"Những người hùng" trên tuyến đầu chống dịch

GD&TĐ - 10 thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021 đã có nhiều sáng kiến, thành tích trong việc góp phần cứu chữa người bệnh trong đại dịch Covid-19.

"Những người hùng" trên tuyến đầu chống dịch

Nguyễn Đăng Quang

Sinh năm 1992, anh là bác sĩ Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh.

Bác sĩ Nguyễn Đăng Quang đã tình nguyện tham gia các đội lấy mẫu, sàng lọc F0 tại cộng đồng, vùng tâm dịch tại TP Hồ Chí Minh, tỉnh An Giang. Trong quá trình công tác, bị nhiễm Covid-19, anh vẫn tiếp tục thăm khám, điều trị, hỗ trợ cấp cứu cho những bệnh nhân nhiễm Covid-19 khác.

Anh đã tham gia xây dựng các quy trình thăm khám, điều trị bệnh nhân nặng cần hỗ trợ thở máy. Bên cạnh đó là các tiêu chuẩn nhận biết bệnh nhân nặng, cần chăm sóc, theo dõi đặc biệt...

Ngoài ra, anh còn tham gia Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, tư vấn điều trị cho F0 trên toàn quốc; Tổ chức và thực hiện chiến dịch “Mũi tiêm an toàn – vắc-xin hạnh phúc”; Xây dựng và phát triển ứng dụng Dr.Home, kết nối người dùng điện thoại thông minh và y bác sĩ, chuyên gia theo dõi sức khỏe hậu Covid-19.

Lê Tuấn Thành

Bác sĩ Lê Tuấn Thành (sinh năm 1984) là Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội. Anh đã tham gia tích cực vào công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 với vai trò chuyên gia dự báo và đánh giá nguy cơ dịch bệnh giúp việc cho Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19.

Anh tham gia sáng lập, điều hành Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương với sự điều phối của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Tổ Thông tin Đáp ứng nhanh phòng chống dịch Covid-19. Anh trực tiếp kết nối, đào tạo và phân nhóm mạng lưới gần 9.502 tình nguyện viên.

Anh Thành đã nhận được bằng khen về công tác khoa học, tham gia phòng chống dịch Covid-19, bên cạnh đó là giải thưởng Đặng Thùy Trâm 2020 về lĩnh vực chuyên môn.

Lê Xuân Tùng

Bác sĩ Lê Xuân Tùng (sinh năm 1986) là Phó Bí thư Đoàn Thanh niên, cán bộ Trung tâm Chỉ đạo tuyến – Bệnh viện Nhi Trung ương. Anh trực tiếp triển khai chỉ đạo CLB Thầy thuốc trẻ Bệnh viện Nhi biên tập Sổ tay Hướng dẫn chăm sóc trẻ mắc Covid-19 tại nhà; Truyền thông trên các kênh mạng xã hội tới trực tiếp người dân.

Bên cạnh đó, bác sĩ Lê Xuân Tùng còn vận động tài trợ in 1 nghìn cuốn phát trực tiếp tới tay người nhà bệnh nhân và Mạng lưới Thầy thuốc trẻ đồng hành. Tham gia tư vấn trực tuyến và trực tiếp nhiều trường hợp bệnh nhi, người nhà bệnh nhi mắc Covid-19.

Anh tham gia các hoạt động thiết kế, sản xuất tấm chắn bảo hộ nhân viên y tế; Vận động tài trợ cho bệnh viện 700 bộ đồ phòng dịch, 1 nghìn khẩu trang y tế, 10 nghìn khẩu trang N95, 5 nghìn tấm che bảo hộ cho nhân viên…

Đặng Văn Hòa

Bác sĩ Đặng Văn Hòa (sinh năm 1982) là Trưởng phòng Quản lý chất lượng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh Bắc Giang. Anh tích cực tham gia vận động các nguồn lực từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống dịch với tổng trị giá hơn 4 tỷ đồng.

Anh điều phối lực lượng nòng cốt là các thầy thuốc trẻ tham gia lấy mẫu xét nghiệm, truy vết, khoanh vùng, sàng lọc bệnh nhân; Trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19 tại các trung tâm Hồi sức cấp cứu, bệnh viện dã chiến, cơ sở thu dung, điều trị ban đầu Covid-19.

Anh tổ chức cho hơn 200 hội viên đăng ký, tham gia lên đường hỗ trợ phòng chống dịch tại các tỉnh Đồng Tháp, Bình Dương, Long An, Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, anh còn tham mưu thành lập Mạng lưới “Thầy thuốc trẻ đồng hành cùng F0” với hơn 200 y, bác sĩ tình nguyện tư vấn, hỗ trợ F0 điều trị tại nhà ở Bắc Giang.

Đặng Thị Yến Vy

Bác sĩ Vy (sinh năm 1993) làm việc tại Khoa Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa Mỹ Phước (Bình Dương).

Chị đã tham gia xây dựng quy trình tiếp nhận, điều trị, cấp cứu bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến số 1 Bình Dương. Qua đó cấp cứu, cứu sống nhiều bệnh nhân nặng. Tại đây, chị còn tổ chức Chương trình Trung thu 2021 cho các em nhỏ bị nhiễm Covid-19.

Nguyễn Đức Tiến

Bác sĩ Tiến (sinh năm 1983) công tác tại Khoa Hóa sinh, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Bệnh viện 19/8, Bộ Công an.

Anh tham gia mạng lưới đồng hành với vai trò là bác sĩ quản lý điều hành tư vấn sàng lọc người bệnh nhiễm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh. Anh đã đề xuất tạo QR Code và triển khai khai báo y tế điện tử cho bệnh viện để triển khai việc ra vào viện, thay thế bản khai y tế bằng giấy, từ đó tiết kiệm hàng chục triệu đồng. Anh còn tham gia, hỗ trợ tiêm vắc-xin cho 20 nghìn lượt cán bộ chiến sĩ.

Anh đã tổ chức, huy động đoàn viên và tham gia hiến máu để bảo đảm nguồn máu cho bệnh nhân trong thời gian dịch Covid-19; Quyên góp ủng hộ quần áo bảo hộ, nhu yếu phẩm, bảo hộ cá nhân… cho công tác phòng chống dịch của Bắc Ninh, Bắc Giang, Điện Biên và các bệnh viện điều trị Covid-19 tại Hà Nội.

Lê Thị Lan

Nhân viên Khoa Bán cấp tính nam, Phụ trách khu thu dung điều trị bệnh nhân tâm thần mắc Covid-19 (Khu C2), Lê Thị Lan (sinh năm 1992) là Bí thư Đoàn cơ sở Bệnh viện Tâm thần T.Ư 2.

Chị đã xung phong tình nguyện tham gia khám và điều trị, chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 10 tỉnh Đồng Nai từ ngày 4/8 đến ngày 6/9/2021. Khi Bệnh viện Tâm thần T.Ư 2 bùng phát dịch, chị đã tham gia công tác thu dung, điều trị bệnh nhân tâm thần mắc Covid-19.

Chị đã cùng đồng nghiệp xây dựng sơ đồ phòng bệnh, thiết kế khu điều trị theo mô hình thiết kế cơ sở hạ tầng chuyên điều trị các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp; Bảo đảm được quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn. Đặc biệt, chị đã tìm tòi sáng tạo phác đồ điều trị phù hợp nhất giảm thiểu tối đa các bệnh nhân chuyển biến nặng phải chuyển tầng điều trị.

Đến nay, Khu điều trị C2 thuộc Bệnh viện Tâm thần T.Ư 2 đã tiếp nhận và điều trị gần 400 bệnh nhân tâm thần mắc Covid-19. Phần lớn các bệnh nhân khỏi bệnh và đủ điều kiện xuất viện theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Lê Minh Ngọc

Anh Ngọc (sinh năm 1990) là bác sĩ điều trị của Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Anh tích cực tham gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 năm 2020 – 2021. Cụ thể, anh tham gia tổ điều trị Covid-19 nặng của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; điều trị hồi sức các bệnh nhân lọc máu chu kỳ bị Covid-19 của Đà Nẵng tại Bệnh viện T.Ư Huế.

Là thành viên nhóm “Tâm Việt”, anh đã hỗ trợ tư vấn y tế trực tuyến trong đại dịch Covid-19 cho bà con người Việt thông qua các Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ, Nga và các nước khác.

Anh còn làm lãnh đạo đoàn công tác của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tại Bình Dương; Đồng thời đóng góp nhiều ý tưởng và trực tiếp hồi sức, góp phần cứu sống hàng trăm bệnh nhân Covid-19 nặng.

Lò Thị Thanh Hợp

Bác sĩ Hợp (sinh năm 1990) là Trưởng khoa Nhi Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên. Chị đã tuyên truyền vận động người dân nắm bắt được tình hình dịch, hiểu biết về tiêm phòng vắc-xin phòng Covid-19 và thực hiện các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch. Chị trực tiếp tham gia lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng tại các điểm nóng, vùng tâm dịch ở Điện Biên và hỗ trợ các đợt tiêm vắc-xin.

Vũ Sơn Giang

Bác sĩ Giang (sinh năm 1982) là Phó Chủ nhiệm chính trị, kiêm Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Bệnh viện Quân y 175. Anh đã chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch bảo đảm nguồn nhân lực cho nhiệm vụ phòng chống dịch tại bệnh viện, cũng như chi viện cho TP Hồ Chí Minh; Đồng thời thực hiện nhiệm vụ thu dung, cấp cứu, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, bảo đảm quân số cho các lực lượng chống dịch.

Ngoài ra, bác sĩ Giang đã chỉ đạo tổ chức quần chúng phát động phong trào thanh niên xung kích tham gia phòng, chống dịch Covid-19; Tổ chức các hoạt động thiện nguyện hỗ trợ người bệnh có hoàn cảnh khó khăn; Vận động, tổ chức các đợt hiến máu tình nguyện tiếp nhận hàng nghìn đơn vị máu trong mùa dịch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.