ngoài bề dày thành tích dạy học, nhiều năm qua còn là người mẹ đỡ đầu của cậu học sinh có hoàn cảnh đặc khó khăn. Cách đây mấy năm, cậu học trò vì bạo bệnh qua đời, cô vẫn tiếp tục quan tâm, hỗ trợ và đỡ đầu cho con gái học lớp 4 của cậu học sinh xấu số…

Cô chia sẻ, được ngành Giáo dục biểu dương là động lực, nguồn động viên lớn lao cho bản thân cũng như đội ngũ nhà giáo đang ngày đêm miệt mài dạy học. Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Bác Hồ, cô càng nhận thức rõ hơn vai trò, trách nhiệm và vị trí của mình trong sự nghiệp trồng người.

Cô học từ Bác tình yêu thương bao la với các em nhỏ. Bên cạnh dạy học, cô còn là điểm tựa tinh thần, người mẹ thứ 2 cho học trò thân yêu, tạo ra những sản phẩm đặc biệt cho xã hội đó là thế hệ lớp lớp học trò mang trong mình “tâm trong, trí sáng và hoài bão lớn”.

nhung-nha-giao-lam-theo-loi-bac-2.jpg
Cô giáo Đỗ Thị Hiền - Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Hạnh Dịch (huyện Quế Phong) thường xuyên quan tâm đến học sinh ở bán trú.

Viết tiếp truyền thống

Thầy Dương Quốc Việt giáo viên Toán công tác tại Trường THCS Đại Minh (huyện Yên Thành) đến với nghề giáo bởi lý do đơn giản “từ nhỏ khi còn đi học đã yêu quý thầy cô, lớn lên quyết tâm theo sư phạm”. Hơn 20 năm gắn bó với nghề, thầy chưa bao giờ ngừng nỗ lực, sáng tạo trong dạy học, để trở thành nhà giáo như đam mê. Gần đây nhất, trong 2 năm học liên tiếp, thầy tham gia và đạt danh hiệu giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp tỉnh năm 2025, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh môn Toán năm 2024.

Khi tham gia các kỳ thi này, thầy Việt chia sẻ mục tiêu không phải để lấy thành tích hay khen thưởng, mà để học hỏi rút kinh nghiệm phục vụ dạy học, giáo dục học sinh. Chương trình GDPT 2018 đòi hỏi sự cố gắng nhiều của giáo viên, nếu không thay đổi sẽ tụt hậu, không đáp ứng yêu cầu. Thầy quan niệm rằng, khó khăn nhất trong thực hiện đổi mới giáo dục là tư tưởng của giáo viên. Nếu cứ loay hoay, không bắt tay vào thực hiện, không tự tin bản thân có thể làm được thì sẽ mất thời gian và tự tạo lực cản cho mình.

Với những cống hiến, hết lòng với trò và nghề, thầy Dương Quốc Việt là 1 trong 135 cá nhân được biểu dương nhà giáo Nghệ An làm theo lời Bác năm 2025. “Được biểu dương trong dịp này, tôi rất tự hào, xúc động. Bác Hồ là tấm gương lớn mà mỗi người, nhất là giáo viên học tập được nhiều điều trong thực tế giáo dục học sinh. Đối với tôi, điều lớn nhất học được từ Bác chính là tình thương yêu học sinh”, thầy chia sẻ.

Trường THCS Đại Minh nơi thầy Việt công tác thuộc xã trung du bán sơn địa rộng lớn. Học sinh hầu hết sinh ra trong gia đình nông nghiệp, hoàn cảnh khó khăn, nhiều em bố mẹ không ở cùng chăm sóc mà sống với ông bà. Là giáo viên, thầy luôn xem học trò như con mình, yêu thương, quan tâm, tận tụy. Năm nay thầy Việt chủ nhiệm lớp 9, thời gian này thầy cùng với đồng nghiệp ôn thi miễn phí cho học sinh cuối cấp.

nhung-nha-giao-lam-theo-loi-bac-1.jpg
Nghệ An biểu dương 135 nhà giáo làm theo lời Bác năm 2025.

Hơn 20 năm trước, cựu học sinh Nguyễn Văn Tiến quay trở về ngôi trường THPT Đô Lương 1 và trở thành giáo viên trẻ môn Vật lý, bắt đầu bước chân vào nghề cầm phấn. Thầy giáo chủ nhiệm cũ Nguyễn Quốc Lộc bắt tay “đồng nghiệp mới” thật chặt: “Chào mừng em trở về”! Những tình cảm ấm áp đó giúp Nguyễn Văn Tiến như được trở về ngôi nhà gắn bó, để nỗ lực cống hiến, bước tiếp chặng đường mà thầy, cô giáo đáng kính của mình đã đặt nền móng.

Gắn bó với bục giảng, thầy Nguyễn Văn Tiến nỗ lực trau dồi chuyên môn dạy học, truyền động lực, đam mê vật lý cho nhiều thế hệ học trò. Nhiều học sinh của thầy đã giành giải Nhất, Nhì, Ba trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Vật lý; có những học trò được truyền cảm hứng từ thầy mà chọn theo nghề sư phạm.

Bản thân thầy cũng là giáo viên có nhiều sáng tạo đổi mới giáo dục, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong dạy học. Công tác ở ngôi trường huyện, nhưng thầy đạt được bề dày thành tích, và gần đây nhất là danh hiệu Nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2024.

Thầy Nguyễn Văn Tiến chia sẻ: “Bác Hồ đã từng căn dặn, không có tài thì làm gì cũng khó, nhưng không có đức thì vô dụng”. Là người thầy phải trau dồi cả đức lẫn tài, trong đó rất cần sự tận tâm với trò, tự tôn với nghề. Với thầy Tiến, năng lực chuyên môn giỏi chưa đủ, điều quan trọng nữa là phải biết cách dẫn dắt và tạo động lực cả bên trong lẫn ngoài để học trò cố gắng phát huy hết khả năng và chiếm lĩnh tri thức”.

Là 1 trong 135 nhà giáo được biểu dương nhà giáo Nghệ An làm theo lời Bác, thầy Nguyễn Văn Tiến cho rằng, các đồng nghiệp đều học tập tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xứng đáng được tôn vinh vì những nỗ lực, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

“Tôi và một số đồng nghiệp may mắn hơn được lựa chọn để biểu dương, bên cạnh niềm tự hào, xúc động vì những cống hiến và nhiệt huyết của mình đã được ghi nhận và trân trọng. Dù nhỏ bé nhưng tôi đã góp một phần sức lực để học tập và làm theo lời Bác, lan toả được ý nghĩa và giá trị của lao động cống hiến cho sự nghiệp trồng người”, thầy Nguyễn Văn Tiến cho hay.

Nói về các nhà giáo được tuyên dương, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Văn Thành khẳng định, mỗi người là một minh chứng sống động cho tinh thần học tập và làm theo lời Bác: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, thương yêu, chia sẻ, hết lòng vì học trò.

Những năm qua, bằng tinh thần đoàn kết, cộng sự, chia sẻ, kết nối của đội ngũ nhà giáo đã đưa kiến thức, giá trị, hành trang quý giá tốt đẹp nhất cho học sinh thân yêu. Và tinh thần đó sẽ tiếp tục lan tỏa trong toàn ngành để nối dài thêm thành tích và góp phần viết tiếp truyền thống hiếu học của người dân xứ Nghệ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio.

Mỹ hé lộ lằn ranh đỏ với Iran

GD&TĐ - Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio khẳng định Washington theo đuổi mục tiêu không để Iran sở hữu vũ khí hạt nhân bằng biện pháp hòa bình.

Học sinh Trường THCS Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm trong tiết chuyên đề Ngữ văn cấp thành phố. Ảnh: Đình Tuệ

Trường giúp trường nâng cao chất lượng

GD&TĐ - Bằng nhiều hoạt động khác nhau, các trường ở Hà Nội tiếp tục tương trợ về chuyên môn, quản lý để cùng phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục.

Nguyễn Minh Anh - sinh viên Trường Đại học Ngoại thương. Ảnh: NVCC

Lan tỏa tinh thần học và làm theo Bác

GD&TĐ - Vượt qua hơn 1,8 triệu thí sinh cả nước, Vũ Thị Kim Oanh và Nguyễn Minh Anh xuất sắc đoạt giải Nhất cuộc thi “Tuổi trẻ học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2025.